Hiện thực hoá đô thị xanh: Từ quản lý chất thải rắn đến vệ sinh môi trường hiệu quả
Hiện thực hoá đô thị xanh: Từ quản lý chất thải rắn đến vệ sinh môi trường hiệu quả
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã chia sẻ những mô hình quản lý tiên tiến, các giải pháp công nghệ… để xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh phát triển đô thị hiện đại, việc xây dựng các đô thị xanh và bền vững đang trở thành xu hướng tất yếu. Đô thị xanh không chỉ là những thành phố với nhiều cây xanh, mà còn là những không gian sống bền vững với hệ thống quản lý chất thải và vệ sinh môi trường hiệu quả. Để đạt được mục tiêu này, việc quản lý chất thải rắn và duy trì vệ sinh môi trường là những yếu tố then chốt. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã chia sẻ những mô hình quản lý tiên tiến, đồng thời đề xuất các giải pháp công nghệ mới, các chiến lược và kế hoạch liên quan đến thể chế chính sách, đồng bộ giữa các lĩnh vực, các giải pháp kỹ thuật phù hợp với từng đặc thù để xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu xây dựng một đô thị xanh, bền vững cho tương lai…Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường lược ghi và giới thiệu đến bạn đọc ý kiến của các Nhà khoa học, Nhà quản lý, Doanh nghiệp xung quanh câu chuyện này.
Sự quá tải và ô nhiễm ở các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay đặt ra nhu cầu tất yếu của việc hình thành và phát triển đô thị xanh, bền vững. Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị theo hướng bền vững, việc tìm hiểu và ứng dụng các nghiên cứu về hệ thống hạ tầng xanh cần được quan tâm một cách đúng mức. Hệ thống hạ tầng xanh góp phần không nhỏ vào việc phát triển đô thị bền vững nói chung và cho các đô thị của Việt Nam nói riêng.
Thuật ngữ “xanh” đã được đề cập trong các chính sách của Nhà nước như Nghị quyết số 148/NĐ-CP ngày 11/11/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06/NĐ-TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, yêu cầu phải phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có khái niệm đầy đủ, thống nhất về đô thị xanh và hạ tầng xanh trong đô thị.
Viện NCĐT&PTHT đã và đang tổ chức chuỗi tọa đàm về hạ tầng xanh và các thành phần của hạ tầng xanh trong đô thị giai đoạn 2023 – 2024. Đến thời điểm hiện tại, Viện đã tổ chức được 7 tọa đàm: Tọa đàm 1: Giao thông xanh (15/9/2023); Tọạ đàm 2: Thoát nước xanh (26/10/2023); Tọa đàm 3: Công viên xanh (10/11/2023); Tọạ đàm 4: Cấp nước xanh (15/12/2023); Tọa đàm 5: Chiếu sáng xanh (3/5/2024); Tọa đàm 6 và 7 là Quản lý chất thải rắn xanh và Vệ sinh môi trường xanh đã được tổ chức vào 15/8/2024. Dự kiến Tọa đàm 8: Nghĩa trang và an táng xanh sẽ được tổ chức vào tháng 9/2024.
Trên cơ sở các tọa đàm đã được tổ chức trước đó, các nhà nghiên cứu đã đề xuất 9 khái niệm xanh: Đô thị xanh, hạ tầng xanh, giao thông xanh, thoát nước xanh, cấp nước xanh, công viên xanh, chiếu sáng xanh, quản lý chất thải rắn xanh và vệ sinh môi trường xanh. Trong đó, khái niệm quản lý chất thải rắn xanh là quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý rác thải đô thị. Còn vệ sinh môi trường xanh là việc thực hiện các quy định về vệ sinh công cộng ở đô thị, nông thôn, các điểm dân cư bao gồm thu gom, vận chuyển và xử lý bùn cặn từ hệ thống thoát nước, bùn thải từ các bể tự hoại được quy hoạch, đầu tư xây dựng nhằm mang lại lợi ích cho con người, bảo tồn các chức năng của hệ sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thông qua chuỗi tọa đàm đã từng bước hệ thống hóa cơ sở lý luận về hạ tầng xanh và các thành phần xanh của hạ tầng xanh một cách toàn diện, từ đó kiến tạo đô thị xanh qua nhiều giải pháp.
Trên thế giới chất thải rắn sinh hoạt đã trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 2012, lượng chất thải này đã đạt mức 1,3 tỷ tấn và dự kiến sẽ tăng lên 2,2 tỷ tấn vào năm 2025. Tại Việt Nam, chất thải rắn sinh hoạt đang gia tăng nhanh chóng ở mức đáng lo ngại kể cả về khối lượng phát sinh và mức độ nguy hại, dự báo đến năm 2030 sẽ có khoảng 92.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh/ngày.
Tại Hà Nội, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại đô thị (chủ yếu từ các hộ gia đình, khu vực công cộng như đường phố, chợ, văn phòng, trường học,…) là khoảng 7.300 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên toàn thành phố hiện nay đạt 85,5% và có sự cách biệt theo phạm vi không gian. Cụ thể, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các quận trung tâm đạt 100%, tại các huyện ngoại thành đạt 88 – 89%. 100% rác thải sinh hoạt thu gom được xử lý đúng tiêu chuẩn.
Quản lý chất thải rắn hiệu quả sẽ giúp giảm thiểu các tác động bất lợi đến sức khỏe và môi trường, bảo tồn tài nguyên và cải thiện khả năng “sống” của các thành phố. Ngược lại, việc quản lý chất thải rắn không hợp lý sẽ gây ra nhiều hệ lụy đến đời sống con người như: ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, đất và không khí,… Cùng với đó, những hạn chế, yếu kém trong việc hoạch định hay quy hoạch quản lý chất thải cũng có thể làm gia tăng lượng khí thải vốn đã cao trong chuỗi xử lý chất thải.
Chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái chế, tái sử dụng được thu gom, vận chuyển chung với chất thải thực phẩm và chất thải khác gây khó khăn trong việc phân loại, điều này đã và đang gây áp lực lớn đến công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và chi phí quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Hà Nội. Theo đó, quản lý chất thải rắn và duy trì vệ sinh môi trường tại Hà Nội theo hướng hạ tầng xanh là một hướng đi mới mẻ và đầy triển vọng, tuy nhiên hành trình này không chỉ dừng lại ở việc quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải và duy trì làm sạch vệ sinh môi trường thông thường mà còn cần quản lý phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đồng thời sử dụng các trang thiết bị, các công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của thành phố, hiện nay, URENCO đã phối hợp với các ban, ngành, cơ quan, đoàn thể, tham mưu cho các quận, huyện xây dựng, hoàn thiện kế hoạch, phương án “Triển khai thí điểm Mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, tổ chức trên địa bàn các phường lựa chọn thí điểm”. Thời gian thí điểm bắt đầu từ 1/1/2024 đến hết quý IV/2024. Từ quý I/2025, căn cứ theo chỉ đạo chính thức từ UBND Thành phố, sẽ xây dựng kế hoạch nhân rộng, triển khai đồng bộ trên địa bàn các quận.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 90.000 ha khu công nghiệp, dự kiến sẽ tăng lên 210.000 ha trong tương lai. Điều này đặt ra nhu cầu lớn về phát triển hạ tầng, đặc biệt, việc đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng cho các khu công nghiệp theo hướng hạ tầng xanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững trong đó có mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050. Cần có một chiến lược toàn diện bao gồm các giải pháp kỹ thuật, chính sách và quản lý để phát triển hạ tầng xanh cho các khu công nghiệp tại Việt Nam. Theo tôi, có 10 giải pháp phát triển hạ tầng xanh cho các khu công nghiệp tại Việt Nam, bao gồm: Sử dụng năng lượng tái tạo; Xử lý nước thải hiệu quả; Quản lý chất thải rắn; Sử dụng vật liệu xây dựng xanh; Tăng cường không gian xanh; Thiết kế giao thông xanh; Áp dụng công nghệ thông minh; Xây dựng cộng đồng xanh; Hợp tác công tư; Nâng cao nhận thức cộng đồng.
Cụ thể, trong quy hoạch và thiết kế khu công nghiệp xanh cần tích hợp không gian xanh nhằm tạo ra các khu vực công viên, cây xanh, vườn hoa trong và xung quanh khu công nghiệp để cải thiện môi trường và cung cấp không gian nghỉ ngơi cho công nhân. Sắp xếp các khu vực sản xuất, kho bãi, và văn phòng theo cách tối ưu để giảm thiểu khoảng cách vận chuyển nội bộ, tiết kiệm năng lượng và chi phí.
Sử dụng năng lượng tái tạo để triển khai các dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà của nhà máy và khu vực trống, cùng với việc lắp đặt các tuabin gió nếu điều kiện cho phép. Sử dụng công nghệ thông minh để quản lý và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, giảm lãng phí và tăng hiệu quả. Áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng như hệ thống chiếu sáng LED, thiết bị tiết kiệm năng lượng và hệ thống điều hòa không khí hiệu quả.
Cần quản lý và xử lý nước bền vững, lắp đặt hệ thống thu gom nước mưa để sử dụng cho tưới tiêu cây xanh, vệ sinh công nghiệp, và các mục đích khác. Xây dựng các nhà máy xử lý nước thải với công nghệ tiên tiến để xử lý và tái sử dụng nước thải, giảm thiểu ô nhiễm và tiết kiệm nước. Đồng thời, thiết lập hệ thống phân loại chất thải tại nguồn và xây dựng các cơ sở tái chế chất thải để biến chất thải thành tài nguyên. Đầu tư vào công nghệ xử lý chất thải hiện đại để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Các giải pháp này đã được áp dụng thành công tại một số khu công nghiệp ở Việt Nam như Khu công nghiệp Sông Khoai ở Quảng Yên – Quảng Ninh, Khu công nghiệp Quảng Trị, Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh – Cần Thơ, Khu công nghiệp Tân Hưng – Bắc Giang,…
Quản lý “chất thải xanh” cần bắt đầu từ việc phân loại rác thải. Việc thu gom rác thải riêng biệt tại các tòa nhà lớn ở Hà Nội là một tín hiệu tích cực và cần được nhân rộng. Tuy nhiên, lượng chất thải xanh không được xử lý vẫn cao, đặc biệt là chất thải sinh hoạt hàng ngày. Đây là thách thức lớn trong quản lý “chất thải xanh” hiện nay.
Nhiều nơi trên thế giới đã có những giải pháp tiên tiến về quản lý “chất thải rắn xanh” và giảm thiểu chất thải rắn tại nguồn đã được chú trọng hơn. Những mô hình tốt nhất có thể kể đến là: Tái chế tại nguồn tại Osaka – Nhật Bản, nơi không có bãi chứa “chất thải xanh”. Họ tập trung vào tái chế tài nguyên từ vật liệu, đạt tỷ lệ tái chế hơn 83%. Người dân tự thu gom và phân loại rác tại các điểm thu gom công cộng, với khả năng phân loại lên đến 27 loại rác khác nhau. Tiếp theo là Singapore, một quốc gia nhỏ và đông dân, không có nhiều không gian cho các bãi rác lớn. Chiến lược của họ là đốt chất thải để chuyển hóa thành năng lượng. Cuối cùng là Hà Lan, với chính sách tận dụng tối đa và tạo ra giá trị từ chất thải. Họ ưu tiên giảm thiểu rác thải, sau đó là tái sử dụng và tái chế. Chỉ những gì không thể xử lý được mới thải ra môi trường.
Trong bối cảnh Việt Nam, cần áp dụng cải cách chính sách và thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, cần thu hút khu vực tư nhân để có thể sử dụng kiến thức chuyên môn của họ và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật như máy móc mới và lò đốt mới, hay thiết bị theo dõi chất thải rắn,… và thu hút khu vực phi chính thức để hiểu quan điểm, nhận xét và hợp tác. Cơ hội dành cho Việt Nam đó là đầu tư sớm vào quản lý chất thải rắn xanh trên phạm vi hàng trăm thành phố vừa và nhỏ trên cả nước và không chờ đến lúc thiếu hụt bãi chôn lấp rác trở thành vấn đề không thể vượt qua được. Chìa khóa thực sự dẫn đến quản lý chất thải rắn xanh và bền vững nằm ở việc tiết giảm chất thải rắn tại nguồn thông qua quy tắc 3R (tái chế, tái sử dụng và tiết giảm).
Ngoài ra, một thành tố quan trọng trong bất kỳ chương trình hay chính sách quản lý chất thải rắn nào chính là nhận thức cộng đồng và sự tham gia của cộng đồng. Việc tập trung vào tìm kiếm cơ chế đúng để tác động đến thay đổi hành vi thực sự và mang tính biến đổi là rất quan trọng bởi thay đổi có thể chỉ duy trì trong khoảng thời gian ngắn khi mà sự thay đổi ấy có tính tiện lợi và tính khuyến khích. Thêm vào đó, việc sử dụng mạng xã hội, người có tầm ảnh hưởng và phương tiện giáo dục thông qua các chương trình học để chạm tới càng nhiều người càng tốt cũng là một cách tốt.
Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu từ thiên nhiên, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Kinh tế tuần hoàn trong hoạt động quản lý chất thải bao gồm: Thu gom, phân loại các loại rác thải, bao bì có khả năng tái chế; Sử dụng dây chuyền công nghệ biến rác thải tái chế thành nguyên liệu đầu vào; Tìm kiếm và phân phối sản phẩm tái chế đảm bảo chất lượng tới các doanh nghiệp (cung cấp đầu vào).
Việc thực hiện phân loại chất thải tại nguồn có vai trò và vị trí quan trọng trong công tác quản lý chất thải rắn tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Hiện tại, URENCO đã cùng chính quyền địa phương và các tổ chức triển khai các chương trình phân loại rác tại nguồn như Chương trình Greenday được thực hiện bởi Unilever và Urenco qua hình thức đổi rác tái chế lấy quà vào ngày thứ 7 hàng tuần, Chương trình phân loại rác thí điểm của Urenco tại 5 quận nội thành Hà Nội… Các chương trình hiện đang tạo hiệu ứng tích cực, giúp người dân Hà Nội từng bước hình thành thói quen thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, việc hình thành ý thức, thay đổi thói quen phân loại rác của người dân cần phải có thời gian. Một khó khăn khác là hiện nay chưa có chế tài chuyển đổi hoạt động tái chế từ khối phi chính thức sang khối chính thức, thiếu các cơ sở tái chế được đầu tư bài bản, công nghệ thân thiện môi trường.
Để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong hoạt động thu gom, tái chế chất thải hướng tới đô thị xanh bền vững, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp luật về môi trường. Cùng với đó là huy động mọi nguồn lực trong công tác tuyên truyền, thúc đẩy hoạt động phân loại, nâng cao ý thức cộng đồng.
Đặc biệt, cần định hướng quy chuẩn hoạt động thu gom, mua bán, kinh doanh thương mại và tái chế chất thải từ “phi chính thức” thành “chính thức”. Đối với các cơ quan quản lý và các thành viên thuộc Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO), cần xây dựng và cụ thể hóa các tiêu chí xác định các cơ sở tái chế phi chính thức dựa trên quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) (bao gồm: pháp nhân, năng lực thâm niên, điều kiện sử dụng lao động của các cơ sở,…); Phát triển cổng thông tin dữ liệu đăng ký cho các cơ sở thu mua, sơ chế và tái chế phế liệu để đảm bảo công tác quản lý. Đối với lực lượng thu gom và xử lý chất thải rắn tái chế phi chính thức hiện tại, cần hỗ trợ, nâng cao năng lực thu gom và phân loại, kiến thức pháp luật và tinh thần trách nhiệm trong công tác thu gom, vận chuyển và tái chế; Khuyến khích các phương thức chủ động để chính thức hóa. Ngoài ra, cần đầu tư các nhà máy tái chế chất thải có công nghệ hiện đại, dần tiến đến xóa bỏ các làng nghề gây ô nhiễm môi trường.
Nội dung: Ngọc Trâm – Đức Tâm
Trình bày: Ngọc Trâm
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị