Hết tháng 4, Bộ GTVT giải ngân gần 22.000 tỷ đồng vốn đầu tư công
Hết tháng 4, Bộ GTVT giải ngân gần 22.000 tỷ đồng vốn đầu tư công
4 tháng đầu năm 2023, khối lượng giải ngân của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ước đạt gần 22.000 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), đến hết tháng 4/2023, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân hơn 21.800 tỷ đồng, đạt 23,2% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân 11.877 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; hơn 9.000 tỷ đồng từ nguồn vốn kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 và 845 tỷ đồng từ nguồn vốn nước ngoài.
Theo Vụ Kế hoạch-Đầu tư, mặc dù kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm của Bộ Giao thông Vận tải cao hơn mức bình quân chung. Tuy nhiên, dự kiến trong những tháng tới sẽ gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân do năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng nhu cầu kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước là gần 71.500 tỷ đồng (gấp 1,3 lần kế hoạch vốn năm 2022).
Đây là khả năng giải ngân tối đa được xây dựng trên cơ sở tính toán rút ngắn tối đa thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thi công triển khai “3 ca, 4 kíp”.
Song, kế hoạch vốn năm 2023 Bộ Giao thông Vận tải được Chính phủ giao lên tới hơn 94.000 tỷ đồng (cao hơn 22.722 tỷ đồng so với nhu cầu, khả năng hấp thụ vốn của các dự án).
Liên quan đến công tác phân bổ nguồn vốn, theo Vụ Kế hoạch-Đầu tư, trên cơ sở hơn 94.000 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao, đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã giao chi tiết cho các dự án với tổng số 94.135 tỷ đồng (đạt 99,97%).
Còn lại hơn 26 tỷ đồng kế hoạch được giao từ nguồn thu xử lý sắp xếp nhà đất cho các bộ, cơ quan trung ương chưa thể phân bổ do chưa có kế hoạch trung hạn. Theo quy định tại Điều 54, Luật Đầu tư công, chưa đủ điều kiện để thực hiện phân bổ chi tiết khoản vốn này.
Để hoàn thành nhiệm vụ, Vụ Kế hoạch-Đầu tư đề nghị các chủ đầu, Ban quản lý dự án tập trung triển khai hoàn thiện các thủ tục để tạm ứng hợp đồng toàn bộ các gói thầu thuộc dự án cao tốc giai đoạn 2; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công, đặc biệt tại các vị trí đường công vụ, đường tiếp cận, các công trình cầu lớn, hầm, các vị trí xử lý nền đất yếu, các vị trí có khối lượng đào lớn cần điều phối sang đắp….
Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phối hợp với các địa phương hoàn thiện các thủ tục để sớm cấp mỏ vật liệu cho các nhà thầu khai thác phục vụ thi công. Trong thời gian chờ thủ tục cấp mỏ, đơn vị này chỉ đạo các nhà thầu chủ động mua vật liệu để tổ chức thực hiện, bảo đảm không ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án; đẩy nhanh tiến độ khởi công các dự án do Bộ Giao thông Vận tải quản lý để bố trí, giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2023.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị