Hé mở đối tác cổ đông bí ẩn tại Cổng Vàng Vinh
Mối lương duyên ít biết giữa chủ chuỗi Gogi House, Sumo BBQ… và một ‘ông lớn’ đất Nghệ
Ẩm thực Hàn Quốc đã du nhập vào Việt Nam trong thời gian khá lâu và ngày càng trở nên thịnh hành khi tầng lớp trung lưu ở Việt Nam luôn gia tăng theo từng năm. Các chuỗi nhà hàng ẩm thực này cũng ngày càng phủ sóng ở nhiều tỉnh thành trên toàn quốc. Một trong những tên tuổi lừng danh không thể không nhắc đến là CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng – ông chủ chuỗi nhà hàng nổi danh như Gogi House, Sumo BBQ, Kichi Kichi….
Không những phát triển ở các thành phố lớn, “ông lớn” này còn xuất hiện ở TP. Vinh từ năm 2014 khi thành lập Công ty TNHH Cổng Vàng Vinh. Đây cũng là năm thành viên của TM DV Cổng Vàng xây dựng trên đất Vinh 2 nhà hàng thịt nướng Hàn Quốc nổi danh mang thương hiệu Gogi House.
Dù vậy, ít ai biết TM DV Cổng Vàng chỉ nắm vỏn vẹn 36% vốn Cổng Vàng Vinh, có nghĩa đây chỉ là một công ty liên kết.
Vậy ai là người sở hữu phần 64% vốn còn lại? Dù Cổng Vàng Vinh không công bố cụ thể, song nên biết lãnh đạo cấp cao (Giám đốc/Người đại diện theo pháp luật) – bà Phạm Thị Lam Giang (SN 1980) – một “mắt xích” quan trọng thuộc CTCP Tổng Công ty PGS.
Để tường minh hơn, vài dòng giới thiệu trên PGS cho biết, Cổng Vàng Vinh là công ty đại diện lĩnh vực nhà hàng của PGS, sở hữu 8 cửa hàng được nhượng quyền từ TM DV Cổng Vàng. Các thương hiệu nhà hàng bao gồm: GoGi House; Vuvuzela; Shogun; Hutong.
Cổng Vàng Vinh và TM DV Cổng Vàng phát sinh nhiều quan hệ mua, bán với nhau suốt giai đoạn 2016-2022. Thậm chí, hồi tháng 3/2021, TM DV Cổng Vàng đã thông qua Nghị quyết HĐQT mua tài sản là 3 nhà hàng được vận hành bởi Cổng Vàng Vinh là Gogi House, Hutong và Vuvuzela Cao Thắng với tổng giá trị là 12 tỷ đồng.
Chân dung “ông lớn” còn lại tại Cổng Vàng Vinh
CTCP Tổng Công ty PGS, tiền thân là Doanh nghiệp tư nhân thương mại Xuân Bình, được đi vào hoạt động từ năm 1999. Theo đó, trong bối cảnh chất lượng xe máy (phương tiện đi lại chính của người dân thời điểm đó) có giá thành rẻ, chất lượng kém, vị doanh nhân Phan Thị Xuân (SN 1955) đã thành lập nên Doanh nghiệp tư nhân thương mại Xuân Bình.
Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, vốn điều lệ PGS đạt 300 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông gồm Phạm Thị Lam Giang (76%), Phan Thị Xuân (20%), Hồ Văn Thuận (2%), Nguyễn Mạnh Tiến (2%). Đến tháng 3/2018, công ty bất ngờ giảm vốn xuống 120 tỷ đồng, song cơ cấu cổ đông vẫn giữ nguyên.
Cổ đông chi phối Phạm Thị Lam Giang (SN 1980) cũng đồng thời là Tổng Giám đốc, kiêm Người đại diện theo pháp luật công ty. Không chỉ hoạt động mạnh mẽ ở lĩnh vực xe máy, PGS – với 18 thành viên, hiện còn bao gồm cả lĩnh vực ô tô, nhà hàng và bất động sản. Ngoài việc thành công trên thương trường, bà Giang còn có một gia thế đáng nể khi đang là phu nhân của Thứ trưởng một Bộ lớn.
Đáng chú ý, ở lĩnh vực ô tô, thành viên Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Gia Phạm – công ty đầu tiên của Tổng công ty PGS sở hữu đại lý ô tô ủy quyền của Honda Việt Nam tại Ninh Bình; Công ty TNHH Thắng Lợi được thành lập năm 2020, sở hữu đại lý ô tô ủy quyền của Honda Việt Nam tại thị trường Nghệ An; Công ty TNHH Thương mại Ô tô Quảng Bình được thành lập năm 2019 – là công ty đầu tiên của Tổng công ty PGS sở hữu đại lý ô tô ủy quyền của Honda Việt Nam tại Quảng Bình….
PGS vẫn đang liên tục mở rộng ở lĩnh vực showroom ô tô. Tháng 11/2022, thành viên là Công ty TNHH Thương mại Ô tô Quảng Bình đã được UBND tỉnh chấp thuận cho thuê 3.020,2m2 đất với mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ, với thời hạn đến năm 2068. Trước đó 1 tháng, PGS xin UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nghiên cứu dự án đầu tư Showroom và Trung tâm bảo hành, bảo trì xe Ford tại phường Thủy Phương….
Ngoài ra, loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực xe máy, ô tô của nhóm PGS tại các tỉnh Bắc miền Trung cần phải kể đến như Công ty TNHH Ô tô Trung Đô (đại lý ô tô Ford tại Vinh), CTCP Xuất nhập khẩu Hoàng Long (sở hữu đại lý Ô tô Ford tại Quảng Bình), CTCP Hưng Phát (tháng 7/2010), Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Nhật Bách (2013), Công ty TNHH Dịch vụ thương mại và Tổng hợp An Phát (hệ thống HEAD Honda Hưng Phát 6 – 8 tại Quỳnh Lưu), Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Dịch vụ Tiến Phát (quản lý đại lý HEAD Honda Hưng Phát 7 tại Thanh Hóa), Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại PGS Quảng Trị (đại lý ô tô Toyota tại Quảng Trị), Công ty TNHH AMV hay Công ty TNHH Thương Mại Ô tô Thanh Hóa….
Với quy mô hệ sinh thái “khủng”, mặt hàng kinh doanh (ô tô, xe máy) là nhu cầu của đông đảo người dân, song PGS (công ty mẹ) lại liên tục lỗ trong giai đoạn 2020 – 2022.
Cụ thể, công ty không phát sinh doanh thu trong khoảng thời gian này, và liên tục báo lỗ 432 triệu đồng năm 2022; lỗ 454 triệu đồng năm 2021 và lỗ 796 triệu đồng năm 2020.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản công ty tại ngày 31/12/2022 đạt 205,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 205,3 tỷ đồng, nợ phải trả 325 triệu đồng.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh Cổng Vàng Vinh lại khá tích cực. Báo cáo tài chính năm 2022 cho thấy thành viên của PGS lãi ròng năm này đạt 6,89 tỷ đồng; lãi gần 6,2 tỷ đồng năm 2021 và lãi 5,5 tỷ đồng năm 2020.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu