Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU thúc đẩy tăng cường thương mại nông sản Việt

Diễn đàn kinh doanh Nông nghiệp Việt Nam – EU do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban châu Âu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Hiệp hôi Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam tổ chức ngày 11/7 tại Hà Nội. Diễn đàn được tổ chức nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày 10-14/7 của Cao ủy phụ trách Nông nghiệp Liên minh châu Âu Janusz Wojciechowski và một đoàn doanh nghiệp gồm 50 đại diện cấp cao của ngành nông sản châu Âu.Thông tin tại hội nghị cho biết: “Nhờ có lợi ích của EVFTA, người tiêu dùng châu Âu đã có cơ hội tiếp cận rộng rãi hơn tới các sản phẩm nông sản của Việt Nam. Các mặt hàng chính yếu như gạo, các sản phẩm đường… của Việt Nam cũng được hưởng lợi khi được nhập khẩu vào EU với thuế suất là 0. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam thì có cơ hội tiếp cận nhiều mặt hàng thực phẩm của châu Âu có tính an toàn và chất lượng cao.”

Diễn đàn cung cấp một nền tảng trao đổi kinh nghiệm giữa các doanh nhân về tiếp thị các sản phẩm nông nghiệp thực phẩm và đồ uống, các tiêu chuẩn sản xuất bền vững và các mối quan hệ đối tác có thể có giữa EU và các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Đông Nam Á. Tham dự các sự kiện này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ cơ hội được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp EU để tìm kiếm các cơ hội hợp tác, kinh doanh đầu tư mới.

1
Ông Janusz Wojciechowski phát biểu tại hội thảo Kinh doanh nông sản Việt Nam – EU

Ông Janusz Wojciechowski cho biết Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng của EU ở Đông Nam Á sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU có hiệu lực vào năm 2020. “Chuyến thăm của tôi cùng với một đoàn doanh nghiệp gồm đại diện ngành nông sản của EU sẽ góp phần tận dụng lợi thế của các cơ hội thương mại mới và cho phép giới thiệu các tiêu chuẩn chất lượng cao và bền vững của sản xuất nông sản thực phẩm của EU vì lợi ích của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng khắt khe,” ông Janusz Wojciechowski nhấn mạnh.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng khẳng định Việt Nam luôn coi EU là đối tác quan trọng hàng đầu, là bạn hàng lớn truyền thống và tiền năm cho nông sản Việt Nam, nhất là khi hiệp định EVFPA có hiệu lực.

Chia sẻ về lợi thế sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông sản. Việt Nam thuộc nhóm 15 nước xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu thế giới. Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD và dự báo đạt trên 55 tỷ USD vào năm 2022.

Lợi thế so sánh trong sản xuất nông sản  cùng với môi trường vĩ mô ổn định và an toàn, thị trường trong nước quy mô lớn với gần 100 triệu dân, là cửa ngõ cho khu vực Đông Nam Á với 650 triệu dân, Việt Nam đã thu hút được các tập đoàn lớn và có tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới, trong đó có các doanh nghiệp EU như Bayer (Đức); De Heus, Nutreco (Hà Lan); Nestlé (Thụy Sỹ); Ceva, Virbac (Pháp).

Tính đến cuối năm 2020, tổng số dự án FDI luỹ kế còn hiệu lực trong ngành nông nghiệp (bao gồm cả sản xuất nông nghiệp trực tiếp và các ngành công nghiệp – dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp) là 1961 dự án, với vốn đăng ký đạt 17,2 tỷ USD. Có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có đầu tư vốn FDI vào ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, vốn FDI từ EU vào nông nghiệp Việt Nam vẫn khá khiêm tốn, với 44 dự án và tổng vốn đăng ký trên 200 triệu USD, chỉ chiếm 9,6% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam và dưới 1% so với tổng FDI của  EU vào Việt Nam.

2
Một số sản phẩm được trưng bày tại hội thảo

Tiếp tục hội thảo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết với vai trò là cơ quan xúc tiến thương mại quốc gia, VCCI luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước trong nỗ lực phát triển hoạt động và tìm kiếm các cơ hội đầu tư thương mại mới, đặc biệt tại các khu vực tiềm năng cao như EU. Thông qua việc tham gia sự kiện này, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng sẽ đa dạng hóa được nguồn cung ứng và khẳng định thế mạnh về nông nghiệp.

“Tôi khuyến khích tất cả các công ty Việt Nam tham gia sự kiện ngày hôm nay cần tận dụng cơ hội này để tìm hiểu kỹ về các nhà xuất khẩu của EU và biến họ trở thành đối tác kinh doanh đáng tin cậy của bạn tại EU,” ông Phạm Tấn Công nói.

Việt Nam và EU là các đối tác chiến lược quan trọng của nhau và có mối quan hệ khăng khít. Chuyến thăm của Cao ủy phụ trách Nông nghiệp của Liên minh châu Âu sẽ giúp tận dụng từ những kết quả tích cực từ việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), tạo thuận lợi cho việc giới thiệu xuất khẩu nông sản giữa hai bên. Diễn đàn Doanh nghiệp Nông sản Việt Nam – EU sẽ tiếp tục được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 13/7/2022.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích