Hậu quả của việc không vệ sinh laptop định kỳ
Một trong những vấn đề chính khi lâu ngày không vệ sinh laptop là tích tụ bụi bẩn trên bo mạch chủ và quạt tản nhiệt sau thời gian sử dụng. Điều này làm giảm khả năng làm mát, gây nóng máy và làm suy giảm hiệu suất làm việc của laptop. Thói quen ăn uống khi sử dụng máy tính cũng là một nguyên nhân khác khiến vụn đồ ăn đọng lại bên trong laptop, gây cản trở quạt và làm tăng nguy cơ tụ bụi.
Hậu quả của việc không vệ sinh máy tính định kỳ không chỉ giới hạn ở mức độ khả năng làm mát. Nếu không thường xuyên vệ sinh, các linh kiện như loa, bàn phím, bàn rê chuột, khe tản nhiệt có thể bị ảnh hưởng, gây hư hỏng và giảm tuổi thọ. Ngoài ra, bụi bẩn tích tụ ở các cổng kết nối có thể làm giảm khả năng tiếp xúc, thậm chí gây hư hỏng cho các thiết bị kết nối với laptop.
Để duy trì hiệu suất và tuổi thọ của máy tính, việc vệ sinh định kỳ là hết sức quan trọng. Dưới đây là một số bước vệ sinh chi tiết:
Chuẩn bị dụng cụ vệ sinh
Dụng cụ vệ sinh laptop tại nhà gồm: một chiếc bàn chải lông mềm, một tấm khăn mềm sạch, một chiếc máy hút bụi cỡ nhỏ, một chiếc cặp nhíp để loại bỏ các dị vật, chổi lông mềm, dung dịch vệ sinh laptop chuyên dụng… Tốt nhất là bạn nên tìm mua cho mình một bộ dụng cụ vệ sinh laptop chuyên dụng hiện bán rất nhiều tại các cửa hàng hay trung tâm sửa chữa uy tín. Giá một bộ dụng cụ vệ sinh trung bình chỉ khoảng 30.000VNĐ.
Tắt nguồn laptop, tháo pin ra khỏi laptop
Việc đầu tiên trước khi tiến hành vệ sinh laptop tại nhà là phải tắt nguồn laptop, sau đó rút tất cả các thiết bị gắn ngoài như dây sạc, USB, chuột… Việc tháo pin ra khỏi laptop cũng vô cùng quan trọng nhằm tránh nguy cơ cháy nổ linh kiện điện tử có thể không may xảy ra.
Vệ sinh bên ngoài laptop
Vệ sinh, làm sạch bàn phím máy tính: Bạn lấy cọ quét làm sạch bên trên và cọ mềm cho các khe của bàn phím, vệ sinh từ trên xuống dưới, từ trái qua phải. Vì đây là bộ phận chúng ta làm việc thường xuyên nên sẽ có nhiều bụi bẩn, do đó phải vệ sinh thật kỹ và nhẹ tay để tránh làm xước bàn phím.
Tuyệt đối không được dùng dung dịch hay chất lỏng để vệ sinh vì phía dưới là các bản mạch bán dẫn nhạy cảm với nước.
Vệ sinh bề mặt máy tính: Bạn hãy xịt một ít nước hoặc dung dịch vào khăn vải khô và lau nhẹ toàn bộ bề mặt bên ngoài của vỏ máy. Đối với những vết bẩn đã bám lâu, bạn có thể thêm một ít dung dịch lên khăn và có thể chùi mạnh tay hơn vào những vị trí đó hoặc dùng cọ. Tuy nhiên, hãy đảm bảo khăn lau không quá ẩm ướt sẽ gây ảnh hưởng đến linh kiện bên trong máy.
Vệ sinh các cổng kết nối trên máy tính: Với các vị trí này, bạn có thể dùng bông khô hoặc tăm bông lau thật sạch bên ngoài. Sau đó, bạn dùng cọ quét thật sâu vào các khe để vệ sinh thật sạch. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng bình xịt khí để thổi bụi ra ngoài.
Có một điều cấm kỵ là bạn không được vệ sinh bằng dung dịch lỏng. Vì bên trong cổng kết nối có rất nhiều chân giao tiếp gắn liền mới các mạch máy tính, nếu làm thế thì sẽ gây hại cho máy tính của bạn.
Vệ sinh khe tản nhiệt và quạt thông gió máy tính: Bạn dùng cọ vệ sinh thật kỹ các khe thoát nhiệt của máy, sau đó dùng tăm bông luồn qua các kẽ hở để đảm bảo bộ phận này được làm sạch nhất có thể. Cuối cùng bạn dùng bông tẩm dung dịch chuyên làm sạch lau qua một lần nữa là hoàn thành.
Vệ sinh màn hình máy tính: Để vệ sinh màn hình laptop bạn nên chọn loại vải mềm, mịn. Thao tác một tay giữ đằng sau màn, một tay di chuyển ngang hoặc dọc nhẹ nhàng để lau toàn bộ màn hình. Sau đó, bạn có thể lau lại bằng miếng vải khô một lần nữa nhằm tránh để lại vệt lau trên màn hình.
Vệ sinh bên trong laptop
Làm sạch bên ngoài laptop thôi chưa đủ, bạn còn cần phải tháo máy để vệ sinh, bảo dưỡng laptop ở bên trong. Tuy nhiên để làm vệ sinh đến bước này, bạn cần có những kiến thức cơ bản về cấu trúc máy tính tránh tình trạng “Chữa lợn lành thành lợn què”. Ở bước này, bạn cần làm sạch quạt CPU laptop, mainboard, ổ cứng, RAM, các khe tản nhiệt thông gió…bằng cách dùng khăn mềm sạch dung dịch chuyên dụng để làm sạch bụi bẩn.
Sau khi vệ sinh sạch sẽ, bạn hãy bảo dưỡng laptop tại nhà bằng cách tra dầu cho quạt tản nhiệt (tránh trường hợp quạt bị khô dầu dẫn đến hoạt động kém hiệu quả), tra kem tản nhiệt cho CPU, GPU (kem tản nhiệt sau một thời gian bị khô lại có thể khiến cho khả năng tản nhiệt kém đi, gây một số lỗi).
Không chỉ làm sạch phần cứng, laptop cũng cần dọn dẹp cả phần mềm
Ngoài bụi bẩn tích tụ lên phần cứng bên ngoài thì trong quá trình sử dụng, chắc rằng chiếc laptop của chúng ta sẽ còn rất nhiều rác ở cả bên trong thiết bị. Đó có thể là các file đã xóa, bộ nhớ đếm hay rất nhiều thứ khác do bạn vô tình tải về laptop mà bạn không hề hay biết.
Việc thực hiện những bước trên định kỳ sẽ giúp bảo quản và duy trì hiệu suất của máy tính, đồng thời kéo dài tuổi thọ của thiết bị, mang lại trải nghiệm sử dụng máy tính mượt mà và ổn định hơn.
Duy Trinh (t/h)