Hậu Giang: Phát triển đô thị theo hướng “3 thành”

(Xây dựng) – Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quy hoạch này, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc. Đô thị Hậu Giang phát triển tập trung “3 thành” – Thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ.

Hậu Giang: Phát triển đô thị theo hướng “3 thành”
Thành phố Vị Thanh bên bờ kênh xáng Xà No.

Đến năm 2030, tỉnh có khoảng 19 đô thị, trong đó: 01 đô thị loại II, 02 đô thị loại III, 02 đô thị loại IV, 14 đô thị loại V. Thành lập 02 thị xã từ huyện Châu Thành và huyện Châu Thành A; với 04 đô thị là trung tâm tổng hợp, chuyên ngành cấp tỉnh gồm:

Thành phố Vị Thanh là đô thị loại II, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch của tỉnh. Tổ chức không gian đô thị dọc theo hai bên tuyến kênh Xáng Xà No; kết nối với thành phố Cần Thơ và các đô thị theo mạng lưới giao thông.

Thành phố Ngã Bảy là đô thị loại III, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch; là cực phát triển phía Đông của tỉnh Hậu Giang.

Thị xã Long Mỹ là đô thị loại III, đầu mối trung chuyển, chế biến nông sản công nghệ cao; kết nối với tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau theo Quốc lộ 61B và cao tốc Cần Thơ – Cà Mau; phát triển du lịch sinh thái và văn hóa, lịch sử. Thị xã Châu Thành là đô thị loại IV, phát triển đô thị công nghiệp, trung tâm kinh tế và khoa học công nghệ của tỉnh.

Hậu Giang: Phát triển đô thị theo hướng “3 thành”
Thành phố Ngã Bảy.

Theo Quy hoạch, ba trung tâm đô thị (Ba Thành): Phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị của tỉnh, gồm: Thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ; trong đó, thành phố Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Mở rộng, nâng cấp các đô thị, phát triển đô thị khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định gắn với công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, theo tiêu chuẩn đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ trở thành các đô thị trung tâm, hiện đại, hỗ trợ các hoạt động thương mại, dịch vụ và các đô thị vệ tinh phát triển.

Phương án tổ chức phát triển kinh tế-xã hội theo 04 vùng: Vùng Trung tâm gồm thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy, trong đó thành phố Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh. Tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội: Đô thị, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hậu Giang: Phát triển đô thị theo hướng “3 thành”
Thị xã Long Mỹ.

Vùng Đô thị – Công nghiệp gồm huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, là vùng động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội: Công nghiệp, đô thị, logistics và du lịch.

Vùng Công nghiệp – Du lịch sinh thái gồm thành phố Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp, tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội: Công nghiệp, đô thị, du lịch và nông nghiệp sinh thái.

Vùng Đô thị – Nông nghiệp sinh thái gồm thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ. Tổ chức hoạt động kinh tế – xã hội: Phát triển nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đô thị và du lịch.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích