Hạt mè được nghiên cứu là “siêu thực phẩm” hỗ trợ kiểm soát đường huyết, mỡ máu

Hạt mè (Sesamum indicum L.) từ lâu đã được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm nhờ giá trị dinh dưỡng cao cùng nhiều đặc tính dược lý quý giá. Cây mè được trồng chủ yếu để lấy hạt, phổ biến tại các vùng khí hậu nhiệt đới ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ.

Dù có kích thước rất nhỏ, hạt mè lại là nguồn giàu protein, vitamin, khoáng chất và đặc biệt là các chất chống oxy hóa. Đáng chú ý, hạt mè chứa hai hợp chất thực vật nổi bật là lignan và phytosterol, được biết đến với khả năng hỗ trợ làm giảm cholesterol trong máu. Bên cạnh đó, phytosterol còn giúp tăng cường hệ miễn dịch và có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư.

Một hoạt chất khác được quan tâm là sesamol – chất có nhiều đặc tính dược lý như: chống oxy hóa, chống viêm, bảo vệ gan, chống lão hóa và ngăn ngừa tổn thương tế bào. Những đặc điểm này cho thấy hạt mè có thể góp phần phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh lý mạn tính, bao gồm cả ung thư.

Hạt mè rất tốt cho sức khỏe nên bổ sung thường xuyên. Ảnh minh họa

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng dầu hạt mè có thể cải thiện hiệu quả của thuốc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2. Khi được sử dụng thường xuyên, hạt mè còn giúp điều chỉnh lượng đường trong máu một cách tự nhiên. Đồng thời, hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào trong hạt mè cũng đóng vai trò trong việc cải thiện chỉ số đường huyết và giảm nguy cơ biến chứng liên quan.

Đáng chú ý, theo ghi nhận từ các nhà khoa học, hạt mè có hàm lượng phytosterol cao nhất trong số các loại hạt phổ biến tại Mỹ, với khoảng 400–413 mg phytosterol trên 100g hạt. Điều này giúp lignan và phytosterol trong mè phát huy thêm vai trò trong việc ổn định huyết áp và cải thiện chức năng tim mạch.

Một nghiên cứu mới đây nhất đã được công bố trên tạp chí Diabetes & Metabolic Syndrome: Clinical Research and Reviews – tạp chí y học chuyên ngành thuộc tổ chức Diabetes India (Ấn Độ). Kết quả nghiên cứu cho thấy việc bổ sung hạt mè có thể giúp giảm mỡ máu và ổn định đường huyết ở người mắc bệnh tiểu đường.

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm chuyên gia đến từ 6 trường đại học y khoa tại Iran, thông qua phương pháp đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp 13 nghiên cứu trước đó. Tổng cộng 731 bệnh nhân tiểu đường đã tham gia các thử nghiệm lâm sàng để đánh giá tác động của hạt mè đến các chỉ số sức khỏe như đường huyết, mỡ máu, tình trạng viêm và chức năng chống oxy hóa.

Trong các thử nghiệm, bệnh nhân được bổ sung hạt mè dưới nhiều hình thức khác nhau như dầu mè, mè nguyên hạt hoặc viên nang, với liều lượng dao động từ 200 đến 60.000 mg mỗi ngày. Thời gian theo dõi kéo dài từ 6 đến 12 tuần.

Kết quả phân tích cho thấy việc sử dụng hạt mè giúp cải thiện rõ rệt các yếu tố nguy cơ tim mạch ở người mắc tiểu đường. Cụ thể, tiêu thụ hạt mè giúp giảm đường huyết lúc đói, hạ chỉ số HbA1c (mức đường huyết trung bình), giảm đường huyết sau ăn, đồng thời làm giảm cholesterol xấu (LDL), cholesterol toàn phần và triglyceride. Ngoài ra, nồng độ enzyme chống oxy hóa trong cơ thể cũng tăng lên đáng kể.

Những cải thiện này đóng vai trò then chốt trong việc điều hòa đường huyết, cải thiện hồ sơ lipid máu và giảm stress oxy hóa – ba mục tiêu quan trọng trong kiểm soát bệnh tiểu đường và phòng ngừa các biến chứng tim mạch. Theo các chuyên gia, hạt mè hoàn toàn có tiềm năng trở thành một thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị tiểu đường nếu được bổ sung đúng cách và lâu dài.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng lưu ý rằng các lợi ích đạt được có thể giảm dần sau khi ngừng bổ sung hạt mè, do đó việc duy trì thói quen sử dụng trong thời gian dài là cần thiết để phát huy hiệu quả tối đa. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng hạt mè là một lựa chọn can thiệp dinh dưỡng an toàn, hiệu quả và dễ tiếp cận cho bệnh nhân tiểu đường, góp phần cải thiện các yếu tố nguy cơ liên quan đến tim mạch và chuyển hóa.

Tuy vậy, nhóm tác giả nhấn mạnh rằng cần có thêm các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn hơn để xác minh tác dụng và xây dựng hướng dẫn thực hành cụ thể. Đặc biệt, người bệnh vẫn cần kết hợp bổ sung mè với điều trị y tế, chế độ ăn uống cân đối và lối sống lành mạnh. Với những ai đang sử dụng thuốc điều trị tiểu đường hoặc thuốc hạ cholesterol, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi chế độ dinh dưỡng hoặc bổ sung thực phẩm chức năng có thành phần từ mè.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10908:2016 – Hạt giống vừng

Tiêu chuẩn này được ban hành bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, do Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Quốc gia biên soạn. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với hạt giống vừng các cấp như: giống tác giả, giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận, áp dụng cho việc sản xuất, kiểm định và đánh giá chất lượng hạt giống vừng tại Việt Nam.

Tiêu chuẩn áp dụng cho tất cả các giai đoạn trong quy trình sản xuất và kiểm nghiệm hạt giống vừng, từ ruộng sản xuất đến sản phẩm cuối cùng dùng làm giống.

Yêu cầu đối với ruộng sản xuất giống: Ruộng sản xuất giống phải được cách ly đảm bảo theo quy định; sạch cỏ dại và không lẫn các giống khác. Kiểm định ruộng được thực hiện tối thiểu hai lần, trong giai đoạn 50% cây ra hoa và trước thu hoạch 5–7 ngày. Độ thuần của ruộng giống yêu cầu đạt từ 99% đến 100%, tùy cấp giống.

Yêu cầu đối với hạt giống phải đạt độ sạch tối thiểu từ 97% đến 98%, tỷ lệ nảy mầm không dưới 70%, độ ẩm tối đa 8%. Hạt phải không có hạt lép, nấm mốc hay sâu bệnh.

Việc lấy mẫu và kiểm tra chất lượng hạt giống được thực hiện theo các tiêu chuẩn liên quan như TCVN 8547:2011 (kiểm định ruộng giống), TCVN 8548:2011 (kiểm nghiệm giống), TCVN 8550:2011 (kiểm tra độ thuần giống).

Với những quy định rõ ràng và thống nhất, TCVN 10908:2016 đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng giống vừng, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo năng suất và chất lượng nông sản trong ngành nông nghiệp Việt Nam.

Vân Thảo (Tổng hợp)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích