Hậu Giang: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long
(Xây dựng) – Tỉnh ủy Hậu Giang vừa ban hành Chương trình số 274-CTr/TU triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu phát triển đến năm 2030: Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Thành phố Vị Thanh – Trung tâm kinh tế – xã hội tỉnh Hậu Giang bên dòng kênh xáng Xà No thơ mộng. |
Theo Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang, mục tiêu phát triển đến năm 2030 là: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 8,7%/năm; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt trên 150 triệu đồng/năm. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 14%; khu vực công nghiệp – xây dựng khoảng 40%; khu vực dịch vụ khoảng 38%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8%.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 15%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 – 2030 đạt khoảng 330 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đầu tư chiếm khoảng 39,5% GRDP. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt khoảng 90%. Số giường bệnh/vạn dân đạt 41 giường; số bác sỹ/vạn dân đạt 12 bác sỹ.
100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1% mỗi năm. 100% các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường.
Tầm nhìn đến 2050: Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho biết, để thực hiện mục tiêu này Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh và Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Xây dựng Kế hoạch của UBND theo hướng đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát tình hình thực tiễn của tỉnh; kịp thời cập nhật những chủ trương, chính sách mới của Trung ương; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi phù hợp với thực tiễn, những vấn đề lớn, mới phát sinh, phức tạp, nhạy cảm trong quá trình tổ chức thực hiện.
Chú trọng thực hiện có kết quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 23/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Quy hoạch và thu hút đầu tư tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 – 2030 và các năm tiếp theo. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.
Nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các vùng động lực của tỉnh và liên kết vùng, phát triển bốn trụ cột kinh tế của tỉnh được xác định tại Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 – 2025 và các năm tiếp theo.
Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác trên cơ sở phù hợp với các quy định hiện hành, tạo hành lang pháp lý phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh. Hoàn thiện cơ chế, chính sách gắn với tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả.
Khu công nghiệp Sông Hậu – Một trong những khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang thu hút nhiều nhà đầu tư. |
Tập trung nguồn lực triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các công trình, dự án được xác định trong Quy hoạch tỉnh. Phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ hiệu quả, tính lan tỏa, thay đổi tình thế, thay đổi trạng thái. Hoàn thiện, khai thác cơ sở hạ tầng từ các dự án đã và đang thực hiện nhằm phát huy hiệu quả công trình, dự án mang lại; ưu tiên các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa, phục vụ phát triển công nghiệp và dịch vụ logistics; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại bốn vùng kinh tế – xã hội động lực đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh.
Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, công nghệ số, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh cơ cấu lại các lĩnh vực kinh tế, theo hướng lấy nông nghiệp làm trụ đỡ, công nghiệp là trụ cột đột phá phát triển, dịch vụ, du lịch là động lực phát triển, nâng cao đời sống thu nhập cho người dân trong tỉnh.
Triển khai các giải pháp đa dạng hóa các kênh huy động vốn thực hiện Quy hoạch tỉnh; phát huy vai trò dẫn dắt của vốn đầu tư công để kích hoạt, huy động, thu hút mọi nguồn lực của xã hội; huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển trên cơ sở tiềm năng, lợi thế và cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh; phát huy quỹ đất công nghiệp trong việc thu hút đầu tư, tăng trưởng nguồn thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Phát huy hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư với lợi thế ưu đãi cạnh tranh của tỉnh nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, hệ thống quản lý hiện đại, có năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện công trình dự án…
Nguồn: Báo xây dựng