Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề xuất nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản
(Xây dựng) – Nhằm triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và giai đoạn 2023 – 2025. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị Nhà nước cần kéo dài thêm chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 để doanh nghiệp có đủ thời gian hồi phục và đóng góp dài hạn cho nền kinh tế.
Khu nhà ở công nhân Nam Sài Gòn. |
Một số giải pháp kiến nghị như:
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% qua Ngân hàng thương mại (40.000 tỷ đồng) đối với các doanh nghiệp bất động sản nhà ở (đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thuê và thuê mua).
Triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030) để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 – 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VNĐ bình quân của các Ngân hàng thương mại Nhà nước.
Xem xét áp dụng mức giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án nhà ở xã hội (cao hơn mức 50% hiện tại) và dự án nhà ở thương mại giá vừa túi tiền.
Tiếp tục giảm tiền thuê đất, ưu đãi tiền thuê đất giai đoạn 2023 – 2024 cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại – đặc biệt là các dự án nhà ở thương mại giá vừa túi tiền để tạo động lực cho các chủ đầu tư triển khai xây dựng phân khúc này, góp phần giảm sự lệch pha cung – cầu; kéo dài thời gian cho phép các nhà đầu tư chậm nộp tiền ký quỹ đến năm 2024 để đảm bảo thực hiện các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhằm giảm bớt khó khăn, hỗ trợ chi phí cơ hội cho các doanh nghiệp, người trong giai đoạn đầu hồi phục hậu Covid-19 (đặc biệt các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt, thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp).
Theo ông Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thành việc rà soát thủ tục pháp lý các dự án bất động sản đang thực hiện chậm tiến độ/bị tạm dừng và xử lý dứt điểm trong năm 2022, 2023 để tạo điều kiện cho các dự án được thực hiện lại, bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường; xử lý “ách tắc” với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp theo quy hoạch, theo quy định của pháp luật về đất đai song không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại (do quy định của khoản 1 và khoản 4 Điều 23 Luật nhà ở 2014 và khoản 5 Điều 1 Nghị định số 30/2021/NĐ-CP chỉ công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với 02 trường hợp: Có 100% đất ở hoặc có nhiều loại đất trong đó có đất ở.
Thực hiện miễn Giấy phép xây dựng đối với các công trình của dự án đầu tư thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 theo điểm h khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 6/6/2014 của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh.
Ngân hàng thương mại tăng cường hỗ trợ về lãi suất/phí đối với giao dịch bất động sản thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Tăng cường tuyên truyền, đào tạo kiến thức về tài chính, chứng khoán, quản lý rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân để phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro trong đầu tư bất động sản, đầu tư cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp (trong đó trái phiếu doanh nghiệp bất động sản).
Định hướng, khuyến khích xu hướng phát hành trái phiếu ra công chúng thay cho hình thức phát hành riêng lẻ; tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, bỏ cọc, kê khai “hai giá” trong chuyển nhượng bất động sản vừa tăng tính răn đe vừa đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, giảm thất thu ngân sách; hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ (ưu tiên hoàn trả nợ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, không đảm bảo nghĩa vụ trả nợ).
Đẩy mạnh việc cấp sổ sở hữu tài sản bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cho nhà đầu tư thứ cấp để nhanh chóng giải phóng nguồn lực hàng chục tỷ USD và kích thích bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phát triển trên cơ sở Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Hiệp hội bất động sản Việt Nam đề xuất, mức lãi suất cho vay đối với thị trường bất động sản trong giai đoạn 2023 – 2025 cụ thể: Phân khúc nhà ở thương mại phù hợp với thu nhập, kiến nghị dưới 7%/năm; Phân khúc nhà ở xã hội: Với doanh nghiệp, kiến nghị dưới 6%/năm; với người mua nhà dưới 4,5%/năm; Phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, kiến nghị dưới 9%/năm; Phân khúc bất động sản nhà ở cao cấp và các phân khúc khác, kiến nghị từ 9-10%/năm.
Các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động đổi mới tư duy, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động thông qua ứng dụng các công nghệ hiện đại; đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tiết giảm chi phí, thời gian, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Tiếp tục triển khai các chương trình cơ cấu lại danh mục sản phẩm, giảm giá thành các sản phẩm tới mức tối đa, tăng cường các hoạt động, giải pháp chiết khấu, khuyến mãi để tăng lưu thông hàng hoá, sản phẩm bất động sản phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Chú trọng áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS), chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS); tuân thủ các quy định về quản trị, công khai – minh bạch, cung cấp thông tin, tăng cường các thông tin/báo cáo bằng tiếng Anh vừa đáp ứng yêu cầu vay vốn tín dụng ngân hàng vừa đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, minh bạch.
Chủ động thu hút vốn đầu tư chiến lược nước ngoài/tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả kinh doanh, uy tín của doanh nghiệp bất động sản với khách hàng, nhà đầu tư.
Các doanh nghiệp bất động sản uy tín, có nhu cầu tăng vốn nên xây dựng phương thức, lựa chọn thời điểm phát hành phù hợp với kế hoạch sử dụng vốn minh bạch, khả năng trả nợ… (phát hành trái phiếu/trái phiếu xanh, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, chương trình ESOP, cổ phiếu quỹ, quỹ REIT, trái phiếu công trình; thuê tài chính…) nhằm đảm bảo tỷ lệ thành công cao, huy động và sử dụng vốn hiệu quả.
Nguồn: Báo xây dựng