Hậu Giang: Xây dựng huyện Vị Thủy có nền nông nghiệp phát triển ở mức khá, du lịch phát triển
(Xây dựng) – Ngày 22/10, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quyết định số 1488/QĐ-UBND về việc phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phấn đấu sau năm 2030 xây dựng huyện Vị Thủy đạt các tiêu chí và được công nhận là huyện nông thôn mới, có cơ cấu kinh tế: Dịch vụ – Nông nghiệp – Công nghiệp.
Một góc huyện Vị Thủy. |
Quyết định UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phạm vi nghiên cứu trực tiếp gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Vị Thủy với diện tích tự nhiên của huyện là 22.932ha, bao gồm 01 thị trấn (Nàng Mau) và 9 xã (Vị Bình, Vị Đông, Vị Thanh, Vị Thắng, Vị Thủy, Vị Trung, Vĩnh Thuận Tây, Vĩnh Trung, Vĩnh Tường). Ranh giới tiếp giáp xung quanh: Phía Đông Bắc giáp huyện Châu Thành A và huyện Phụng Hiệp; Phía Đông Nam giáp huyện Phụng Hiệp và thị xã Long Mỹ; Phía Tây Bắc giáp huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang; Phía Tây Nam giáp thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Giai đoạn lập quy hoạch: Quy hoạch xây dựng vùng huyện Vị Thủy được lập cho giai đoạn: Đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự báo về quy mô dân số: Đến năm 2030 dân số toàn huyện dự kiến khoảng 94.000 – 95.000 người; Đến năm 2050 dân số toàn huyện dự kiến khoảng 110.000 – 115.000 người.
Định hướng của Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, môi trường và các dịch vụ xã hội phù hợp với định hướng phát triển đô thị, nông nghiệp, hướng đến trở thành huyện nông nghiệp hiện đại mang tính bền vững và tạo ra giá trị sản xuất đạt hiệu quả cao.
Phấn đấu sau năm 2030 xây dựng huyện Vị Thủy đạt các tiêu chí và được công nhận là huyện nông thôn mới, có cơ cấu kinh tế: Dịch vụ – Nông nghiệp – Công nghiệp. Cải thiện môi trường kinh doanh và chất lượng dịch vụ hành chính công tạo cơ hội kêu gọi, thu hút đầu tư, khai thác lợi thế, thế mạnh của huyện để phát triển toàn diện, bền vững các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đô thị và nông thôn trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế phù hợp với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của địa phương và phù hợp với chủ trương chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hậu Giang trong thời kỳ mới. Xây dựng huyện Vị Thủy có nền nông nghiệp phát triển ở mức khá, du lịch phát triển, cơ cấu kinh tế: Dịch vụ – Nông nghiệp – Công nghiệp. Trong đó định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp phát triển thương mại dịch vụ và du lịch; đầu mối giao thông, giao thương của tỉnh Hậu Giang, kết nối bởi các tuyến cao tốc, các tuyến Quốc lộ.
Phát triển đô thị theo hướng hoàn chỉnh các tiêu chí đô thị loại V của thị trấn Nàng Mau và định hướng sau năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại IV. Làm cơ sở pháp lý cho công tác chỉ đạo, lập kế hoạch, quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng phát triển kinh tế – xã hội. Chuẩn bị cơ sở hạ tầng để thu hút lao động nhập cư, giảm dần mức tỷ suất di cư qua các năm.
Huyện Vị Thủy được xác định là cửa ngõ phía Đông Bắc của thành phố Vị Thanh. Thị trấn Nàng Mau là trung tâm kinh tế, văn hoá, hành chính, khoa học – kỹ thuật, giáo dục – đào tạo và dịch vụ thương mại của huyện Vị Thủy; đồng thời là đầu mối quan trọng trong giao lưu buôn bán của một vùng tỉnh Hậu Giang, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hậu Giang. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng thương hiệu.
Theo đó, UBND huyện Vị Thủy tổ chức lập quy hoạch; Sở Xây dựng là cơ quan thẩm định quy hoạch, trình phê duyệt quy hoạch; UBND tỉnh Hậu Giang là cơ quan phê duyệt quy hoạch; Đơn vị tư vấn lập quy hoạch sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn tư vấn theo quy định.
UBND tỉnh Hậu Giang giao Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức lập đồ án quy hoạch theo nội dung Nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cung cấp các dữ liệu cần thiết và bản đồ đã số hóa cho UBND huyện Vị Thủy để lập đồ án quy hoạch, nhằm đảm bảo sự trùng khớp với bản đồ địa hình; Giám đốc: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính; Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nguồn: Báo xây dựng