Hậu Giang: Mời gọi đầu tư dự án nhà ở xã hội thị trấn Mái Dầm với diện tích hơn 32.000m2

(Xây dựng) – UBND tỉnh Hậu Giang vừa phê duyệt yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành. Theo Quyết định này, dự án nhà ở xã hội thị trấn Mái Dầm có diện tích sử dụng đất khoảng 32.046,7m2, với vốn đầu tư khoảng 274.995.000.000 đồng.

hau giang moi goi dau tu du an nha o xa hoi thi tran mai dam voi dien tich hon 32000m2
Thị trấn Mái Dầm.

Quyết định UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành.

Dự án nhà ở xã hội thị trấn Mái Dầm có diện tích khoảng 32.046,7m2 (Hiện có đất trồng lúa khoảng 22.500m2, đất khác khoảng 9.600m2). Ranh giới được xác định theo quy hoạch Tổng mặt bằng dự án nhà ở xã hội tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành đã được UBND huyện Châu Thành phê duyệt tại Quyết định số 859/QĐ-UBND ngày 18/3/2021. Phía Đông Bắc giáp đường số 16 theo Quy hoạch chung đô thị Mái Dầm; Phía Tây Nam giáp Quốc lộ Nam Sông Hậu; Phía Tây Bắc giáp Khu dân cư vượt lũ; Phía Đông Nam giáp đường số 15 theo Quy hoạch chung đô thị Mái Dầm.

Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng hoàn thiện các công trình nhà ở liên kế (nhà ở xã hội), nhà ở liên kế (nhà ở thương mại), chung cư (nhà ở xã hội) theo Quy hoạch Tổng mặt bằng dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, gồm: Nhà ở liên kế (nhà ở xã hội) diện tích đất xây dựng: 3.038m2, số tầng tầng 02 tầng, diện sàn xây dựng nhà ở: 6.076m2, số lượng nhà ở: 48 căn; Chung cư (nhà ở xã hội) diện tích đất xây dựng: 6.775,9m2, số tầng: 04 tầng, diện sàn xây dựng nhà ở: 20.327,72m2, số lượng nhà ở: Sẽ được tính toán theo quy định, mật độ xây dựng75%; Nhà ở liên kế (nhà ở thương mại) diện tích đất xây dựng 2.948,1m2, số tầng 03 tầng, diện sàn xây dựng nhà ở: 7.959,87m2, số lượng nhà ở 29 căn, mật độ xây dựng: ≤90%. Quy mô dân số khoảng 500 người.

Đối với hạ tầng trong phạm vi dự án: nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầu tư đồng bộ các công trình theo quy hoạch chi tiết được duyệt, bao gồm: Đầu tư hoàn chỉnh các công trình hạ tầng kỹ thuật (với diện tích đất khoảng 32.046,7m2, gồm các hạng mục: San lấp mặt bằng; hệ thống giao thông – vỉa hè, cây xanh; hệ thống cấp – thoát nước; hệ thống cấp điện; hệ thống điện chiếu sáng; công viên cây xanh; trạm xử lý nước thải; hệ thống thông tin liên lạc…): Sau khi đầu tư hoàn thành các công trình này, Nhà đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quản lý, sử dụng theo quy định.

Đầu tư xây dựng hoàn thiện hoàn thiện các công trình nhà ở liên kế (nhà ở xã hội), nhà ở liên kế (nhà ở thương mại), Chung cư (nhà ở xã hội) theo quy hoạch chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy định pháp luật hiện hành: Sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng, nhà đầu tư được quyền khai thác, kinh doanh các hạng mục công trình đã đầu tư xây dựng theo quy định.

Đối với đất giáo dục có diện tích khoảng 384,7m2: Sau khi đầu tư hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư có thể đầu tư hoặc bàn giao lại cho Nhà nước quản lý, sử dụng theo quy định.

Đối với các lô đất dự kiến tái định cư cho các hộ dân phải di dời phục vụ giải phóng mặt bằng dự án với diện tích khoảng 1.857,6m2 (khoảng 22 lô nền, số lượng nền tái định cư sẽ được điều chỉnh tương ứng với phương án giải phóng mặt bằng được duyệt): Sau khi đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư bàn giao cho Nhà nước để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án theo quy định.

Đối với hạ tầng đô thị ngoài phạm vi dự án: Việc đầu tư xây dựng để thực hiện việc đấu nối (giao thông, điện, nước…) ngoài dự án do chủ đầu tư dự án thực hiện và sau khi hoàn chỉnh bàn giao lại cho Nhà nước quản lý.

Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án (Không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất): 274.995.000.000 đồng. Sơ bộ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng: 35.194.000.000 đồng. Thời gian hoạt động dự án 50 năm kể từ ngày Nhà đầu tư được quyết định giao đất, cho thuê đất. Tiến độ thực hiện dự án: Hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng trong vòng 36 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, cho thuê đất.

UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu nhà đầu tư khi tham gia đăng ký thực hiện dự án phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản của dự án, như: Thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án theo đúng trình tự quy định của pháp luật hiện hành; Lập, thẩm định, phê duyệt: lập dự án đầu tư (Báo cáo nghiên cứu khả thi), thiết kế bản vẽ thi công theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng và các pháp luật khác có liên quan; Thiết kế, thi công xây dựng phải đảm bảo phù hợp với quy chuẩn, quy phạm và các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành; đảm bảo các yêu cầu về an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ; đầy đủ các hạng mục công trình và phù hợp với các chỉ tiêu quy hoạch, chỉ giới xây dựng, ranh giới đất theo hồ sơ quy hoạch đã được phê duyệt; Tuân thủ theo Quy hoạch Tổng mặt bằng dự án Nhà ở xã hội tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành đã được UBND huyện Châu Thành phê duyệt tại Quyết định số 859/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2021.

Yêu cầu về môi trường là phải tuân thủ theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Yêu cầu về an toàn: Cần đảm bảo các yêu cầu về an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường trong suốt quá trình thực hiện dự án và khai thác dự án theo quy định hiện hành.

Phương án tiêu thụ sản phẩm (bán, cho thuê, cho thuê mua): Việc cho thuê, cho thuê mua hoặc bán nhà ở xã hội được thực hiện theo Điều 62, Điều 63 Luật Nhà ở năm 2014 và các quy định pháp luật hiện hành.

Yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư bao gồm yêu cầu về năng lực tài chính và kinh nghiệm. Nội dung chi tiết theo Chương II. Trường hợp nhà đầu tư muốn được làm rõ yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, nhà đầu tư phải gửi đề nghị làm rõ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư bằng văn bản hoặc thông qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án tối thiểu 05 ngày làm việc để xem xét, xử lý.

Sau khi nhận được văn bản đề nghị làm rõ theo thời gian quy định, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành làm rõ và đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong khoảng thời gian tối thiểu 02 ngày làm việc trước ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, trong đó có mô tả nội dung yêu cầu làm rõ nhưng không nêu tên nhà đầu tư đề nghị làm rõ. Trường hợp việc làm rõ dẫn đến phải sửa đổi yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thì thực hiện theo quy định tại Mục 4 Chương này.

Sở Kế hoạch và Đầu tư có thể gia hạn thời gian nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trong trường hợp: Sửa đổi yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư theo quy định tại Mục 4 Chương này. Khi gia hạn, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; Cần tăng thêm số lượng nhà đầu tư theo quy định tại điểm b khoản 2 Mục 9 Chương này. Khi gia hạn, Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi thông báo đến tất cả các nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án và thông báo trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Thời gian gia hạn thực hiện theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh. Nhà đầu tư đã đáp ứng yêu cầu không phải nộp lại hồ sơ đăng ký thực hiện dự án.

Sau khi nộp, nhà đầu tư có thể sửa đổi, thay thế hoặc rút hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án. Sau thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, nhà đầu tư không được rút hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đã nộp.

Sau khi có kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng tải danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Căn cứ kết quả đánh giá, theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Đầu tư và khoản 3 Điều 29 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, căn cứ tiến độ thực hiện dự án, mục tiêu thu hút đầu tư cũng như các điều kiện cụ thể khác của dự án, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định thực hiện theo một trong hai phương án:

Phương án 1: Thông báo và hướng dẫn nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư nếu quá trình tổ chức đã bảo đảm tính công khai, minh bạch, cạnh tranh và dự án có yêu cầu đẩy nhanh tiến độ.

Phương án 2: Gia hạn thời gian đăng ký thực hiện dự án để các nhà đầu tư tiềm năng khác có cơ hội tiếp cận thông tin và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án nhằm tăng tính cạnh tranh. Thời gian gia hạn do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Nhà đầu tư đã đáp ứng yêu cầu không phải nộp lại hồ sơ đăng ký thực hiện dự án.

Sau khi gia hạn, căn cứ kết quả đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, thủ tục tiếp theo thực hiện theo quy định tương ứng tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 13 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP).

Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 10 của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP và khoản 3 Điều 108 của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP. Hồ sơ mời thầu được phát hành rộng rãi cho các nhà đầu tư, gồm cả các nhà đầu tư ngoài danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm.

Theo đó, yêu cầu năng lực tài chính vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải thu xếp là 68,2 tỷ đồng, tương đương 20% tổng mức đầu tư dự kiến. Số lượng tối thiểu các dự án mà nhà đầu tư hoặc thành viên tham gia liên danh hoặc đối tác cùng thực hiện đã tham gia với vai trò là nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu (dự án loại 1) là 01 dự án hoặc với vai trò là nhà thầu chính (dự án loại 2; loại 3) là 02 dự án. Cách xác định như sau:

Loại 1: Dự án nhà ở xã hội, dự án trong lĩnh vực khu đô thị, khu dân cư, dự án phát triển nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã tham gia với vai trò nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu, đã hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn trong vòng 05 năm trước năm có thời điểm đóng thầu trở lại đây và đáp ứng các điều kiện sau:

Có tổng mức đầu tư tối thiểu tối thiểu bằng 50% tổng mức đầu tư của dự án đang xét (tương đương 170,6 tỷ đồng). Nhà đầu tư đã góp vốn chủ sở hữu với giá trị tối thiểu bằng 50% yêu cầu về vốn chủ sở hữu của dự án đang xét (tương đương 34,1 tỷ đồng).

Loại 2: Dự án nhà ở xã hội, dự án trong lĩnh vực khu đô thị, khu dân cư, dự án phát triển nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã tham gia với vai trò là nhà thầu chính xây lắp, đã hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn trong vòng 05 năm trước năm có thời điểm đóng thầu trở lại đây và có giá trị tối thiểu bằng 30% giá trị công việc tương ứng của dự án đang xét (tương đương 82,5 tỷ đồng).

Loại 3: Dự án nhà ở xã hội, dự án trong lĩnh vực khu đô thị, khu dân cư, dự án phát triển nhà ở thương mại đã hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn trong vòng 05 năm trước năm có thời điểm đóng thầu trở lại đây của đối tác đã tham gia với vai trò là nhà thầu chính thầu xây lắp với giá trị tối thiểu bằng 50% giá trị công việc tương ứng của dự án đang xét (tương đương 137,5 tỷ đồng).

UBND tỉnh Hậu Giang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất, thông báo mời quan tâm và triển khai thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định hiện hành. Giám đốc Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND huyện Châu Thành; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích