Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam: Phát triển vùng nguyên liệu cây thuốc kết hợp với du lịch nông nghiệp

20181111_065534987_a93283c19ea198f138088872fe950b29
Ông Nguyễn Ngọc Quang – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam.

Thời gian qua, Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến việc phát triển dược liệu, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của Việt Nam và coi đó là một trong các nhóm giải pháp của công tác xóa đói, giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, do giá trị thu nhập của dược liệu mang lại. Ngày 30/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1976/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với quan điểm phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trên cơ sở sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên và xã hội; phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển dược liệu, đẩy mạnh xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam ông Nguyễn Ngọc Quang về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông, được biết hiện nay Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề Nông thôn Việt Nam đang có định hướng về việc phát triển cây thuốc và vùng nguyên liệu để phục vụ vấn đề sản xuất trong nước và hướng tới xuất khẩu. Với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam, xin ông cho biết định hướng của Hiệp hội với vấn đề này?

Ông Nguyễn Ngọc Quang: Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam là đơn vị bảo trợ, hỗ trợ cho rất nhiều hội viên, các cộng đồng doanh nghiệp nông thôn tại những vùng được thiên nhiên ưu đãi, có điều kiện trồng, chế biến và bảo tồn những cây dược liệu quý, hiếm để tránh bị cạn kiệt, tuyệt chủng. Hiệp hội đã thành lập Ban chỉ đạo về bảo tồn gen và giống các cây thuốc quý Việt Nam, thành lập các trung tâm bảo tồn cây thuốc tại các tỉnh, các địa phương với mục đích hướng dẫn, thu mua, bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu để cung cấp cho các công ty, nhà máy, các nhà thuốc và tiến tới xuất khẩu.

Chính vì vậy, chúng ta cần có vùng dược liệu sạch chất lượng cao đáp ứng được mọi yêu cầu của thị trường, nhà sản xuất và đối tác nước ngoài!

Để đạt được những kết quả này, Hiệp hội đã đồng hành với các đơn vị: Viện nghiên cứu, Công ty sản xuất nam dược, Bệnh viện Y học cổ truyền dân tộc, nhà thuốc, doanh nghiệp và hiệp hội, nghiệp đoàn, tập đoàn của nước ngoài, ký kết hợp tác liên doanh trồng và tiêu thụ sản phẩm dược liệu của Việt Nam.

ttxvnche_san_tuyet_1
Mô hình trồng cây dược liệu kết hợp du lịch sinh thái.

Phóng viên: Có rất nhiều vùng trồng nguyên liệu đang không có đầu ra. Do vấn đề nguyên liệu nhập khẩu từ các nước láng giềng đang ồ ạt vào Việt Nam với giá thành thấp, chất lượng không đảm bảo. Nếu Hiệp hội phát triển các vùng nguyên liệu thì có giải pháp thế nào để giúp đầu ra, bao tiêu sản phẩm cho các doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Ngọc Quang: Hiện nay, nguồn dược liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, đang rất khó quản lý và có nhiều bất cập. Khi được thông quan qua các cửa khẩu, không được các cán bộ có chuyên môn kiểm tra chất lượng. Dẫn đến dược liệu trên thị trường, phần lớn là kém chất lượng hoặc bị chiết xuất một phần hoạt chất, dược liệu bị “phù phép” từ chỗ không có hóa đơn chứng từ và nguồn gốc xuất xứ, được một số doanh nghiệp kinh doanh dược liệu, cơ sở sản xuất thuốc hợp thức hóa giấy tờ, để lọt vào đấu thầu tại các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, cán bộ tại các trung tâm kiểm nghiệm còn thiếu và yếu về chuyên môn… những hạn chế nêu trên ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị bệnh, không khuyến khích được việc trồng, thu hái dược liệu trong nước.

Một phần nguyên nhân của thực trạng trên là do các định hướng vùng trồng của quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vẫn chỉ là kế hoạch, chưa được chú trọng đầu tư, bố trí nguồn kinh phí để phát triển dược liệu. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về dược liệu còn thiếu, hoạt động kinh doanh, sản xuất dược liệu vẫn dựa theo các quy định về quản lý thuốc tân dược, cho nên, có nhiều bất hợp lý.

Hiệp hội đã có kiến nghị với các cấp có thẩm quyền và chuyên môn để có định hướng quy hoạch vùng dược liệu chuyên canh. Có kế hoạch đánh giá về trữ lượng, chất lượng cho các loại dược liệu. Để tránh tình trạng cung vượt cầu, loại thừa, loại thiếu, gây thiệt hại cho người trồng, dẫn đến tình trạng nước ngoài mua của ta hàng loại tốt giá rẻ và bán lại cho ta hàng chất lượng kém.

Phóng viên: Tính đến thời điểm hiện nay, xin ông cho biết Hiệp hội đã có những trung tâm, vùng nguyên liệu nào?  

Ông Nguyễn Ngọc Quang: Hiện nay, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam đã thành lập các trung tâm bảo tồn cây thuốc tại các địa phương như: phía Bắc có Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nam; miền Trung có Thanh Hóa, Nghệ An; các vùng Duyên Hải Cần Thơ, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai và đặc biệt là Trung tâm bảo tồn gen và giống các cây thuốc quý tại Hà Nội… đây là các đơn vị sẽ hỗ trợ địa phương, hướng dẫn bà con khai thác thu mua hàng và bảo tồn, phát triển tránh cạn kiệt, tuyệt chủng. Kết hợp liên kết chuỗi hỗ trợ nhau kỹ thuật trồng, chăm bón, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ để đa dạng hệ sinh thái chủng loại dược liệu, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Ví như mô hình tại vùng Võ Nhai huyện miền núi phía Đông Bắc của tỉnh Thái Nguyên, tại khu rừng đặc dụng Thần Sa – Phượng Hoàng có tổng diện tích 19.913,54 ha, là khu vực có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh Thái Nguyên, nằm vị trí tiếp giáp với 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn. Hiệp hội đã kết hợp với Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tổ chức cho cộng đồng dân cư vùng đệm tham gia các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, phát triển các mô hình trồng cây dược liệu, góp phần nâng cao thu nhập và gắn sinh kế của người dân với các hoạt động của khu bảo tồn. Kết quả năm 2020 đã thực hiện trồng 6,0 ha cây Ba Kích và Cát Sâm với 7 hộ gia đình tham gia tại xã Sảng Mộc; năm 2021, tiếp tục triển khai mô hình với 09 hộ gia đình tham gia với diện tích 6,0 ha tại 03 xã: Thần Sa, Cúc Đường và Phú Thượng. Qua quá trình theo dõi sinh trưởng, phát triển, nhận thấy hai loài cây dược liệu này phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và hứa hẹn cho thu nhập cao hơn những loài cây trồng khác tại địa phương. Những hộ gia đình được lựa chọn tham gia thực hiện mô hình được tổ chức tập huấn kỹ thuật, cấp cây giống, phân bón và cử cán bộ theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật các mô hình. Kết quả, cây trồng đúng quy trình kỹ thuật, sinh trưởng phát triển tốt.

z3101399053322_078fce6bfb0966697c33af431e489604
Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Ngọc Quang thăm mô hình du lịch sinh thái.

Du lịch nông nghiệp phát triển nông thôn mới bền vững

Việc phát triển du lịch nông thôn và các ngành nông nghiệp liên kết được xác định là một trong những giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Vì thế, dự án du lịch nông nghiệp kết hợp trồng cây dược liệu là một giải pháp cần thiết và phù hợp với thực tế hiện nay.

Phóng viên: Với đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030, việc phát triển du lịch nông thôn và ngành nông nghiệp liên kết kèm theo du lịch được xác định là một trong những giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Với vị thế là Hiệp hội ngành nghề nông thôn, xin ông cho biết, Hiệp hội đã làm gì để thúc đẩy chương trình?

Ông Nguyễn Ngọc Quang: Trong xu hướng hội nhập sâu rộng hiện nay, ngành du lịch trong nước sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và mức độ cạnh tranh về chất lượng dịch vụ và mức độ phong phú nó mang lại. Để du lịch phát triển bền vững đã có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó du lịch sinh thái, nông nghiệp là một hình thức đang thu hút được các doanh nghiệp đầu tư và phát triển nhân rộng, bằng các mô hình với dịch vụ mới.

z3101378846902_3d075edacf0e8718b4e9e68dbcaa0005
Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Ngọc Quang thăm mô hình du lịch sinh thái.

Phóng viên: Phát triển các trung tâm bảo tồn và trồng cây thuốc trên toàn lãnh thổ Việt Nam, Hiệp hội có phương án kết hợp du lịch nông nghiệp với trồng cây dược liệu hay không? Ấn tượng của ông về mô hình này?

Ông Nguyễn Ngọc Quang: Hiệp hội đang khuyến khích và đưa ra những phương án hỗ trợ cho hội viên, doanh nghiệp, các Hợp tác xã và cộng đồng phát triển các mô hình du lịch nghỉ dưỡng – chữa bệnh bằng thảo dược không dùng thuốc tại các vùng trồng dược liệu. Tạo điều kiện cho du khách tham gia vào các hoạt động như: trồng cây thảo dược, thu hái, chế biến thành thuốc… và thưởng thức các món ăn của mỗi địa phương, vùng miền, dân tộc mình.

Giới thiệu, lan tỏa đến tất cả mọi người các loại dược liệu quý, bài thuốc hay của dân tộc, vùng miền trong dân gian với vốn tri thức bản địa lưu truyền hàng nghìn đời nay; hướng dẫn người dân chăn nuôi bằng những thảo dược tại vùng của mình, tạo các món ăn từ thảo dược. Đem lại giá trị kinh tế, xóa khoảng cách giàu nghèo, mang lại văn minh cho mọi người nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là mong muốn, là xu hướng hiện nay của cả nhân loại, các quốc gia, nhằm ổn định kinh tế và an ninh chính trị.

Hiệp hội vẫn đang tiếp tục có các chương trình hỗ trợ cho các hội viên, Hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là các bạn trẻ mới khởi nghiệp trong lĩnh vực trồng cây dược liệu – du lịch sinh thái – món ăn thực dưỡng và chữa bệnh bằng thảo dược. Khuyến khích trồng loại cây dược liệu phù hợp với vùng miền đã được thiên nhiên ưu đãi. Tôi nghĩ, đây sẽ là mô hình kinh tế rất phù hợp với đất nước chúng ta.

Hiện tại, Hiệp hội đang đồng hành cùng các dự án du lịch sinh thái nông nghiệp dược liệu tại các địa phương như: Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Ninh Bình, Phú Quốc, Cà Mau,… đang nhân rộng các mô hình trên. Tôi tin, các mô hình kinh tế này sẽ thành công, phát triển tốt và mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Phóng viên: Cảm ơn ông với những chia sẻ. Năm cũ sắp qua, năm mới đang đến! Xin chúc ông cùng toàn thể gia đình một năm mới sức khỏe, vạn sự như ý. Chúc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập với thế giới!

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích