Hiện trạng các ‘dòng sông chết’ ở Hà Nội sau nỗ lực hồi sinh
Hiện trạng các ‘dòng sông chết’ ở Hà Nội sau nỗ lực hồi sinh
Sau nhiều năm Hà Nội lên kế hoạch hồi sinh 4 con sông gồm Tô Lịch, Nhuệ, Đáy, Tích, hiện nay các sông này đa phần vẫn ô nhiễm nặng nề, nhưng cũng có đoạn người dân có thể đánh bắt cá.
Mục tiêu hồi sinh 4 “dòng sông chết” gồm Tô Lịch, Nhuệ, Đáy, Tích đã được Hà Nội quan tâm từ cách đây nhiều năm thông qua các đề án cải tạo, các biện pháp nhằm ngăn chặn ô nhiễm. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm tại 4 sông này gần như không mấy cải thiện, thậm chí có lúc gia tăng khiến người dân Thủ đô lo ngại.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet vào những ngày đầu tháng 6, tại 4 sông trên vẫn còn tình trạng ô nhiễm, nhiều đoạn sông nước đen kịt, bốc mùi hôi thối.
Sông Tô Lịch là một trong những trục tiêu thoát nước chính của Hà Nội với chiều dài 14,6km, chảy qua 6 quận, huyện là: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì.
Theo thống kê, mỗi ngày có đến cả trăm nghìn mét khối nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý được xả trực tiếp xuống sông Tô Lịch. Ngoài nước thải, trên mặt sông xuất hiện rất nhiều rác thải nổi lềnh bềnh gây ô nhiễm.
Sông Nhuệ cũng đang trong tình trạng ô nhiễm rất nặng. Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm là do nước thải sinh hoạt từ các quận nội thành Hà Nội đổ vào sông Tô Lịch rồi chảy vào sông Nhuệ. Ngoài ra, sông Nhuệ còn là nơi tiếp nhận nước thải chưa qua xử lý từ hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề.
Số liệu từ TP Hà Nội thống kê cho thấy, lưu vực sông Nhuệ có khoảng 2.521 nguồn thải, trong đó có 1.672 nguồn thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh; 126 nguồn thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 137 nguồn thải từ các cơ sở y tế (bệnh viện), 586 làng nghề.
Ô nhiễm nặng nề cũng là tình cảnh tại sông Đáy. Ghi nhận tại nhiều vị trí trên sông Đáy cho thấy mặt nước sông có màu đen, bốc mùi hôi thối, các chất thải xả xuống tạo thành bãi bồi thu hẹp dòng chảy.
Trong khi đó, tại sông Tích, mức độ ô nhiễm nhẹ hơn 3 con sông kể trên. Thời điểm PV có mặt, nước sông có màu xanh và người dân xung quanh lưu vực sông này vẫn có thể đánh bắt cá.
Cuối năm 2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại 4 con sông trên.
Trong đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu tập trung rà soát, đánh giá, cần sớm có giải pháp nạo vét, khơi thông, xử lý ô nhiễm nguồn nước, làm “sống lại” sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy để tăng khả năng lưu thoát nước trong mùa mưa và khi xảy ra lũ lụt.
Ông Đinh Tiến Dũng chỉ đạo UBND TP Hà Nội thường xuyên kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải xả vào lưu vực sông; tăng cường kiểm tra, giám sát và thanh tra, xử lý các trường hợp vi phạm; xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị