Hậu Giang: Đầu tư khai thác phát triển du lịch 03 tuyến đường thủy
(Xây dựng) – UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành Kế hoạch số 198/KH-UBND phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn tỉnh. Theo Kế hoạch này, Hậu Giang đầu tư phát triển du lịch 03 tuyến đường thủy: Tuyến du lịch kênh xáng Xà No; Tuyến sông Cái Côn gắn với chợ nổi Ngã Bảy; Tuyến gắn với sông nước miệt vườn, bảo tồn cảnh quan đặc trưng sông nước dọc sông Hậu.
Tuyến sông Cái Côn gắn với chợ nổi Ngã Bảy nhiều tiềm năng để phát triển và khai thác du lịch đường thủy. |
Mục đích nhằm khai thác và phát huy lợi thế về hệ thống sông ngòi, kênh rạch trên địa bàn tỉnh để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đường thủy, cung cấp cho thị trường sản phẩm du lịch mới, tăng trải nghiệm cho khách khi đến Hậu Giang. Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của du lịch đường thủy, hình thành dịch vụ, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến tỉnh Hậu Giang. Xây dựng các tuyến du lịch nội tỉnh và liên tỉnh; đầu tư hạ tầng, dịch vụ, điểm đến trên tuyến du lịch thủy nội địa, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị về văn hóa, lịch sử phục vụ phát triển du lịch, tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.
Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của du lịch đường thủy, hình thành dịch vụ, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến tỉnh Hậu Giang. Phấn đấu đến năm 2024 khai thác du lịch đường thủy tuyến kênh xáng Xà No; đầu tư xây dựng 01 bến tàu; bến hành khách trên tuyến sông Cái Côn gắn với chợ nổi Ngã Bảy; phát triển 02 tàu du lịch phục vụ khách du lịch. Phấn đấu giai đoạn 2025 – 2030 xây dựng 02 bến tàu trên tuyến kênh xáng Xà No và tuyến dọc sông Hậu, hình thành đội tàu phục vụ khách du lịch trên tuyến du lịch đường thủy; liên kết các tuyến du lịch đường thủy với các tỉnh, thành lân cận như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang…
Theo đó, đầu tư phát triển du lịch 03 tuyến đường thủy: Tuyến du lịch kênh xáng Xà No: Giai đoạn đầu khai thác tuyến du lịch kênh xáng Xà No trong nội ô thành phố Vị Thanh, với lộ trình: Bến xuất phát (bến trước Khách sạn Bông Sen) đi qua Di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Chương Thiện – Cầu Xà No – Trụ sở Tỉnh ủy – Cầu 30/4 – Cầu Đoàn Kết – Chợ Vị Thanh – đến Cầu Mười Thước tàu quay về bến xuất phát. Kết hợp tham quan các điểm trên tuyến du lịch kênh xáng Xà No như: Chợ Vị Thanh, di tích Chiến thắng Vàm Cái Sình, vùng khóm Cầu Đúc, vườn dâu Bé Hai, vườn dâu Má Ba, trải nghiệm trang trại sữa dê Ngọc Đào, nghỉ ngơi, vui chơi tại Homestay Mương Đình, các điểm du lịch sinh thái, vườn trái cây… Liên kết, khai thác các tour, tuyến du lịch đường thủy với thành phố Cần Thơ (chợ nổi Cái Răng, khu du lịch sinh thái Ông Đề, khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh…), Kiên Giang (Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc) gắn kết với các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện Châu thành A, huyện Vị Thủy và thành phố Vị Thanh. Mở rộng, kết nối tuyến Sài Gòn – Cà Mau (qua kênh Xà No); tuyến qua Rạch Giá (sông Cái Lớn đến ngã ba sông Cái Tư – kênh tắt Cây Trâm).
Tuyến sông Cái Côn gắn với chợ nổi Ngã Bảy: Kết hợp tham quan chợ nổi Ngã Bảy và các điểm du lịch trên tuyến như: Các vườn trái cây (vườn dâu Thiên Ân, vườn dâu Út Ngân, vườn dâu Phương Nghi, vườn trái cây Chín Hùng, vườn trái cây Bảy Liễu…), homestay Miệt Vườn, di tích Ủy ban Liên hợp đình chiến Nam bộ, khu du lịch sinh thái Mùa Xuân, khu sinh thái Ngã Bảy Sông Garden, nghề truyền thống đan lát… Kết nối tuyến Cần Thơ – Cà Mau (kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp), tuyến kênh xáng Sóc Trăng kết nối tỉnh Sóc Trăng…
Tuyến gắn với sông nước miệt vườn, bảo tồn cảnh quan đặc trưng sông nước dọc sông Hậu: Trên địa bàn tỉnh, có cảng Hậu Giang nằm ở Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành. Chức năng cảng là cầu cảng tổng hợp, được quy hoạch bờ trái luồng Định An – Cần Thơ, đoạn từ rạch Cái Cui đến rạch Cái Côn; phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh. Tận dụng lợi thế đường sông dọc sông Hậu và các nhánh nhỏ như sông Mái Dầm (với lòng sông rộng và thoáng, cảnh quan hai bên sông mang đậm tính chất dân dã, giản dị với nhiều rặng dừa nước dọc theo bờ sông, cây bần, lục bình) và Ngã Sáu để phát triển du lịch đường thủy. Phát triển dịch vụ tham quan hệ sinh thái sông nước, miệt vườn, trải nghiệm đời sống lao động, hoạt động hằng ngày của người nông dân, nông nghiệp xanh sạch và bền vững, tham quan nông trại, nghề truyền thống, di tích lịch sử,… Liên kết tuyến đường thủy với Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng.
Để thực hiện khai thác các tuyến du lịch đường sông này, Hậu Giang sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ các tuyến du lịch đường thủy, như: Đầu tư, nâng cấp bến thủy nội địa tại các địa phương: Thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, huyện Châu Thành A, huyện Châu Thành,… Xây dựng nhà chờ tại bến tàu, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, nơi xử lý rác thải… gắn kết với các bến hành khách, đồng thời bố trí phương tiện giao thông để trung chuyển đón khách du lịch đến bằng đường thủy. Chỉnh trang đô thị ven kênh, sông; trang trí, cải tạo cảnh quan dọc theo 2 bên bờ kênh xáng Xà No đoạn qua thành phố Vị Thanh, các dòng sông trên đoạn qua thành phố Ngã Bảy, dọc sông Hậu… Xây dựng hệ thống bờ kè các doi ở Ngã Bảy để phục vụ phát triển du lịch sông nước; nâng cấp công trình cầu tàu, bờ kè, các tàu mô hình tại điểm phục hồi chợ nổi Ngã Bảy; vận động các điểm du lịch miệt vườn xây dựng bến bãi đậu xe ôtô. Nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ kết nối với các bến tàu; xây dựng, mở rộng bến bãi đậu xe khách. Nạo vét một số tuyến đường thủy nội địa chính do tỉnh quản lý.
Đầu tư, xây dựng sản phẩm dịch vụ phục vụ du lịch trên các tuyến du lịch như: Đầu tư, nâng cấp, xây dựng các khu, điểm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng để kết hợp khai thác đưa vào các tour du lịch đường thủy. Kêu gọi đầu tư xây dựng phát triển một số công trình trọng điểm như: Đài quan sát 7 nhánh sông trên cao; phục dựng chợ nổi Ngã Bảy… Phát triển các câu lạc bộ đờn ca tài tử cho khách du lịch thưởng thức trên thuyền, tàu du lịch, tại các khu điểm du lịch dọc các tuyến du lịch đường thủy. Tôn tạo và phát huy các di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh để phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch. Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ như; đóng ghe xuồng, đan cần xé, nghề đan lục bình, dệt chiếu… tạo ấn tượng cho du khách. Triển khai thực hiện trưng bày sản phẩm OCOP tại các bến tàu phục vụ khách du lịch. Phát triển đội tàu, thuyền phục vụ nhu cầu tham quan trên sông; đảm bảo số lượng và chất lượng phương tiện tàu, thuyền du lịch đáp ứng được nhu cầu khách tham quan.
Dự kiến tổng vốn thực hiện 58,572 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước; nguồn xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Trong đó: Vốn đã cấp đang thực hiện là 30,732 tỷ đồng. Vốn lồng ghép sẽ thực hiện là 7,840 tỷ đồng. Vốn xã hội hoá là 07 tỷ đồng (trong đó đã kêu gọi được 2 tỷ đồng). Vốn cần được bổ sung từ nguồn đầu tư công giai đoạn 2026 – 2030 là 13 tỷ đồng.
Ông Stiermann Martin, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng RiceField Logde lái ca nô khảo sát tuyến du lịch kênh xáng Xà No. |
UBND tỉnh Hậu Giang giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện hàng năm. Triển khai công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn tỉnh. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh bổ sung bến tàu, bến khách vào quy hoạch tỉnh. Đề xuất đầu tư bến tàu, bến khách để phục vụ các tuyến du lịch đường thủy. Tham mưu UBND tỉnh triển khai các bến khách theo quy hoạch để tạo thuận lợi phát triển du lịch đường thủy. Cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa cho các phương tiện phục vụ người dân và du khách. Tăng cường kiểm tra, giám sát các phương tiện đường thủy hoạt động trên các tuyến sông nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch.
UBND huyện, thị xã, thành phố: Phối hợp các Sở, ngành triển khai thực hiện kế hoạch này; bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch đường thủy: Bến tàu, bến hành khách, nhà chờ, bãi đỗ xe, phương tiện trung chuyển… phục vụ khách đến các điểm tham quan trên địa bàn. Mời gọi xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn để phục vụ khách du lịch trên các tuyến du lịch đường thủy. Chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh thực hiện kết nối tour, tuyến du lịch đường thủy gắn với đường bộ. Tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa ứng xử của người dân địa phương đối với du khách; tăng cường quản lý điểm đến, đảm bảo cảnh quan, vệ sinh môi trường, an ninh an toàn cho khách du lịch…
Nguồn: Báo xây dựng