Hậu sự cố ‘màn hình xanh chết chóc’, Microsoft nói gì?

Theo TechSpot, sau sự cố “màn hình xanh chết chóc” (BSOD) trên toàn cầu, Microsoft đã lên tiếng đổ lỗi cho một thỏa thuận 15 năm trước với Ủy ban châu Âu (EC), khiến họ không thể ngăn chặn các nhà phát triển bên thứ ba, trong đó có CrowdStrike truy cập vào nhân Windows ở cấp độ sâu nhất (kernel level 0). Đây được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự cố nghiêm trọng ảnh hưởng đến 8,5 triệu thiết bị Windows, gây tê liệt nhiều lĩnh vực quan trọng như hàng không, y tế và cơ sở hạ tầng khác.

Microsoft đã phát hành công cụ khôi phục qua USB để hỗ trợ người dùng khắc phục sự cố. Công cụ này cho phép tạo phương tiện khôi phục Windows hoặc khởi động máy tính ở chế độ Safe Mode, yêu cầu ổ USB có dung lượng từ 1 – 32 GB và ít nhất 8 GB dung lượng trống trên máy tính Windows 64-bit.

Tuy nhiên, việc ngăn chặn sự cố tương tự trong tương lai có thể sẽ gặp khó khăn do thỏa thuận năm 2009 với Ủy ban châu Âu. Thỏa thuận này buộc Microsoft phải cấp cho các nhà phát triển quyền truy cập hệ điều hành ở mức độ tương tự như chính họ, bao gồm cả quyền truy cập kernel ở cấp độ 0.

Điều này đồng nghĩa với việc các công ty như CrowdStrike có thể tự do truy cập vào nhân Windows, tiềm ẩn nguy cơ gây ra những sự cố tương tự nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ. Mặc dù CrowdStrike đã nhanh chóng sửa lỗi nhưng sự cố này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cấp quyền truy cập kernel cho các nhà phát triển bên thứ ba.

Trong khi đó, Apple đã có chính sách không cho phép các nhà phát triển bên thứ ba truy cập kernel đầy đủ, giúp hệ điều hành của họ tránh khỏi sự cố lần này.

Microsoft đổ lỗi cho EC là nguyên nhân dẫn đến sự cố CrowdStrike.

Microsoft đang phải đối mặt nhiều chỉ trích vì sự cố này, đặc biệt là khi “màn hình xanh chết chóc” của họ đã trở thành biểu tượng của sự cố. Công ty cũng bị cho là không kiểm soát chặt chẽ các bản cập nhật phần mềm của CrowdStrike trước khi chúng được phát hành rộng rãi.

Trong khi một số chuyên gia gọi đây là “sự cố công nghệ thông tin lớn nhất từ trước đến nay” một số người lại thấy rất vui vẻ với sự cố này. Nhân viên ở nhiều tổ chức khác nhau sử dụng dịch vụ của Microsoft đã được nghỉ làm và có thể nghỉ cuối tuần kéo dài 3 ngày.

Tỷ phú và chủ sở hữu X (trước đây là Twitter) Elon Musk cũng nhân cơ hội này để chỉ trích Microsoft, gọi sự cố ngừng hoạt động toàn cầu là “Thất bại công nghệ thông tin lớn nhất từ trước đến nay.” Anh ấy cũng hả hê vì X vẫn hoạt động bình thường bất chấp sự cố ảnh hưởng đến các dịch vụ của Microsoft.

Một số nhà báo cũng đón nhận một cách “tích cực” với sự cố này, vì họ có thể được nghỉ ngơi một cách “hợp pháp”. Người dùng Linux – đối thủ của Windows cũng nhân cơ hội để “cà khịa” người dùng dịch vụ của Microsoft. Hiện tại, Windows của Microsoft đang chiếm phần lớn thị phần so với Linux. Tuy nhiên, các chiến dịch quảng cáo tích cực của gã khổng lồ Redmond về Windows 11 cùng yêu cầu hệ thống nghiêm ngặt đã khiến nhiều người dùng dần chuyển sang Linux.

Nhóm người buồn nhất tuần qua chắc chắn là nhân viên công nghệ thông tin của Microsoft. Sự cố này làm họ phải hủy bỏ kế hoạch cuối tuần và vùi đầu vào màn hình máy tính trong 72 giờ để tìm ra nguyên nhân gây ra sự cố và cách khắc phục.

Thanh Hiền (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích