Hậu Giang: Thực hiện “Nhất tâm, nhị tuyến, tam thành, tứ trụ, ngũ trọng tâm” để phát triển kinh tế-xã hội

(Xây dựng) – Ngày 22/8, Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Chương trình số 123-CTr/TU Chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị. Quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang là: Xác định phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh, du lịch chất lượng là 04 lĩnh vực đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội, gia tăng nguồn thu ngân sách địa phương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 – 2030 và những năm tiếp theo và với quan điểm “Nhất tâm, nhị tuyến, tam thành, tứ trụ, ngũ trọng tâm”.

hau giang thuc hien nhat tam nhi tuyen tam thanh tu tru ngu trong tam de phat trien kinh te xa hoi
Một góc đô thị thành phố Vị Thanh.

Chương trình sẽ phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp hiện đại, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách địa phương, tạo nguồn lực phát triển các lĩnh vực khác; phát triển chế biến gắn với vùng nguyên liệu của địa phương.

Hậu Giang đã và đang thực hiện 5 chương trình, đó là: Nhất tâm là phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn. Nhị tuyến là tập trung khai thác phát triển theo 02 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ – Cà Mau kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và tuyến Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu. Tam thành là ưu tiên phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ. Tứ trụ là phát triển 04 trụ cột gồm công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 – 2025 và các năm tiếp theo. Ngũ trọng tâm là hoàn thiện thể chế, chích sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính – ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Theo đó, phát triển nông nghiệp sinh thái, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng, theo quan điểm thuận thiên. Xây dựng, phát triển hệ thống đô thị thông minh đảm bảo tính bền vững, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và định hướng chiến lược phát triển đô thị và nhà ở quốc gia; đảm bảo tạo được dòng tiền dương để tái đầu tư phát triển. Phát triển du lịch chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, chọn những sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để đầu tư phát triển nhằm quảng bá hình ảnh tỉnh Hậu Giang với du khách trong và ngoài nước.

Đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước để tập trung đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch; đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững, thống nhất cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường; kết hợp các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường quốc phòng – an ninh, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021-2030 là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 – 2025 là 7,3%, giai đoạn 2026 – 2030 là 10,2%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân 10 năm là 8,7%/năm (ĐBSCL là 6,5% – 7%), trong đó: Khu vực I tăng 3,05%/năm, khu vực II tăng 13,84%/năm, khu vực III tăng 8,22%/năm, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,59%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 84 triệu đồng (tương đương 3.600 USD) đến năm 2030 đạt 150 triệu đồng (tương đương 6.383 USD), gấp 2,85 lần so với năm 2020, cao hơn mức trung bình vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025 tỷ trọng khu vực I còn khoảng 20,4%; khu vực II 32,4%; khu vực III 37,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 9,4%. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030 khu vực I còn khoảng 15%; khu vực II 39%; khu vực III 38%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 8%.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo giá hiện hành trên địa bàn trong 10 năm khoảng 300.000 tỷ đồng, tăng bình quân 8%/năm. Tỷ trọng vốn đầu tư chiếm khoảng 38,7% GRDP. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 15% hàng năm. Tổng chi ngân sách 10 năm tăng bình quân 7%/năm, chi đầu tư phát triển tăng bình quân 10%/năm (trong đó chi đầu tư để phát triển kinh tế tăng bình quân 15% hàng năm). Hệ số ICOR giai đoạn 2021 – 2025 từ 5,5 – 6, giai đoạn 2026 – 2030 từ 3,6 – 4. Năng suất lao động xã hội năm 2025 là 156 triệu đồng, tăng 9,7%/năm, năm 2030 là 263 triệu đồng, tăng 10,9%/năm. Tính chung 10 năm tăng bình quân 10,3%/năm.

Kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ năm 2030 đạt 1.600 triệu USD, tăng bình quân 9%/năm. Kim ngạch nhập khẩu 800 triệu USD, tăng bình quân 7,4%/năm. Trong 10 năm xuất khẩu 11 tỷ USD, nhập khẩu 6 tỷ USD. Số doanh nghiệp đang hoạt động và có kê khai thuế trong 10 năm tăng 3.000 doanh nghiệp.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích