Hậu Giang: Triều cường ngập nặng gây ảnh hưởng nặng nề đến người nông dân
Hậu Giang: Triều cường ngập nặng gây ảnh hưởng nặng nề đến người nông dân
Qua ghi nhận bước đầu từ các địa phương, triều cường đã gây ngập úng gần 100 ha lúa thu đông, trong đó có gần 60 ha bị thiệt hại 50%.
Thống kê sơ bộ, triều cường gây thiệt hại 77,45 ha lúa, trong đó có 58 ha lúa thu đông thiệt hại 50 % và 19,45 ha lúa đông xuân thiệt hại trên 70%. Đồng thời, triều cường gây ngập 8.500 ha cây ăn trái, có 70,83 ha bị thiệt hại từ 30-70%. Đồng thời, triều cường cũng gây ngập trên 1.000 ha khóm và mía.
Nhiều diện tích nuôi thủy sản bị ngập, gây thất thoát, nhưng chưa thống kê được cụ thể…
Hiện ngành nông nghiệp đang vận động nông dân bơm thoát nước để hạn chế ngập úng cho lúa, cây ăn trái, rau màu nhằm hạn chế thiệt hại do ngập kéo dài.
Hầu hết ở 8 đơn vị huyện, thị tại tỉnh Hậu Giang đều bị ngập úng cục bộ, riêng ở huyện Phụng Hiệp là địa bàn bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Theo ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, sau hai đợt triều cường lập đỉnh trong tháng 10 vừa qua và đầu tháng 11 này, đã làm 3.200ha cây ăn trái, 120ha rau màu và 900ha mía của nông dân trong huyện bị ngập sâu từ 10-20cm, thời gian ngập từ 25-30 ngày. Nhiều diện tích cây ăn trái chịu nước kém như: mít, chanh không hạt, bưởi đã có dấu hiệu xuống lá chết.
Phụng Hiệp cũng là địa phương có nhiều diện tích nuôi thủy sản, nhất là thả nuôi cá trên ruộng vào mùa nước nổi. Trong đợt triều cường này cũng gây thất thoát nhiều diện tích nuôi thủy sản. Theo thống kê, toàn huyện có gần 100ha thủy sản gồm: Cá ruộng, cá ao, ba ba bị thất thoát với tỷ lệ từ 30-70%.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết: Dự báo, tình hình mưa bão, triều cường dâng cao từ nay đến cuối năm còn diễn biến phức tạp, do đó các địa phương trong tỉnh và người dân cần chủ động gia cố đê bao, bờ bao để bảo vệ thành quả sản xuất.
Riêng vụ lúa đông xuân 2022-2023, do triều cường còn cao nên nông dân không thể gieo sạ vào đợt 1 như lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, vì vậy ngành chức năng và người dân cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tập trung xuống giống vào đợt 2 từ ngày 26/11 đến 2/12 nhằm né hạn, mặn về sau.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hậu Giang, do ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc tăng cường mạnh xuống phía Nam; vùng cửa sông Cửu Long từ Bến Tre – Sóc Trăng, trên sông Hậu đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và mực nước sông, kênh, rạch trong tỉnh dâng cao bất thường. Mực nước tại Trạm thủy văn Phụng Hiệp là 1,61m, trên báo động (BĐ) III 0,21m. Tại Trạm thủy văn Vị Thanh là 0,88m, trên BĐIII 0,13m.
Dự báo mực nước trên các sông, kênh, rạch trong tỉnh lên nhanh từ ngày 8/11, đạt đỉnh triều cường (rằm tháng 10 âm lịch) từ ngày 10 đến 12/11. Mực nước cao nhất tại Trạm thủy văn Phụng Hiệp từ 1,68-1,72m, trên BĐIII từ 0,18-0,22m. Tại Trạm thủy văn Vị Thanh từ 0,88-0,92m, trên BĐIII từ 0,13-0,17m, gây ngập lụt cục bộ các địa phương huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, thành phố Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp với thời gian kéo dài từ 4-6 ngày.
Các địa phương khác như thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, huyện Vị Thủy, ngập lụt với thời gian kéo dài từ 6-8 ngày.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị