Hiện thực khát vọng xanh hóa ngành logistics

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đặt ra mục tiêu tổng quát là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bền vững về môi trường và công bằng xã hội.

Với ngành logistics, xanh hóa không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp. Thậm chí, trên thế giới, nhiều doanh nghiệp logistics lớn như các hãng tàu, doanh nghiệp cảng biển…đã có lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh sớm hơn lộ trình của các quốc gia đã cam kết. Phát triển chuỗi cung ứng xanh cũng chính là sự thay đổi cần thiết, gắn liền với mục tiêu giảm phát thải ròng về 0% (Netzero) mà Việt Nam đã cam kết tại COP 26.

Hiện thực khát vọng xanh hóa ngành logistics
Ông Turgut Erkinsken – Chủ tịch FIATA.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh”, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, chuyển đổi xanh với ngành logistics cần hướng tới việc chuyển đổi năng lượng với các phương tiện sử dụng năng lượng. Đây vẫn là bài toán khó và thách thức với các doanh nghiệp.

Hiện nay, các phương tiện vận tải hành khách cỡ nhỏ đã bước đầu chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, các phương tiện vận tải hàng hóa, vận tải lớn vẫn chưa chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tìm cách thức tiết kiệm năng lượng trong quá trình hoạt động như sử dụng các phương tiện có hiệu suất cao hơn.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong quy trình làm việc. Đây cũng là một yếu tố góp phần nâng cao khả năng thích ứng nhanh trong bối cảnh mới. Các cơ quan quản lý, Chính phủ cần tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Chia sẻ thêm kinh nghiệm về vận hành logistics xanh, các chuyên gia quốc tế phân tích những hiệu quả thực tế kèm theo những khó khăn, thách thức cần đặt ra.

Ông Turgut Erkeskin, Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) cho biết, trong bối cảnh cấp thiết hiện nay, việc nắm rõ được chuỗi cung ứng của mình đến đâu và tối ưu hiệu quả làm việc là những điều kiện để nâng cao chất lượng ngành logistics.

Theo ông Turgut Erkeskin, khi di chuyển từ một vùng lãnh thổ này sang một vùng lãnh thổ khác, từ quốc gia này đến quốc gia khác có nghĩa là phải qua đến hai quy trình hải quan khác nhau. Nếu có thể dùng số hóa để giải quyết vấn đề mà hai hệ thống hải quan song song cùng một lúc thì đó là một ý tưởng tuyệt vời.

Nói thêm về hệ thống vận tải đường sắt, ông Turgut Erkeskin cho biết đây là hệ thống vận chuyển hiệu quả hơn cả đường bộ, nhưng hạn chế là đường sắt có ở khắp nơi, nhưng không thể nào xây dựng được đường sắt đi đến tất cả các điểm nhận hàng, bởi như vậy sẽ không hiệu quả về chi phí. Ví dụ tại châu Âu, đôi lúc hệ thống này đã chạy hết công suất và thậm chí quá tải.

Để giải quyết được vấn đề này, FIATA đã thực hiện bằng số hóa, theo đó đơn vị này đặt ra những tiêu chuẩn cho việc số hóa. Ví dụ, dữ liệu phải được cung cấp từ chủ tàu, chủ hàng, bên giao nhận hàng, hải quan, cơ quan chức năng, địa phương… với đầy đủ danh mục hàng hóa. FIATA đã đưa ra những giải pháp để có thể cung cấp được số hóa cho toàn bộ hệ thống logistics.

Đơn vị này cũng cung cấp cho tất cả các thành viên cơ hội sử dụng bộ chứng từ điện tử thông qua hệ thống này. Nhưng có một hạn chế, đó là pháp lý. “Chúng tôi có tiêu chuẩn về số hóa nhưng theo quy định của quốc gia, địa phương, liệu có cho phép sử dụng các dữ liệu số hóa đó trong việc vận hành hay không?” – đó là vấn đề mà ông Turgut Erkeskin chỉ ra.

Ông DongKyun Kim, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Samsung SDS, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho biết: Thách thức lớn nhất trong chuỗi cung ứng là khách hàng nhìn nhận rõ được độ minh bạch. Qua khảo sát của KoCham, chỉ có khoảng 6% khách hàng hiểu về chuỗi cung ứng, 15% hiểu một phần, còn lại 79% không nắm được chuỗi cung ứng được hình thành cụ thể như thế nào.

“Do thiếu cái nhìn toàn cảnh như vậy, chúng tôi cho rằng, có một số rủi ro. Đó là tình trạng chậm trễ trong sản xuất do doanh nghiệp thiếu thông tin liên quan đến việc kiểm kê hàng tồn kho; tình trạng vận chuyển hàng hoá bị chậm hay quản lý nhà kho gặp nhiều vấn đề. Từ thực tế đó, chúng tôi đã có sáng kiến ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để giảm thiểu rủi ro”, ông DongKyun Kim phân tích thêm.

Cùng với lưu kho, vì nhiều lý do việc giao nhận hàng có thể chậm trễ, nhiều doanh nghiệp đưa ra giải pháp là tổ chức đội nhân lực kiểm tra hàng hoá, tốn nhiều sức người. Tuy nhiên, khi hệ thống được tự động hoá, tự check sẽ giảm nhiều công sức lao động, giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch hiệu quả hơn. Đặc biệt, với sự phát triển công nghệ hiện nay, cho phép ứng dụng AI giảm thiểu rủi ro.

“Với những nỗ lực trong chuyển đổi số, chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp quản lý tốt hơn, giảm rủi ro nhiều hơn, tức là giảm di chuyển nhiều nhất, tăng tỷ lệ lấp đầy xe hàng, cập nhật lộ trình hàng ngày hiệu quả. Như vậy, chi phí vận tải đạt được sẽ tốt nhất và xanh nhất”, ông DongKyun Kim chia sẻ.

Ông Stanley Lim, Tổng thư ký liên đoàn Giao thông vận tải ASEAN cho rằng, làm sao để tạo ra một nền kinh tế bền vững và có sức chống chịu là vấn đề cấp thiết của mỗi quốc gia. Để được như thế, mỗi chính phủ phải có vai trò lãnh đạo tất cả các ngành, các bên có liên quan không phải chỉ bằng những hỗ trợ mà phải có những chính sách với những ngành cụ thể, về cả logistics, các ngành sản xuất, các ngành dịch vụ khác nữa. Đây là câu chuyện liên quan đến hệ tư duy, phải thay đổi để thích ứng với những cạnh tranh trên thế giới. Ngược lại, với các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực, nâng cao trách nhiệm của mình, tham gia vào logistics bền vững.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích