Hàng loạt sai phạm liên quan đến các Dự án chăn nuôi tại Gia Lai
Nhiều Dự án trang trại chăn nuôi tại Gia Lai được đầu tư ngàn tỷ đồng vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm môi trường và không đóng góp nhiều thuế cho địa phương.
Ngày 4/4, theo nguồn tin của Báo Công Thương cho biết, sau thời gian tiến hành kiểm tra các Dự án chăn nuôi trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của UBND tỉnh, đến nay Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai đã có báo cáo kết quả kiểm tra, phát hiện hàng loạt vi phạm.
Đổ xô xin chủ trương đầu tư dự án chăn nuôi
Để tìm hiểu thực tế về thực trạng này, chúng tôi đã hỏi thăm một số doanh nghiệp đầu tư về lĩnh vực chăn nuôi tại tỉnh Gia Lai và được biết, các tỉnh ở khu vực miền Trung rất hạn chế cấp phép cho các dự án chăn nuôi. Nguyên nhân chính thiếu quỹ đất cộng với lo ngại ô nhiễm môi trường từ việc chăn nuôi heo, bò.
Trang trại bò sữa NutiMilk nằm sâu trong rừng cỏ thuộc xã Đăk Yă (Mang Yang, Gia Lai). Ảnh: Phúc Lâm |
Riêng các tỉnh Tây Nguyên, có quỹ đất lớn, giá thuê đất rẻ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã đổ xô lên các tỉnh Tây Nguyên xin chủ trương đầu tư các dự án chăn nuôi có mức đầu tư lên đến cả ngàn tỷ đồng, có quy mô chuồng trại lớn và cam kết thực hiện dự án áp dụng công nghệ chăn nuôi hiện đại, ít ảnh hưởng đến môi trường.
Tại tỉnh Gia Lai, hiện có 46 Dự án chăn nuôi đã được UBND tỉnh phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó, 16 Dự án đã hoạt động (quy mô: 43.300 con bò, 148.500 con heo nái và 550.000 con heo thịt); 13 Dự án đang xây dựng; 17 Dự án chưa xây dựng.
Ngoài ra, có 58 Dự án được UBND tỉnh cho chủ trương khảo sát, nghiên cứu.
Trang trại bò sữa NutiMilk nằm sâu trong rừng cỏ thuộc xã Đăk Yă (Mang Yang, Gia Lai). Ảnh: Phúc Lâm |
Kiểm tra, phát hiện hàng loạt sai phạm tại các Dự án
Nhằm tránh việc lợi dụng các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, cũng như không thực hiện đúng cam kết trong đầu tư như đóng thuế, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, không ảnh hưởng đến môi trường…
UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành công văn số 1810 yêu cầu thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Sở Kế hoạch – Đầu tư, Tài nguyên – Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Khoa học – Công nghệ và Cục thuế tỉnh tiến hành kiểm tra các dự án trang trại chăn nuôi ở địa bàn.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Đoàn liên ngành thực hiện trọng tâm việc kiểm tra gồm: hiệu quả các dự án, đóng góp cho địa phương; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính; bảo vệ môi trường; chuyển nhượng (cho thuê lại) nếu có…
Dự án trang trại chăn nuôi heo của Tập đoàn Trung Tây Nguyên đang triển khai xây dựng tại huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Phúc Lâm |
Qua kiểm tra thực tế 46 Dự án chăn nuôi được UBND tỉnh phê duyệt Quyết định đầu tư, Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện hàng loạt sai phạm trong hoạt động đầu tư, xây dựng các dự án.
Có 16 dự án chậm tiến độ, chậm hoàn thành theo tiến độ đã đươc phê duyệt chủ trương đầu tư; Một số dự án chưa thực hiện ký quỹ để đảm bảo thực hiện theo nội dung thoả thuận với cơ quan chức năng, không tuân thủ quy định Luật Đầu tư; Sau khi xây dựng hoàn thành trang trại chăn nuôi, chủ đầu tư không trực tiếp sản xuất mà cho thuê lại trang trại.
8/16 dự án đã đi vào hoạt động, 01/13 dự án đang triển khai xây dựng chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất theo quy định Luật Đất đai.
Một số dự án đã đi vào hoạt động tuy nhiên chưa được cấp phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Điển hình như dự án chăn nuôi ở các xã Ia Lâu, Ia Mơ, Ia Piơr (huyện Chư Prông); xã Pờ Tó (huyện Ia Pa), sẽ phát sinh mùi hôi và lượng nước thải lớn nếu không giải quyết triệt để và tuân thủ đánh giá tác động môi trường sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của người dân gần khu vực trang trại.
Bên cạnh đó, phần lớn các dự án đều thực hiện chưa đảm bảo và đầy đủ các quy định ở lĩnh vực nông nghiệp, thuế, công nghệ, xây dựng.
Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra, các dự án phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế của địa phương, đã nộp ngân sách Nhà nước 17 tỷ đồng (tiền thuê đất, thuế, lệ phí, môn bài…). Sử dụng lao động địa phương là 1.505 người (40-80 lao động/ dự án). Các dự án thực hiện an sinh xã hội (ủng hộ xây đường giao thông, cầu, cống… với số tiền 10,9 tỷ đồng).
Nhưng theo đánh giá của một cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai thì: “Nguồn thuế mà các dự án nộp vào ngân sách nhà nước (17 tỷ đồng) là èo uột, quá ít. Nguồn lợi mà các dự án đem lại cho địa phương chỉ là giải quyết nguồn lao động tại chỗ.”
Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi ở Gia Lai, chia sẻ: Hầu hết các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi (heo, bò) trên địa bàn tỉnh, chủ yếu tập trung chăn nuôi rồi xuất bán vào lò mổ các tỉnh miền Trung hoặc các tỉnh thành khác trong khu vực.
“Đồng nghĩa với việc thành phẩm làm ra từ thịt gia súc, gia cầm được đưa hệ thống các siêu thị tại các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi…, nguồn thuế họ đóng cho các tỉnh dưới đó. Trong khi Gia Lai không được hưởng nguồn thuế nào lớn, chưa kể đối diện nạn ô nhiễm môi trường.”- Doanh nghiệp này phân tích thêm.
Trang trại heo của Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai. Ảnh: Phúc Lâm |
Từ những hạn chế, tồn tại trên, Đoàn liên ngành tỉnh này kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai không kêu gọi đầu tư các dự án chăn nuôi (có quy mô nhỏ) có nguồn gốc đất do nhà nước quản lý.
Ưu tiên kêu gọi các dự án quy mô lớn, tập trung, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, không ảnh hưởng đến môi trường. Kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ tập trung và chế biến các sản phẩm chăn nuôi, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến.
Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh, xem xét việc tạm dừng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính về đầu tư các dự án chăn nuôi (ngoài các dự án đã được Sở KH&ĐT tiếp nhận).
Nguồn: Báo xây dựng