Hé lộ kết quả kinh doanh của 04 ngân hàng lớn
Bốn ngân hàng lớn đã hoạt động kinh doanh như thế nào để đạt kế hoạch tốt trong một năm đầy khó khăn và biến động địa kinh tế, chính trị như vậy? Chúng ta cùng tìm hiểu.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)
Tuy con số lợi nhuận không được công bố cụ thể nhưng lãnh đạo ngân hàng này cho biết, đã hoàn thành kế hoạch được giao. Nếu theo mục tiêu tăng lợi nhuận trước thuế 15% mà Đại hội cổ đông Vietcombank năm 2023 đã thông qua, lợi nhuận ngân hàng ước đạt tối thiểu gần 43.000 tỷ đồng.
Về các chỉ số khác, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, huy động vốn thị trường 1 (từ tổ chức và dân cư) đạt khoảng 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2022; dư nợ tín dụng đạt 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2022. Đáng chú ý, chất lượng nợ được kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu 0,97%. Dư quỹ dự phòng rủi ro là 34.338 tỷ đồng, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt mức 185%.
Ngay từ đầu năm 2023, Vietcombank đã triển khai giảm lãi suất 0,5%/năm cho toàn bộ khách hàng có dư nợ hiện hữu bằng VND. Trong năm, Vietcombank đã triển khai đồng loạt 46 đợt giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và thể nhân, 8 đợt giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp.
Tính chung cả năm, Vietcombank đã giảm 5.800 tỷ đồng cho gần 290.000 khách hàng với quy mô dư nợ vay lên tới hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng khó khăn, nguồn vốn tại Vietcombank được điều chỉnh hợp lý thông qua điều chỉnh giảm chỉ tiêu kế hoạch, thay đổi cách đánh giá đồng thời thực hiện 13 đợt giảm lãi suất huy động để có cơ sở giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tổng tài sản tính đến hết ngày 31/12/2023 đạt 2,26 triệu tỷ đồng, tiếp tục là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Huy động vốn đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 16,5% so với cuối năm 2022. Dư nợ tín dụng đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,66% so với cuối năm 2022, đảm bảo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,1%. Tỷ lệ dư quỹ dự phòng rủi ro tín dụng/dư nợ xấu đạt 192%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỷ đồng, tăng 18,8% so với năm 2022.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank)
Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết tính đến hết năm 2023, tổng tài sản của VietinBank đã đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2022. Huy động vốn được cân đối với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn thanh khoản. Nguồn vốn huy động đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 13,7% so với cuối năm 2022; trong đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng 27% so với cuối 2022.
Theo Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành thì thu nhập ngoài lãi của ngân hàng tăng trưởng tích cực. Chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,15%, tỷ lệ bao phủ nợ đạt 160% và duy trì ở mức cao. Lợi nhuận trước thuế đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao.
Năm 2024, VietinBank đặt trọng tâm là tiếp tục triển khai quyết liệt biện pháp điều hành kinh doanh bám sát định hướng chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; đi đầu trong thực hiện chính sách hỗ trợ người dân doanh nghiệp.
Mục tiêu tổng tài sản năm 2024 tăng từ 5-10%; tín dụng tăng theo hạn mức Ngân hàng Nhà nước giao khoảng hơn 14%. Huy động tăng trưởng phù hợp với tín dụng đảm bảo các chỉ số an toàn về thanh khoản. Tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 1,8%. Lợi nhuận riêng lẻ trước thuế theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)
Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã công bố tổng tài sản chính thức vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,55 triệu tỷ đồng; trong đó 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển “Tam nông”. Các tỷ lệ an toàn hoạt động đảm bảo quy định. Lợi nhuận trước thuế ước tăng 14,5-15% so với năm 2022. Đây là ngân hàng công bố kết quả kinh doanh sớm nhất. Đáng chú ý, trong năm 2023, Agribank đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt cấp bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ, nâng số vốn điều lệ lên hơn 51.000 tỷ đồng, tạo tiềm lực mở rộng hoạt động kinh doanh, cung ứng vốn đóng góp phát triển nền kinh tế.
Những thử thách cần vượt qua trong năm 2024
Tuy hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch năm nhưng khó khăn, thách thức đối với các ngân hàng cũng không ít. Ông Đỗ Thanh Sơn chỉ ra những diễn biến phức tạp, khó dự đoán của thị trường đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho VietinBank trong việc kiểm soát chất lượng tài sản, thu hồi nợ xấu và xử lý rủi ro. Đồng thời, hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, xuất nhập khẩu bị tác động rõ nét do sự sụt giảm nhu cầu từ các thị trường chủ lực như Mỹ, Châu Âu… dẫn đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế sụt giảm.
Thêm vào đó, tiền gửi CASA dù có xu hướng tăng trong các tháng cuối năm nhưng còn ở mức thấp. Theo ông Sơn, điều này đang gây áp lực lên việc kiểm soát chi phí vốn và đặt ra thách thức trong việc phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Tại BIDV, Ban Lãnh đạo quán triệt chủ trương của Chính phủ, định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước, BIDV đặt mục tiêu cho năm 2024 điều hành dư nợ tín dụng theo giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng 14%; Huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản, hiệu quả; Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức khoảng 1,4%…
Còn với Vietcombank, tổng tài sản năm 2024 đặt mục tiêu tăng 8% so với năm trước. Huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) kiểm soát ở mức dưới 80%. Tăng trưởng tín dụng mục tiêu khoảng 12%, trong hạn mức Ngân hàng Nhà nước giao. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5% và lợi nhuận trước thuế tăng 10% so với năm 2023.
Theo Tổng Giám đốc Vietcombank, triển vọng kinh tế thế giới 2024 được dự báo “hạ cánh mềm” bởi các rủi ro giảm tốc vẫn lấn át động lực tăng trưởng. Dự báo của các tổ chức thế giới về tăng trưởng kinh tế của các nước lớn đều giảm tốc so với 2023. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế thế giới nửa sau năm 2024 sẽ lạc quan hơn do nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, việc làm kỳ vọng tăng trưởng sẽ là động lực kéo tăng trưởng kinh tế thế giới tốt hơn.
Với kinh tế Việt Nam năm 2024, ông Tùng nhận định triển vọng sẽ lạc quan hơn nhờ nỗ lực điều hành kịp thời của Chính phủ tiếp tục phát huy tác dụng. Tăng trưởng kinh tế đặt mục tiêu ở mức 6-6,5% có thể thực hiện được nhờ các trụ đầu tư công, khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các dự án trọng điểm quốc gia, và sức mua tăng trong năm 2024. Kim ngạch xuất nhập khẩu kỳ vọng tăng trưởng trở lại nhờ các khu vực FDI, nông nghiệp…
“Trong khi thế giới mới đi vào pha kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách lãi suất ở mức thấp nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Chính sách tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt thích ứng nhằm đảm bảo ổn định lạm phát theo mục tiêu. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2024 ở mức 15% sẽ tạo điều kiện để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, ông Tùng chia sẻ.
Theo Thương Hiệu Và Công Luận
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu