Hệ thống rào chắn bảo vệ London
Hệ thống rào chắn bảo vệ London
Công trình này vừa là một kỳ quan kỹ thuật, vừa là “tấm lá chắn” bảo vệ Thủ đô London khỏi những trận ngập lụt nghiêm trọng, đồng thời truyền cảm hứng cho những hệ thống tương tự trên khắp thế giới.
Những cánh cửa sắt trên sông Thames
Năm 1953, một cơn bão khủng khiếp đã tàn phá vùng biển tây bắc châu Âu, gây ra những thiệt hại to lớn về người và của cho hàng loạt quốc gia như Scotland (Vương quốc Anh), Bỉ và đặc biệt là Anh, Hà Lan. Riêng tại Anh, 307 người thiệt mạng, trong đó có 59 nạn nhân trên đảo Canvey ở cửa sông Thames. Đó là lúc người Anh bắt đầu nghiêm túc nghĩ về việc bảo vệ cửa sông Thames, cánh cổng dẫn tới London, nơi luôn phải đối mặt nguy cơ ngập lụt trong nhiều thế kỷ.
Năm 1982, Rào chắn sông Thames đi vào hoạt động và chính thức được khánh thành sau đó 2 năm. Theo The Guardian, “tấm lá chắn” bảo vệ London được xây dựng trong 8 năm với kinh phí 535 triệu bảng (tương đương 2,4 tỷ bảng hiện nay). Lễ khánh thành được chủ trì bởi đích thân Nữ hoàng Elizabeth II, bằng chứng cho thấy vai trò quan trọng của nó với Thủ đô nước Anh.
Rào chắn sông Thames là một hệ thống nhân tạo gồm 9 trụ sắt, hợp với hai bờ sông, tạo thành 10 cánh cổng thép, giăng kín 520 m chiều ngang sông Thames ở khu vực Woolwich. Đây là hàng rào ngăn lũ lớn thứ hai thế giới. Hệ thống lớn nhất được xây dựng tại Hà Lan, quốc gia cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão năm 1953. Tổng cộng 10 cánh cổng thép của Rào chắn sông Thames khi nâng lên có chiều cao lên tới hơn 20 m, tương đương một tòa nhà 5 tầng. Mỗi cánh cổng nặng khoảng 3.000 tấn, có thể chặn được 9.000 tấn nước. Mỗi cánh cổng đơn có thể đóng – mở trong 10 phút và toàn bộ hệ thống sẽ cần 1,5 giờ đồng hồ để đóng hoàn toàn.
Khi được nâng lên toàn bộ, rào chắn sẽ tạo thành một bức tường khổng lồ chắn ngang sông Thames, bảo vệ London khỏi nguy cơ ngập lụt, các cơn bão, thủy triều dâng… Trong 10 cánh cổng, có 4 cánh hầu như luôn đóng, chỉ 6 cổng ở giữa thường xuyên được nâng lên, hạ xuống tùy theo tình hình thời tiết.
Điểm quan trọng là Rào chắn sông Thames hoàn toàn nhân tạo nên được điều khiển tuyệt đối bởi con người. Khi mở, nó cho phép sông Thames tiếp tục duy trì dòng chảy yên bình, tạo điều kiện cho tàu bè qua lại, không gây ảnh hưởng tới thông thương, du lịch. Người Anh tự hào mô tả Rào chắn sông Thames là một kỳ quan về kỹ thuật. Theo Daily Mail, hơn 4 thập kỷ tồn tại, Rào chắn sông Thames đã bảo vệ 125 km2 vùng sinh sống trực tiếp của khoảng 1,4 triệu người, với hơn 4.000 tòa nhà có đăng ký, 711 cơ sở chăm sóc sức khỏe, 116 nhà ga xe lửa và tàu điện ngầm cùng khoảng 200 km đường giao thông ở Thủ đô.
Hơn 220 trận lụt đã bị chặn lại bởi những cánh cổng sắt trong 40 năm qua. Trung bình mỗi năm, Rào chắn sông Thames đóng – mở từ 6 tới 7 lần. Tuy nhiên trong khoảng 15 năm qua, tần suất sử dụng nó đang ngày càng tăng lên. Sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng cao cùng các yêu cầu về bảo trì là những nguy cơ đe dọa Rào chắn sông Thames.
Đối phó biến đổi khí hậu
Khi vận hành lần đầu vào năm 1984, các kiến trúc sư tin rằng, những cánh cổng thép này có thể tồn tại và bảo vệ London tới năm 2030. Đến năm 2009, Cơ quan Môi trường Anh (EA), đơn vị vận hành Rào chắn sông Thames, thông báo công trình này có thể tiếp tục bảo vệ thành phố cho tới năm 2070. Tuy nhiên, tuyên bố của họ chỉ mang tính tương đối.
Các cánh cổng thép vốn chỉ được thiết kế để đóng – mở nhiều nhất 50 lần mỗi năm, song con số này đã bị vượt qua trong thập niên gần nhất. Chia sẻ với Financial Times, GS Hannah Cloke của Trường đại học Reading (Anh) khẳng định: “Chúng ta đang bước vào một tương lai mà biến đổi khí hậu khốc liệt khiến mực nước biển dâng cao hơn. Điều kiện thời tiết chắc chắn không còn như thời điểm Rào chắn sông Thames được thiết kế và xây dựng. Nếu London phải đóng đập nhiều hơn dự kiến, tuổi thọ của rào chắn sẽ giảm đi”.
Dù năm 2070 nghe có vẻ còn xa vời, giới chuyên gia tin rằng, nước Anh cần sớm đưa ra quyết định nâng cấp hoặc thay thế Rào chắn sông Thames. GS kinh tế Richard Tol từ Trường đại học Susex (Anh) cho rằng: “Kinh nghiệm cho thấy nước Anh không giỏi trong việc triển khai kịp thời các dự án lớn. Cùng thời điểm ấy, chúng ta vẫn đang xây mới các ngôi nhà, phát triển những vùng công nghiệp mới ở đông London, gần sông Thames. Tất cả đều mang tới rủi ro”.
GS Ivan Haigh của Trường đại học Southampton (Anh) phân tích: “Nếu mực nước tiếp tục dâng cao hơn, nước Anh cần không chỉ một rào chắn mà cả một đập chắn. Một con đập mới sẽ bảo vệ London ngay cả khi nước biển có dâng cao thêm đến 5 m”. Ở chiều ngược lại, cũng có người tin rằng, rào chắn sông Thames vẫn bảo vệ được London.
TS Jonathan Paul, giảng viên cao cấp ngành Khoa học trái đất của Trường đại học London (Anh), phân tích chiều cao tổng của lũ trên sông Thames khó có thể vượt qua chiều cao rào chắn trước năm 2070: “Đỉnh rào chắn cao hơn 3 tới 4 m so mực nước thủy triều cao thông thường. Còn mực nước biển trung bình dự kiến chỉ tăng khoảng 1 m vào năm 2100”.
Kế hoạch Thames Estuary 2100
Hiện, tranh luận về số phận riêng của Rào chắn sông Thames vẫn còn tiếp diễn, song về tổng thể, người Anh hiểu rằng, đã đến lúc hành động. Dự án mới mang tên Thames Estuary 2100 (tạm dịch là “Cửa sông Thames 2100”) đã bắt đầu được lên kế hoạch từ năm 2012. Tầm nhìn chung của dự án là nâng cấp hệ thống phòng, chống lũ lụt cho toàn bộ thành phố London dựa trên giả định rằng, nước Anh thật sự không thể dự đoán tình hình khí hậu sẽ tồi tệ đến mức nào. Người phát ngôn của EA nói họ đang “tính đến một loạt các tương lai khí hậu có thể xảy ra”, đồng thời đã sử dụng “kịch bản cao hơn” về nước biển dâng cho Thames Estuary 2100. Khác với Rào chắn sông Thames, Thames Estuary 2100 không hướng tới việc xây dựng những công trình ngăn lũ đơn lẻ.
Giai đoạn một của kế hoạch hiện đã được triển khai, với ưu tiên hàng đầu là duy trì nguyên trạng hiện tại tới năm 2035. Sau đó, người Anh có thể thực hiện nhiều hành động đồng thời: Xây dựng những rào chắn mới tại Tilbury (cách Rào chắn sông Thames khoảng 20 km về phía biển) để giảm áp lực cho hệ thống hiện tại; thêm 75 triệu bảng để hoàn thiện hệ thống hỗ trợ ngăn sóng biển ở đảo Canvey, vùng bị tổn thương nặng nhất vì lũ lụt trong quá khứ và nhiều dự án nhỏ để bảo vệ đa dạng sinh học, đồng thời giúp người dân quanh khu vực thích ứng và sống chung với các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Cơ quan Môi trường không còn là đơn vị thực hiện duy nhất. Thames Estuary 2100 cần sự vào cuộc của Chính phủ Anh, các cơ quan, tổ chức quản lý tại London và vùng cảng London, thậm chí cả Quỹ bảo vệ Động vật hoang dã trong vùng. Kế hoạch này sẽ tăng cường các biện pháp phòng thủ trên toàn bộ khu vực vào khoảng năm 2050, sớm 20 năm so mốc 2070 ban đầu của Rào chắn sông Thames. Sự chuẩn bị sớm là cần thiết bởi chính Rào chắn sông Thames cũng chỉ ra đời 3 thập kỷ sau cơn bão năm 1953.
Ngày 8/5 vừa qua, Rào chắn sông Thames kỷ niệm tròn 40 năm tuổi. Dù tương lai có ra sao, nó vẫn là công trình đáng tự hào của người Anh. Những cánh cổng thép trên sông Thames cũng đã truyền cảm hứng cho sự ra đời của khoảng 50 công trình tương tự, bảo vệ hàng triệu người trên khắp thế giới. Nhiều chuyên gia tin rằng, điều ấn tượng không chỉ là việc tạo ra kỳ quan kỹ thuật trên sông Thames, mà còn là tinh thần sẵn sàng, cách chuẩn bị bài bản của người Anh nhằm đối phó biến đổi khí hậu.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị