Hậu Giang hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến

Định hướng và chính sách hỗ trợ thiết thực

 Doanh nghiệp tại Hậu Giang đảm bảo sản xuất phẩm hàng hóa theo tiêu chuẩn chất lượng. Ảnh: socongthuong.haugiang.gov.vn

Ngày 09 tháng 12 năm 2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết số 26/2021/NQ-HĐND quy định nội dung và mức chi hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, doanh nghiệp được hỗ trợ tới 50% kinh phí cho việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO 9001, ISO 22000, HACCP và các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt như VietGAP và GlobalGAP. Mức hỗ trợ tối đa đạt đến 65 triệu đồng cho mỗi hệ thống của doanh nghiệp mỗi năm. Các công cụ cải tiến năng suất như Kaizen, 5S, và Six Sigma cũng được hỗ trợ, với mức tối đa không quá 50 triệu đồng cho mỗi công cụ mỗi năm.

Ngoài ra, Chương trình còn chi hỗ trợ 50% kinh phí để doanh nghiệp thực hiện chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, tối đa 5 triệu đồng mỗi sản phẩm. Đối với các doanh nghiệp tham gia và đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, Chương trình cũng hỗ trợ tới 15 triệu đồng mỗi năm. Những chính sách này đã góp phần khuyến khích các doanh nghiệp Hậu Giang nâng cao năng lực quản lý, cải thiện chất lượng sản phẩm, hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế.

Hiệu quả từ các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến

Việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến đã mang lại nhiều lợi ích cho các cơ sở sản xuất, đặc biệt là việc nâng cao trình độ quản lý và hiệu quả hoạt động. Cụ thể, các hệ thống quản lý như HACCP và ISO 22000 giúp kiểm soát chặt chẽ chất lượng từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Điều này giúp giảm thiểu chi phí, tiết kiệm nhân lực và nguyên liệu, đồng thời đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu lớn.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã thấy rõ hiệu quả từ việc áp dụng các chương trình quản lý chất lượng này. Điển hình như Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Quang Hưng, ở ấp 1, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, được Tổ chức Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAO đánh giá phù hợp với yêu cầu tiêu chuẩn Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo TCVN ISO 22000:2018 cho lĩnh vực chế biến rau quả đóng hộp.

Tương tự, Công ty Cổ phần Công nghệ Thực phẩm Sáng Tạo, ở phường Hiệp Thành, thành phố Ngã Bảy, cũng là một trong những cơ sở được Tổ chức Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAO đánh giá phù hợp với yêu cầu tiêu chuẩn Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN 5603:2023 (HACCP) đối với lĩnh vực sơ chế, chế biến và bao gói các sản phẩm từ mít… Với mục tiêu “Chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, luôn luôn làm hài lòng khách hàng”, Công ty Cổ phần Công nghệ Thực phẩm Sáng Tạo luôn nỗ lực không ngừng để cung cấp sản phẩm thực phẩm chất lượng cao, an toàn và đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng, các sản phẩm của công ty đều được xử lý kỹ càng với các công nghệ hiện đại và tuân thủ các quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây cũng là một trong những cơ sở, doanh nghiệp đã cải thiện hiệu quả kinh doanh và đang xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Ngoài sự hỗ trợ tài chính, doanh nghiệp còn được tư vấn chuyên môn từ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang) sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của mình. Ông Trương Đắc Nguyện – Quản lý Cơ sở sản xuất thực phẩm Huỳnh Đức, TP. Ngã Bảy cho biết: “Trong quá trình áp dụng hệ thống tiêu chuẩn HACCP cho cơ sở, ban đầu, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Tuy nhiên, sau khi được chi cục hỗ trợ tận tình về mặt hồ sơ, thủ tục pháp lý, chúng tôi cũng thực hiện dễ dàng hơn”.

Chi cục Trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Hậu Giang Lý Hùng Phương cho biết: “Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung tổ chức đào tạo chuyên gia là cán bộ, công chức của Sở Khoa học và Công nghệ, một số sở, ngành, đạt trình độ chuyên gia tư vấn về hệ thống quản lý chất lượng, năng suất chất lượng. Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo kiến thức về truy xuất nguồn gốc, các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO 9001, 14000, 22000, 50001, 17025, SA 8000, HACCP… cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”. Qua đó, nhằm nâng cao năng lực, hỗ trợ tốt cho quá trình thực hiện chương trình, giúp các doanh nghiệp tham gia đạt hiệu quả cao.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích