Hiệp Hòa (Bắc Giang): Quyết tâm cho “mũi nhọn” công nghiệp
(Xây dựng) – Được quy hoạch là thủ phủ công nghiệp mới tại phía Tây tỉnh Bắc Giang, huyện Hiệp Hòa được xem là vùng đất “hứa” và trở thành điểm đến cho nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nắm bắt được lợi thế, trong những năm qua, huyện đã đưa ra nhiều quyết sách phù hợp, táo bạo, trong đó tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm tạo mặt bằng sạch thu hút các nhà đầu tư.
Khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Hiệp Hòa đang là một trong những điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. |
90 ngày cao điểm
Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú được thành lập theo Quyết định số 1437/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang ngày 9/9/2016 với diện tích quy hoạch hơn 400ha (trong đó giai đoạn 1 là 207ha, giai đoạn 2 là 200ha) thuộc các xã Châu Minh, Mai Đình, Hương Lâm (Hiệp Hòa). Tính đến hết tháng 8/2022, KCN Hòa Phú đã GPMB được khoảng 201,2ha đạt 97%, giao đất 8 đợt với tổng diện tích khoảng 193,8ha; đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật KCN trên phần diện tích đất được giao, thu hút đầu tư được 23 dự án với tổng vốn đầu tư trên 500 triệu USD. Đây là KCN với định hướng đầu tư phát triển các ngành: Cơ khí lắp ráp, chế tạo điện tử, sản phẩm công nghệ cao, ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến thực phẩm; các ngành, nghề thủ công, mỹ nghệ, ngành công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng… Đặc biệt, ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ hiện đại, sạch, không gây ô nhiễm môi trường và các dự án thu hút nhiều lao động.
Mặc dù xác định được tầm quan trọng của việc GPMB, tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, thế nhưng trong quá trình triển khai thực tế huyện Hiệp Hòa còn gặp một số khó khăn. Theo ông Hoàng Công Bộ – Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, nguyên nhân là chủ yếu là do mức đền bù của huyện còn thấp so với các địa phương liền kề thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội. Bên cạnh đó, vị trí khu đất thực hiện dự án là đồng chiêm trũng, nhiều khu đất, thửa đất không có bờ thửa rõ ràng; nhiều thửa đất sử dụng chung, giao trái thẩm quyền không có giấy tờ; việc cập nhật sổ sách theo dõi quản lý ở cơ sở thời gian trước đây yếu kém, mất nhiều thời gian xác minh nguồn gốc, chủ sử dụng, loại đất, diện tích đất hợp pháp để bồi thường… do đó ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án.
Để giải quyết triệt để vấn đề này, UBND huyện Hiệp Hòa đã ban hành kế hoạch cao điểm 90 ngày thực hiện công tác thu hồi đất, GPMB dự án KCN Hòa Phú và KCN Hòa Phú mở rộng giai đoạn 1.
Theo kế hoạch trên, các cơ quan chuyên môn của huyện bao gồm: Hội đồng bồi thường, thẩm định hồ sơ thu hồi đất, GPMB huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp, UBND các xã Mai Đình, Hương Lâm, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện… sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn hiện tại.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quy định về thu hồi đất đến người có đất thu hồi. Tiến hành rà soát, thống kê, đánh giá kỹ tác động của việc thu hồi đất đối với nhân dân trên địa bàn để nắm tình hình về số hộ bị thu hồi hết đất hoặc cơ bản hết đất; lập hồ sơ đề nghị ban hành Thông báo thu hồi đất. Thực hiện kiểm kê hiện trạng đất và tài sản gắn liền với đất; tổ chức niêm yết công khai, lấy ý kiến nhân dân về dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tổng hợp, tiếp nhận, giải đáp các ý kiến tham gia của người có đất Nhà nước thu hồi về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định… Thực hiện công tác thu hồi đất, GPMB dự án phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch, công bằng và đảm bảo quy trình, trình tự theo quy định. “Chúng tôi đặt ra mục tiêu từ giờ tới cuối năm sẽ hoàn thành việc GPMB KCN Hòa Phú và KCN Hòa Phú mở rộng giai đoạn 1. Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ huy động mọi nguồn lực, tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân, giải quyết dứt điểm những kiến nghị, lợi ích của người dân theo quy định của pháp luật”, ông Hoàng Công Bộ cho biết.
Quyết liệt tạo điểm nhấn trong phát triển công nghiệp
Hiệp Hòa là huyện có dân số cao nhất của tỉnh Bắc Giang với hơn 254 nghìn người, diện tích 201km2. Đây là địa phương nằm ở phía Tây của tỉnh Bắc Giang, giáp với Phổ Yên và Phú Bình – tỉnh Thái Nguyên, Sóc Sơn – Thành phố Hà Nội và Yên Phong – tỉnh Bắc Ninh.
Trong những năm qua, với mục tiêu phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giảm tỷ trọng nông nghiệp, huyện Hiệp Hòa đã có những bước chuyển mình ngoạn mục. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 8.910 tỷ đồng, tăng trưởng 24,3% so với cùng kỳ, đạt 65,5% kế hoạch. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp – xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn (tăng 5,8% so với cùng kỳ) và ngày càng giữ vai trò dẫn dắt, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung.
Xác định công nghiệp – xây dựng, dịch vụ sẽ có vai trò trụ đỡ, dẫn dắt kinh tế của huyện, do đó Hiệp Hòa luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất “trải thảm đỏ” thu hút các nhà đầu tư. Hàng năm, huyện đều tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn để lắng nghe, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong phạm vi thẩm quyền của huyện và kiến nghị lên cấp trên để giải quyết những tồn tại trong cơ chế, chính sách.
Bên cạnh đó, huyện Hiệp Hòa cũng tập trung rất lớn cho việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, tạo sự kết nối thông suốt. Hiện nay, huyện tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng, nhà thầu đẩy nhanh việc thi công tuyến đường từ Quốc lộ 37 sang Phổ Yên, Thái Nguyên nối KCN Yên Bình; tuyến đường nối với KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, đồng thời, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường 295, 296 nhằm tăng cường khả năng liên kết giữa các địa bàn trong huyện với các tỉnh bạn.
“Huyện Hiệp Hòa coi công nghiệp là đầu tàu là yếu tố then chốt để đưa huyện phát triển trong thời gian tới. Huyện cũng đã được kết nối với các trung tâm công nghiệp lớn của vùng như Phổ Yên (Thái Nguyên), Yên Phong (Bắc Ninh), Sóc Sơn (Hà Nội)… đồng thời ngay cạnh là Việt Yên, một thủ phủ công nghiệp trong tỉnh do đó đây là điều kiện thuận lợi song cũng là một thách thức đối với chúng tôi. Với nỗ lực, quyết tâm cao của chính quyền và nhân dân trong huyện, chúng tôi tin rằng sẽ đạt được những thành tựu vượt bậc trong phát triển công nghiệp trong nhiệm kỳ này, đưa Hiệp Hòa trở thành một thủ phủ công nghiệp mới ở phía Tây của tỉnh Bắc Giang”, ông Hoàng Công Bộ chia sẻ.
Nguồn: Báo xây dựng