Hệ sinh thái bết bát của ông Nguyễn Thái Bình có thúc đẩy Le Palmier Hồ Tràm khởi sắc?

(Xây dựng) – Khi giới thiệu dự án Le Palmier Hồ Tràm, ông Nguyễn Thái Bình giới Đông Tây Group đủ “nguồn lực tài chính”. Tuy nhiên, thực tế, hệ sinh thái của ông lại rất bết bát.

he sinh thai bet bat cua ong nguyen thai binh co thuc day le palmier ho tram khoi sac
Dự án Le Palmier Hồ Tràm được công bố ra mắt ngày 22/6 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh .

Cả hệ thống Đông Tây sẵn sàng cho Le Palmier Hồ Tràm

Ngày 22/6 vừa qua, Đông Tây Group đã tổ chức sự kiện ra mắt Le Palmier Hồ Tràm – dự án đầu tay trên hành trình mở rộng sang lĩnh vực đầu tư phát triển dự án. Với Le Palmier Hồ Tràm, cả hệ thống Đông Tây đã “vào cuộc”.

Tại sự kiện, Đông Tây Group chính thức công bố 3 đơn vị thành viên tương ứng với 3 lĩnh vực phát triển trọng tâm gồm: Đông Tây Holding – đầu tư phát triển dự án; Đông Tây Hospitality – vận hành khai thác kinh doanh khách sạn, resort; Đông Tây Land – phân phối các dự án bất động sản của Đông Tây Holding và các dự án của các chủ đầu tư khác trên thị trường.

Ngay sau khi công bố ra mắt, Đông Tây Holding đã tiến hành 5 Lễ ký kết hợp tác chiến lược quan trọng: Ký kết hợp tác chiến lược với Đông Tây Hospitality trong việc vận hành khai thác dự án; Ký kết hợp tác chiến lược với Đông Tây Land trong việc hợp tác phát triển kinh doanh dự án; Ký hợp tác chiến lược với MB Bank trong việc tài trợ nguồn vốn; Ký hợp tác chiến lược với Công ty Cổ phần Chứng Khoán Thành Công và Ký hợp tác chiến lược với Adavigo (Adavigo là một trong những thương hiệu du lịch hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ đặt phòng khách sạn, đặt vé máy bay, du thuyền, tour du lịch toàn quốc và cho thuê xe du lịch. Đông Tây Group Holding sẽ hợp tác với Adavigo trong việc kinh doanh dịch vụ lưu trú tại Le Palmier Hồ Tràm).

Là nhà phân phối độc quyền Le Palmier Hồ Tràm, ông Nghiêm Vũ Hải – đại điện Đông Tây Land nhận định với lợi thế chỉ cách Thành phố Hồ Chí Minh hơn 2 giờ lái xe, Hồ Tràm đang trở thành tâm điểm đầu tư second home khu vực phía Nam. Ông Johnny Phùng – đại diện Đông Tây Hospitality – Đơn vị vận hành khai thác dự án đã tiết lộ công suất phòng rất cao tại dự án, thậm chí cuối tuần lên đến 100%.

Nói về định hướng phát triển các dự án bất động sản của tập đoàn, ông Nguyễn Thái Bình – Chủ tịch Đông Tây Group kỳ vọng: “Nhờ thấu hiểu mong muốn nhu cầu của khách hàng khi mua bất động sản nên chúng tôi luôn nuôi ước mơ phát triển một sản phẩm của chính mình để thỏa mãn các yêu cầu: Pháp lý chắc chắn; sản phẩm có giá trị tốt chất lượng tốt; sản phẩm có đơn vị vận hành uy tín và sản phẩm luôn được gia tăng giá trị trong tương lai… Đó là sự khởi đầu của Le Palmier Hồ Tràm. Đây sẽ là dự án thỏa mãn mọi nhu cầu của khách hàng, nhà đầu tư”. Có thể thấy, cả hệ thống Đông Tây đã “vào cuộc” để phát triển Le Palmier Hồ Tràm.

Hệ sinh thái bết bát

Ngoài Đông Tây Hospitality là cái tên mới, Đông Tây Group và Đông Tây Land đã có lần lượt 4 và 9 năm hoạt động. Cả hai cái tên này đều liên quan đến ông Nguyễn Thái Bình. Ở cả Đông Tây Group và Đông Tây Land, ông Nguyễn Thái Bình đều là người đại diện pháp luật và Chủ tịch HĐQT. Không chỉ có vậy, ông còn là cổ đông lớn.

Ở thời điểm thành lập, cơ cấu cổ đông Đông Tây Group bao gồm ông Nguyễn Thái Bình (sở hữu 90% vốn công ty), bà Phạm Mai Trang (nắm giữ 8% vốn) và ông Phan Duy Phương (nắm giữ 2% vốn). Kể từ năm thành lập (2018) đến năm 2020, Đông Tây Group không hề phát sinh doanh thu. Cùng với đó, các hoạt động không diễn ra nhiều nên chi phí khiêm tốn. Kết quả là công ty liên tục thua lỗ nhưng các khoản lỗ không đáng kể, lần lượt đạt 59,6 triệu đồng, 188 triệu đồng và 6,2 triệu đồng.

Trong giai đoạn 5 năm gần đây (2016-2020), 2017 là năm Đông Tây Land đạt “đỉnh” doanh thu khi chỉ tiêu này đạt tới 227 tỷ đồng. Sau đó, doanh thu giảm dần đều xuống 165 tỷ đồng (năm 2018), 115 tỷ đồng (năm 2019) và nhích nhẹ lên 119 tỷ đồng trong năm 2020. Trong khi đó, tại Đông Tây Land, bất chấp doanh thu tăng hay giảm, xu hướng chủ yếu của công ty là… thua lỗ. Từ 2016-2020, các khoản thua lỗ của công ty lần lượt là 5,8 tỷ đồng, 8 tỷ đồng, 2,7 tỷ đồng, 3,9 tỷ đồng và 12,4 tỷ đồng.

Vì thua lỗ nên Đông Tây Land rơi vào tình cảnh âm vốn chủ sở hữu. Năm 2016, công ty âm 356 triệu đồng. Sang năm 2017, dù vẫn thua lỗ nhưng có lẽ do được các cổ đông rót thêm vốn nên vốn chủ sở hữu công ty tăng nhẹ lên 1,7 tỷ đồng. Và tới năm 2018, vốn âm tới 19,3 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu Đông Tây Land vọt lên 43,6 tỷ đồng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích