Hậu Giang: Xác định Châu Thành là vùng phát triển đô thị trọng tâm của tỉnh

(Xây dựng) – Ngày 25/5, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 868/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quyết định này, Châu Thành là một trong những trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, dịch vụ, thương mại có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng trung tâm Nam Sông Hậu và tỉnh Hậu Giang. Cụ thể, Châu Thanh sẽ là vùng phát triển đô thị, dịch vụ, công nghiệp, dịch vụ hậu cần, logistics tập trung của tỉnh, hành lang đô thị và công nghiệp trọng điểm của tỉnh Hậu Giang và vùng Tây Sông Hậu…

Hậu Giang: Xác định Châu Thành là vùng phát triển đô thị trọng tâm của tỉnh
Một góc thị trấn Ngã Sáu – đô thị trung tâm của huyện Châu Thành.

Quyết định UBND tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành gồm toàn bộ diện tích tự nhiên theo địa giới hành chính là 14.090ha, bao gồm 08 đơn vị hành chính (02 thị trấn: Ngã Sáu, Mái Dầm và 06 xã: Đông Phú, Đông Phước, Đông Phước A, Đông Thạnh, Phú Hữu và Phú Tân). Ranh giới nghiên cứu tiếp giáp: Phía Đông Bắc giáp sông Hậu, ngăn cách với huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long; phía Đông Nam giáp huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng; Phía Tây giáp các huyện Châu Thành A, huyện Phụng Hiệp; Phía Nam giáp thành phố Ngã Bảy.

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm cụ thể hóa các khu vực phát triển đô thị và các khu dân cư nông thôn trên địa bàn huyện phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng, bảo vệ cảnh quan môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể hóa Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn đến năm 2030 và xây dựng các huyện nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 huyện Châu Thành hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới trên cơ sở khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh sẵn có, khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội; các tiềm năng về con người, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Xác định sự hình thành và phát triển hệ thống đô thị, nông thôn, hạ tầng kỹ thuật trong huyện Châu Thành qua các giai đoạn ngắn và dài hạn. Định hướng kết nối hệ thống hạ tầng của huyện Châu Thành với hạ tầng tỉnh Hậu Giang và các khu vực liên quan. Cụ thể hóa các định hướng của Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, môi trường và các dịch vụ xã hội phù hợp với định hướng phát triển đô thị, công nghiệp, hướng đến trở thành huyện công nghiệp hiện đại mang tính bền vững và tạo ra giá trị sản xuất đạt hiệu quả cao.

Tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong địa giới hành chính huyện Châu Thành phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp đáp ứng theo yêu cầu thực tế; tập trung đề xuất các khu vực có lợi thế để phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch và dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp một cách bền vững, phù hợp theo xu thế phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát triển kinh tế – xã hội toàn diện, khai thác có hiệu quả mối quan hệ nội ngoại vùng với các thế mạnh về liên kết giao thông thủy, bộ, dịch vụ vận chuyển trung tâm đầu mối, thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, sinh thái và cảnh quan. Tạo cơ hội kêu gọi, thu hút đầu tư, khai thác lợi thế, thế mạnh của huyện để phát triển toàn diện, bền vững các lĩnh vực kinh tế – xã hội, công nghiệp, đô thị – dịch vụ, du lịch và nông thôn trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế phù hợp với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của địa phương và phù hợp với chủ trương chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hậu Giang trong thời kỳ mới.

Hậu Giang: Xác định Châu Thành là vùng phát triển đô thị trọng tâm của tỉnh
Bản đồ huyện Châu Thành.

Đến năm 2025, rà soát các tiêu chí của đô thị loại IV đối với thị trấn Ngã Sáu, đến năm 2030 đạt chuẩn đô thị loại IV cho thị trấn Ngã Sáu, thị trấn Mái Dầm cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV, hoàn thành tiêu chí nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 và đến năm 2030. Thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững, đúng hướng và có chiều sâu, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng sản xuất công nghiệp – xây dựng gắn với phát triển thương mại – dịch vụ giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng của tỉnh trên địa bàn huyện. Định hướng phát triển huyện Châu Thành hướng đến mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện. Từ đó, là cơ sở tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xác định Châu Thành là: Cửa ngõ giao thông và thông thương quan trọng phía Đông Bắc của tỉnh Hậu Giang; Một trong những trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, dịch vụ, thương mại có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng trung tâm Nam Sông Hậu và tỉnh Hậu Giang; Vùng phát triển đô thị, dịch vụ, công nghiệp, dịch vụ hậu cần, logistics tập trung của tỉnh, hành lang đô thị và công nghiệp trọng điểm của tỉnh Hậu Giang và vùng Tây Sông Hậu. Trong đó trọng tâm phát triển công nghiệp đa ngành nghề như: chế biến, sơ chế nông sản, thủy sản, công nghiệp năng lượng, công nghiệp kỹ thuật cao, logistics… Là vùng phát triển, sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, cân bằng môi trường sinh thái. Là vùng phát triển các không gian dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng – sinh thái miệt vườn và bảo tồn, dịch vụ du lịch văn hóa mang bản sắc sông nước. Là khu vực cung cấp các dịch vụ vận chuyển, hàng hóa nông sản xuất khẩu và nguyên liệu đầu vào cho các ngành, công nghiệp chế biến nông sản của vùng và quốc tế. Đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cơ cấu kinh tế huyện Châu Thành chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp – xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Trong đó, chú trọng phát triển thương mại – dịch vụ, hậu cần logistics – công nghiệp: phát triển các không gian du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, sinh thái gắn với các vùng cảnh quan tự nhiên, các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần cấp vùng; đáp ứng yêu cầu dịch vụ chất lượng cao và trao đổi hàng hóa.

Dự báo quy mô dân số: Dân số đến năm 2030 khoảng 145.000 người; Dân số đến năm 2040 khoảng 184.000 người; Dân số đến năm 2050 khoảng 226.000 người. Dự báo đất phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn: Chỉ tiêu đất phát triển đô thị 180 – 250 m2/người. Chỉ tiêu đất dân dụng đô thị loại IV: 80m2/người. Chỉ tiêu đất dân dụng đô thị loại V 100m2/người. Chỉ tiêu đất xây dựng điểm dân cư nông thôn tập trung 400 – 500m2/hộ. Dự báo nhu cầu đất dân dụng đô thị: Giai đoạn đến năm 2030 là 1.400ha – 1.600ha. Giai đoạn đến năm 2040 là 2.000ha – 2.500ha. Giai đoạn đến năm 2050 là 3.200ha – 3.500ha. Dự báo về nhu cầu đất xây dựng khu dân cư nông thôn tập trung: Giai đoạn đến năm 2030 là 800ha – 1.000ha. Giai đoạn đến năm 2040 là 1.000ha -1.200 ha. Giai đoạn đến năm 2050 là 1.200ha – 1.400ha.

Định hướng phát triển không gian: Phát triển vùng theo chuỗi có tính liên kết, gắn với các trục hành lang kinh tế, đảm bảo khả năng liên kết, hỗ trợ, tiến tới hợp thành một tổng thể không gian có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội theo tiêu chí đô thị loại IV, có môi trường bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Hình thành vùng phát triển được định hình phát triển dựa trên hệ thống cấu trúc giao thông liên vùng, liên khu vực có vai trò kết nối các vùng chức năng liên vùng, và các trung tâm kinh tế vùng huyện, hình thành nên các trục, hàng lang phát triển, các đô thị vẫn theo tính chất riêng nhằm phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý… từ trung tâm các đô thị phát triển lan tỏa và kết nối vùng bằng các trục giao thông động lực tạo thành chuỗi đô thị liên kết. Với lõi trung tâm các đô thị phát triển mật độ cao lan tỏa ra các hướng liên kết theo mật độ thấp dần để kết nối giữa các đô thị với nhau.

Các khu vực còn lại phát triểt mật độ thấp theo cụm tuyến dân cư nông thôn, kết hợp phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái. Phát triển các đô thị dọc theo hành lang các tuyến lưu thông chính: Quốc lộ 91B (Nam sông Hậu), ĐT.925, ĐT.925B, ĐT.927C, ĐT.925C và các trục giao thông dự kiến động lực. Xu thế đô thị phát triển hướng ra sông Hậu, Quốc lộ 1: Gắn vùng phát triển công nghiệp và vùng cảnh quan sông Hậu, sông Mái Dầm, sông Cái Côn, kết nối thị trấn Cái Tắc huyện Châu Thành A nhằm phát huy thế mạnh của nút xuống cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Các cụm đô thị, dịch vụ và công nghiệp, gồm một số các đô thị (hiện hữu hoặc dự kiến phát triển) kết hợp các chức năng dịch vụ, công nghiệp, được gắn kết với nhau đóng vai trò là trung tâm và động lực chính cho sự phát triển của huyện. Hệ thống đô thị gồm: Thị trấn Ngã Sáu là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, xã hội, đô thị thương mại, dịch vụ, du lịch. Thị trấn Mái Dầm là đô thị được định hướng làm đô thị thương mại – dịch vụ công nghiệp, trung tâm đầu mối vận chuyển logistisc. Xã Đông Phú phát triển đô thị – công nghiệp – dịch vụ hậu cần logistics lấy sông Hậu làm động lực về vận tải trung tâm đầu mối vận tải của vùng. Xã Đông Phước A phát triển đô thị thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển dọc tuyến đường 925 và 925B dự kiến kết nối không gian giữa đô thị Ngã Sáu và đô thị Cái Tắc thuộc huyện Châu Thành A tạo thành chuỗi đô thị liên kết Quốc lộ 1 – 925B – 925 – 925C – Quốc lộ 91B (Nam sông Hậu) – 927C. Phát huy thế mạnh giao thông thủy của sông Cái Côn và trục giao thông bộ ĐT 927C. Xã Phú Tân, xã Phú Hữu lấy động lực phát triển công nghiệp làm định hướng phát triển thành các khu dân cư thương mại, dịch vụ hậu cần ngành công nghiệp. Xã Đông Thạnh phát triển dân cư nông nghiệp, du lịch sinh thái, vùng nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp chế biến. Xã Đông Phước phát triển dân cư, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, thể dục thể thao vui chơi giải trí, bảo tồn bản sắc văn hóa vùng sông nước, phát huy thế mạnh đầu mối giao thông liên kết vùng, phát triển các trung tâm hỗ trợ về du lịch, nông nghiệp.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích