Hậu Giang: Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Cây Dương đến năm 2040
(Xây dựng) – Ngày 13/7, ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã ký ban hành Quyết định số 1311/QĐ-UBND về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đến năm 2040.
Theo Quyết định này, đô thị Cây Dương là thị trấn huyện lỵ của huyện Phụng Hiệp; Trung tâm chính trị, kinh tế – văn hóa, khoa học kỹ thuật, thương mại – dịch vụ, cụm công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, đầu mối giao thông – giao lưu trong huyện và vùng liên huyện.
Sơ đồ quy hoạch chung đô thị Cây Dương. |
Quy hoạch chung đô thị Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đến năm 2040: Phạm vi ranh giới nghiên cứu quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính thị trấn Cây Dương, có diện tích khoảng 1.490ha, được giới hạn: Phía Bắc giáp xã Hòa Mỹ; phía Nam giáp xã Hiệp Hưng; phía Đông giáp xã Hiệp Hưng; phía Tây giáp xã Hiệp Hưng.
Dự báo dân số đến năm 2025 là 36.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 15.000 người. Đến năm 2040 là 50.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 20.000 người.
Dự kiến diện tích đất xây dựng đô thị đến năm 2025 khoảng 540ha; đến năm 2040 khoảng 750ha.
Chỉ tiêu đất dân dụng bình quân toàn đô thị: 50 – 80m2/người, mật độ dân số 200 – 125 người/ha. Đất đơn vị ở bình quân: 28 – 45m2/người. Trường phổ thông trung học: ≥ 40 học sinh/1.000người, chỉ tiêu đất xây dựng trường là 10m2/1 học sinh. Bệnh viện đa khoa: ≥ 4 giường/1.000người, chỉ tiêu đất xây dựng trường là 100m2/1 giường bệnh. Trung tâm Văn hóa – Thể thao: ≥ 0,8m2/người. Sân thể thao cơ bản: ≥ 0,6m2/người. Chợ: ≥ 1ha/ công trình. Cây xanh công cộng: ≥ 5m2/người. Đất bãi đỗ xe toàn đô thị: ≥ 3,5m2/người.
Định hướng phát triển không gian đô thị: Phát triển khu vực đô thị phải đồng bộ, hiện đại, có giá trị kiến trúc cảnh quan; có định hướng không gian mở, đa năng, thuận lợi liên kết phát triển giữa các khu vực trong đô thị. Xây dựng cấu trúc không gian toàn vùng, bao gồm hệ thống cấu trúc lưu thông kết nối các vùng, cấu trúc vùng nông nghiệp, nuôi trồng, cấu trúc vùng phát triển đô thị và tiểu thủ công nghiệp hiện đại. Tạo lập, tổ chức không gian phát triển trên cơ sở tận dụng khai thác tối đa yếu tố địa hình, địa vật, cảnh quan và mối quan hệ hữu cơ với các khu vực lân cận. Trong đó đặc biệt chú ý đến việc khai thác giá trị cảnh quan về cây xanh, mặt nước nhằm phục vụ cho môi trường sinh thái và cảnh quan đô thị. Phát triển các tuyến, điểm cây xanh gắn với sinh hoạt công cộng, bổ sung thiết chế văn hóa đô thị trong khu dân cư với sự phân bố vừa tập trung vừa phân tán. Trong đó, chú trọng phát triển cây xanh theo các tuyến giao thông. Quy hoạch đảm bảo hình thành một đô thị đẹp, hiện đại độc đáo, có bản sắc.
Phát triển đô thị phải dựa vào lợi thế về vị trí địa lý, các lợi thế riêng để tạo ra động lực phát triển, phải đồng bộ và tích hợp với mạng lưới hệ thống các đô thị xung quanh nhằm tăng cường liên kết vùng. Tạo ra sự kết nối chặt chẽ với các đô thị kế cận và liên kết hỗ trợ giữa các đô thị trong vùng nhằm đạt được yêu cầu về phát triển dịch vụ và chia sẻ hạ tầng cơ sở.
Đối với khu vực thị trấn hiện hữu cần rà soát và kiểm tra lại sự liên hệ gắn kết hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật và tính hợp lý của từng khu chức năng. Trên cơ sở đó đề xuất điều chỉnh những điểm bất hợp lý và khó thực hiện.
Quy hoạch và tổ chức lại các khu chức năng đô thị, phát triển các cơ sở hạ tầng xã hội và các dịch vụ cần thiết; cải thiện hạ tầng cơ sở công cộng, văn hóa, các trung tâm giáo dục đào tạo, dịch vụ y tế và giải trí. Phát triển các vùng du lịch gắn với văn hóa, đô thị và cảnh quan tự nhiên theo mô hình du lịch sinh thái.
Xác định phạm vi, quy mô các khu chức năng đô thị: Các khu hiện có hạn chế phát triển; các khu cần chỉnh trang, cải tạo; các khu cần bảo tồn, tôn tạo, các khu chuyển đổi chức năng; khu phát triển mới; khu cấm xây dựng, các khu dự trữ phát triển;. Xác định các chỉ tiêu về diện tích, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao trong các khu chức năng, mảng xanh,…
Đề xuất khung thiết kế đô thị tổng thể, xác định các công trình điểm nhấn trong khu vực quy hoạch theo các hướng, tầm nhìn chính, tổ chức không gian các khu trung tâm, cửa ngõ đô thị, các trục không gian chính, quảng trường lớn, điểm nhấn đô thị, không gian cây xanh, mặt nước.
Yêu cầu định hướng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên: Tổ chức quy hoạch không gian, kiến trúc cảnh quan, phân khu chức năng phải phù hợp với điều kiện địa hình và bản sắc khu vực, đảm bảo môi trường sống, đảm bảo tính bền vững của môi trường và cảnh quan thiên nhiên, tiện nghi đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn. Sử dụng đất phải khớp nối các dự án đã và đang triển khai trong phạm vi liền kề về không gian kiến trúc cũng như hạ tầng kỹ thuật sao cho khai thác quỹ đất hiệu quả nhất để phát triển các khu chức năng phù hợp. Bảo tồn các vùng cảnh quan đặc trưng, các trục cảnh quan sông nước, kênh rạch độc đáo, bảo vệ môi trường, phòng ngừa hiểm họa ảnh hưởng đến cộng đồng, cải thiện cảnh quan, bảo tồn các di tích văn hoá, lịch sử và nét đặc trưng của địa phương. Xây dựng chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu.
Cơ quan tổ chức lập quy hoạch: UBND huyện Phụng Hiệp. Cơ quan thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch: Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang. Cơ quan phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch: UBND tỉnh Hậu Giang.
Quyết định UBND tỉnh Hậu Giang giao Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp phối hợp với đơn vị tư vấn cùng các sở, ngành chức năng có liên quan tổ chức lập đồ án quy hoạch theo nội dung nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt.
Huyện Phụng Hiệp. |
Trước đó, Sở Xây dựng Hậu Giang đã gửi UBND tỉnh Hậu Giang Tờ trình số 176/TTr-SXD về việc đề nghị phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đến năm 2040.
Theo Tờ Trình, Sở Xây dựng có nhận Tờ trình số 121/TTr-UBND ngày 07/5/2021 của UBND huyện Phụng Hiệp về việc xin phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đến năm 2040. Sau khi xem xét, thẩm định nội dung hồ sơ; Sở Xây dựng kính trình UBND tỉnh phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đến năm 2040.
Nguồn: Báo xây dựng