HAWEE cơ điện: Nợ thuế, doanh thu giảm một nửa, vẫn cùng Vietur trúng gói thầu 35.000 tỷ

(Xây dựng) – Sau 3 năm, doanh thu giảm gần một nửa, đồng thời nợ thuế, nợ người lao động nhưng HAWEE cơ điện của doanh nhân Trịnh Văn Hà vẫn cùng Liên danh Vietur trúng gói thầu 35.000 tỷ đồng ở sân bay Long Thành.

HAWEE cơ điện: Nợ thuế, doanh thu giảm một nửa, vẫn cùng Vietur trúng gói thầu 35.000 tỷ
Hawee cơ điện.

Chiều muộn 24/8, Tổng công ty Cảng hàng không công (ACV) bố kết quả lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách sân bay Long Thành trị giá 35.000 tỷ đồng. Không có gì ngạc nhiên khi đơn vị trúng thầu là Liên danh Vietur dù trước đó Vietur gây tranh cãi vì trở thành nhà thầu duy nhất lọt vào vòng trong.

Gói thầu 35.000 tỷ đồng gây xôn xao dư luận khi bên trượt thầu là liên danh Hoa Lư đã nhiều lần khiếu nại các cấp về kết quả này.

Liên danh Vietur bao gồm: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng SOL E&C; Công ty Cổ phần kết cấu ATAD; Tổng Công ty Xây dựng số 1- CTCP; Công ty Cổ phần HAWEE cơ điện; Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam; Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings; Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP.

Trong đó, Công ty Cổ phần HAWEE cơ điện là một trong những thành viên khá kín tiếng. Bức tranh tài chính của HAWEE cơ điện không rõ nét như Phục Hưng Holdings, Tổng Công ty Xây dựng số 1 hay Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội…

Chính vì vậy, có một điều khá bất ngờ là dù trúng thầu gói thầu siêu khủng cùng Vietur nhưng HAWEE cơ điện lại có bước đi lùi rõ rệt cả về doanh thu, nhân sự. Đồng thời, công ty còn nợ thuế, nợ người lao động.

Doanh thu “bốc hơi” gần một nửa sau 3 năm

Trong năm 2022, HAWEE cơ điện ghi nhận doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 1.363 tỷ đồng, giảm 29 tỷ đồng, tương đương 2,1% so với năm 2021. Tuy nhiên, nếu so với trước dịch Covid-19 (năm 2019), chỉ tiêu này giảm tới 1.204 tỷ đồng, tương đương 46,9%.

Thậm chí, so với nhiều năm trước đó, doanh thu năm 2022 của HAWEE cơ điện vẫn thua kém. Doanh thu năm 2017 và 2018 của công ty này lên tới 2.084 tỷ đồng và 2.237 tỷ đồng.

Cùng với doanh thu, lợi nhuận cũng giảm sâu. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của HAWEE cơ điện chỉ còn 20 tỷ đồng, giảm 7,6 tỷ đồng, tương đương 27,5% so với con số 27,6 tỷ đồng năm 2021.

Tuy nhiên, so với các năm trước đó, 20 tỷ đồng vẫn là con số lớn. Trước đó, lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2017-2020 lần lượt là 28 tỷ đồng (năm 2017), 10 tỷ đồng (năm 2018), 9,8 tỷ đồng (năm 2019), 16,6 tỷ đồng (năm 2020).

HAWEE cơ điện: Nợ thuế, doanh thu giảm một nửa, vẫn cùng Vietur trúng gói thầu 35.000 tỷ
Có thể thấy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu tại HAWEE cơ điện là rất thấp, chỉ đạt 6,3%.

Thời điểm tháng 12/2022 nợ nần chồng chất, nợ thuế, nợ người lao động

Cùng xu hướng “cài số lùi” với doanh thu là tài sản. Tại ngày 31/12/2022, Tài sản tại HAWEE cơ điện đạt 1.444 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 1.453 tỷ đồng hồi cuối năm 2021.

Tuy nhiên, từ 2017 đến 2020, Tài sản của HAWEE cơ điện lớn hơn rất nhiều, đạt 2.092 tỷ đồng (năm 2017), 2.307 tỷ đồng (năm 2018), 2.206 tỷ đồng (năm 2019) và 1.454 tỷ đồng (năm 2020).

Như vậy, so với mức cao nhất được thiết lập trong năm 2018, Tài sản tại HAWEE cơ điện đã giảm 863 tỷ đồng, tương đương 37,4%.

Một vấn đề nữa của HAWEE cơ điện là nợ nần chồng chất tại thời điểm cuối năm 2022. Số liệu tại thời điểm đó, tỷ lệ Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu của công ty là hơn 3,5 lần. 3,5 là con số khá cao nhưng khiêm tốn hơn rất nhiều. Trước đây, tỷ lệ này đạt 9,2 lần (năm 2017), 9,7 lần (năm 2018), 6,2 lần (năm 2019), 6,7 lần (năm 2020) và 3,8 lần (năm 2021).

Có thể thấy, HAWEE cơ điện đã nỗ lực giảm nợ trong nhiều năm qua nhưng nợ vẫn cao vượt trội so với vốn. Điều đó cho thấy HAWEE cơ điện hoạt động phần lớn dựa vào nợ nần.

Trong tổng nợ của HAWEE cơ điện, đáng chú lại là nợ thuế và nợ người lao động. Tại ngày 31/12/2022, HAWEE cơ điện ghi nhận chỉ tiêu Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước đạt 11,7 tỷ đồng. Trước đó, hồi cuối năm 2021, con số này lên đến 51,8 tỷ đồng. Ngoài ra, HAWEE cơ điện còn có 14,7 tỷ đồng Phải trả người lao động, tăng nhẹ so với 13,8 tỷ đồng hồi cuối năm 2021. HAWEE cơ điện tăng nợ người lao động trong khi quy mô nhân sự lại giảm 8 người xuống còn 439 nhân viên.

Trên website, HAWEE giới thiệu hiện đang lọt TOP 3 nhà thầu Cơ điện Uy tín nhất Việt Nam, TOP 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam với kinh nghiệm triển khai đa dạng các loại hình dự án như: Khu công nghiệp, khu phức hợp – căn hộ cao cấp, các tòa nhà văn phòng hạng A hiện đại hay các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5-5++ sao sang trọng như Shilla Monogram Resort; Intercontinental Phú Quốc; Melia Hồ Tràm; VPBank Tower; Masterise Waterfront; Goldmark City…

Năm 2022, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình trở thành tập đoàn quốc tế của Hawee M&E khi ký kết hợp tác chiến lược và đầu tư cùng công ty Toenec Nhật Bản. Với sự hợp tác chiến lược cùng công ty TOENEC Nhật Bản (TOENEC) – thành viên của Tập đoàn CHUBU Electric Power (Top 3 doanh nghiệp năng lượng lớn nhất Nhật Bản), đánh dấu bước tiến quan trọng của Hawee M&E trong quá trình trở thành Tập đoàn quốc tế.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích