Hành trình gieo hương vào đất
“Hạt ngọc” tỏa hương trên đồng ruộng
Trong suy nghĩ của nhiều người Việt, hạt gạo không chỉ là lương thực mà còn kết tinh của trời đất, là “hạt ngọc trời” cô đọng mồ hôi công sức người nông dân đổ trên đồng ruộng. Nâng niu hạt gạo trắng trong như ngọc trong tay, ông Trần Văn Chính, xã Thọ An, huyện huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội không khỏi nghẹn ngào xúc động khi thành quả gieo trồng của ông đã cho ra những “hạt ngọc” mang đậm hương vị đồng quê như thế này.
Lúa ST25 được trồng trên ruộng nhà ông Trần Văn Chính, xã Thọ An, huyện huyện Đan Phượng |
Còn nhớ, vào cuối tháng 2, ruộng lúa của gia đình ông được Hội Nông dân chọn là ruộng lúa thí điểm trồng giống lúa ST25 cho vụ Xuân, ông vô cùng xúc động. Khi ấy, nhà ông đang trồng loại giống lúa J02, để chuyển đổi sang trồng ST25 ông cũng lo lắng lắm, không biết trồng rồi có thành công không, có được mùa không?
Nhưng rồi được sự tin tưởng và động viên của Hội Nông dân huyện, ông quyết định thử nghiệm giống lúa nổi tiếng này. Theo chủ trương của Hội Nông dân, lúa được trồng theo phương pháp hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học, hạn chế tối đa thuốc trừ sâu, điều đó giúp cho ông Chính có quyết tâm hơn bởi nó mang lợi ích cho đồng ruộng và có ích cho môi trường, khi trồng ra sản phẩm gạo cũng sẽ là loại gạo “sạch” và ngon nhất.
Từ những ngày đầu gieo giống xuống mảnh ruộng thân quen của gia đình, ông ngày nào cũng nhìn những cây lúa trổ đồng, lớn lên từng ngày. Khi cây lúa lên cao, xanh mơn mởn, cho ra những bông vàng nặng trĩu, trong lòng ông Chính cũng như bà con xã Thọ An thật sự mừng vui.
Cầm những hạt gạo đầu tiên trong tay, ông không khỏi xúc động bồi hồi. Vậy là đã thành công rồi! hạt gạo trắng, trong, nấu lên thơm phức, đậm đà khác hẳn những loại gạo mà ông đã dùng, đã thế, việc canh tác cũng chẳng vất vả hơn canh tác những giống lúa khác, năng suất lại cao.
Qua khảo nghiệm cho thấy, giống lúa cho năng suất cao, chất lượng vượt trội, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của huyện. |
Những thành quả đạt được ngay lần đầu thử nghiệm đã khiến cho người dân xã Thọ An và huyện Đan Phượng ngập tràn hy vọng về sự sinh sôi nảy nở của một giống lúa mới, thơm ngon, và đặc biệt là “sạch”. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Chính, chi phí cho trồng lúa ST25 hữu cơ lại cao hơn phương pháp thâm canh mà bà con từ trước đến nay vẫn làm. Nói hộ tiếng lòng của bà con nông dân, ông Chính mong muốn huyện sẽ có những biện pháp tiếp tục hỗ trợ nông dân về vật tư, giống, nguồn phân bón hữu cơ… và tìm ra các biện pháp hữu hiệu làm giảm giá thành sản xuất, có như vậy bà con mới yên tâm canh tác, mang hương lúa mới tới đồng ruộng của mình.
Năm 2019 gạo ST25 được bầu chọn là loại gạo ngon nhất thế giới tại Manila; Năm 2020 gạo ST25 đạt giải Á quân gạo ngon nhất thế giới được tổ chức ở Mỹ; Năm 2017 gạo ST24 được bầu chọn trong Top 3 loại gạo ngon nhất thế giới tại Ma Cao. |
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Văn Vui – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ An cho biết, qua khảo sát của Hội Nông dân thì ST25 là giống lúa dễ chăm sóc, không có bệnh, lá lại xanh, cây cứng, bông trỗ, làn mau, hạt nhỏ, cho năng suất cao tương đương với các giống lúa khác.
Theo sự đánh giá của bà con thì gạo ST25 ăn có mùi thơm, đậm, dẻo, nấu cơm xong để đến sáng hôm sau độ dẻo vẫn còn được giữ nguyên. Đặc biệt, giá trị kinh tế của ST25 lại cao gấp 1,5 – 2 lần so với các loại gạo khác. Ông Vui hy vọng trong thời gian tới, các cấp ngành sẽ nghiên cứu đầu ra cho bà con để bà con yên tâm đầu tư chuyển đổi trồng lúa, bởi hiện nay chi phí sản xuất ST25 theo hướng hữu cơ tương đối cao so với giống lúa truyền thống mà bà con đang canh tác.
Những giấc mơ xa hơn từ cây lúa
Đan Phượng là huyện thuần nông, hầu hết người dân sống bằng nghề nông nghiệp, trong đó cấy lúa là cây lương thực chủ yếu. Những năm gần đây, huyện đã vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị cao phát triển nông nghiệp theo 4 trụ cột “Nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường hướng an toàn theo chuỗi giá trị”.
Theo dõi một số chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển cây lúa trong vụ Xuân 2021 của huyện Đan Phượng |
Theo ông Thiều Văn Son – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng, để giúp bà con nông dân tiếp cận với những giống lúa mới, giống cao sản có tiềm năng năng xuất cao và đặc biệt là chất lượng cao đáp ứng được bữa ăn hàng ngày cũng như nhu cầu của thị trường hàng hóa hiện nay, Hội Nông dân huyện thường xuyên phối hợp các ngành chức năng, các vụ, viện, công ty, trung tâm thuộc lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài huyện có các chương trình hợp tác với các đơn vị cung ứng giống nhằm tìm ra những giống lúa thích nghi với điều kiện và phong tục ở địa phương.
“Thực hiện chương trình công tác của Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện năm 2021, vụ lúa Xuân năm 2021, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Công ty Hoàng Giang, Công ty phân bón lá A2 xây dựng mô hình trình diễn giống lúa chất lượng cao ST25 không sử dụng hóa chất chăm sóc cho cây lúa, chỉ dùng chế phẩm sinh học hữu cơ, thuốc trừ sâu thảo mộc Anisat, thuốc trừ mầm cỏ và phân bón lá A2. Cùng với đó là xây dựng quy trình, sổ nhật ký để hướng dẫn cho hộ nông dân chăm sóc cho cây lúa từ khâu ngâm ủ giống, gieo trồng đến khi thu hoạch với mục tiêu sản xuất “sạch” cho môi trường và sản phẩm nông sản an toàn”, ông Thiều Văn Son cho biết.
ST25 cho ra gạo tốt, hạt gạo dài, trắng ,trong, cơm ăn ngon, đậm mềm |
Ngày 17/6, Hội đồng đánh giá chất lượng năng suất của giống ST25 tại thực địa gồm Thường trực Hội Nông dân, lãnh đạo phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông huyện; Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Hợp tác xã… và một số bà con đã tiến hành các bước theo quy trình thống kê, đánh giá năng suất của cây trồng; kết quả cho thấy lúa ST25 trồng tại xã Thọ An năng suất đạt 230 kg/1 sào bắc bộ và đạt 63,3 tạ/ha.
“ST25 có tỷ lệ nảy mầm cao đạt trên 94,3%, lúa phát triển khỏe và đẻ nhánh tập trung, giai đoạn phân hoá đòng cho lá đòng đứng, long mo và sạch bệnh. Qua theo dõi cho thấy thời gian sinh trưởng ST25 là 123 ngày; đẻ nhánh khỏe, đẻ gọn, tập trung do đó mật độ khoảng 40-42 khóm/m2, thích hợp với điều kiện thâm canh cao, có kiểu hình gọn đẹp. Giống ST25 có màu sắc lá đòng bền màu xanh sáng kháng bệnh bạc lá; có thời gian sinh trưởng ngắn ngày hơn các giống lúa đối chứng như J02, Bắc thơm, Khang dân. Tính chống chịu với điều kiện ngoại cảnh khá; giống lúa này có tiềm năng, năng suất trung bình từ 63,3 – 70 tạ/ha. ST25 giống thơm chất lượng gạo tốt, hạt gạo dài trắng trong, cơm ăn ngon, đậm, mềm, loại gạo đặc sản, giá cao hiện đang được thị trường trong và xuất khẩu nước ngoài ưa chuộng tiêu thụ”, ông Thiều Văn Son tự hào cho biết.
Tuy nhiên, cũng như ông Trần Văn Chính là hộ nông dân trực tiếp trồng lúa, ông Thiều Văn Son cũng cho rằng, chi phí sản xuất hiện tại là khá cao. Để động viên bà con tiếp tục nhân rộng mô hình trồng ST25, cần có sự hỗ trợ về giống, vật tư, nguồn lực… và thậm chí là nghiên cứu đầu ra kinh tế.
“Kết quả đã cho thấy Đan Phượng có thể trồng được giống lúa ST25 và có tiềm năng hơn nữa, tuy nhiên, người nông dân cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền hỗ trợ nguồn lực, giống, vật tư cho bà con và sự vào cuộc của hệ thống chính trị để tuyên truyền vận động nông dân đưa giống mới vào sản xuất, nâng cao cuộc sống. Đặc biệt, Đan Phượng hoàn toàn có khả năng sản xuất được lúa giống ST25 cung cấp ra thị trường, tăng giá trị kinh tế nông nghiệp cho bà con”, ông Son khẳng định.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Phương Thiều Văn Son: “Sản xuất hữu cơ không làm hại đất canh tác, làm cho đất đai có thể phục vụ canh tác lâu dài; dùng chế phẩm sinh học thuốc sâu thảo mộc giúp người nông dân sản xuất không phải tiếp xúc với các cất nguy hiểm độc hại cho sức khỏe của chính mình. Sản phẩm sạch sản xuất từ canh tác hữu cơ sẽ ngày càng có giá trị cao và dễ tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước”. |
Bảo Thoa
Nguồn: Báo lao động thủ đô