Hàng loạt dự án bất động sản “hồi sinh“ nhờ các dự án hạ tầng

Đường đi qua, giá nhà tăng chóng mặt

Trước đây 3 năm, rất khó khăn để định vị được Khu đô thị Vân Canh HUD, bởi nó khuất sâu trong con đường tỉnh nhỏ, 2 làn xe, quanh năm khói bụi mù mịt với hàng nghìn lượt xe container chạy qua mỗi ngày.

Nhưng kể từ khi đoạn đường 70 mới với 8 làn xe từ ngã tư Nhổn giao QL32 đến ngã tư Trần Hữu Dực hoàn thiện (tháng 4/2019) dẫn thẳng vào dự án, giá những căn nhà rêu mốc, sét gỉ ở đây bắt đầu “phi nước đại”: Một căn biệt thự rộng 260m2 nằm tại mặt đường, thời điểm năm 2019 có mức giá khoảng 42 triệu đồng/m2 nay tăng lên 78 triệu đồng/m2 (tăng 85%), tổng giá bàn giao thô 20,2 tỷ đồng. Những căn nằm ở mặt đường 17,5m giá dao động từ 60 – 85 triệu đồng/m2. Còn các căn biệt thự liền kề nằm ở mặt đường 30m giá từ 100 – 130 triệu đồng/m2.

lien-ke-van-canh-hud
Những dự án cũ như Khu đô thị Vân Canh HUD có sự thay đổi về giá theo chiều hướng tích cực

Lý giải về sự tăng giá đột biến, anh Trần Văn Phong, một nhân viên môi giới cho biết, thông tin huyện Hoài Đức lên quận đã làm cho mức giá thay đổi chóng mặt.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây việc xây dựng hạ tầng mạnh mẽ ở khu vực này như đường Vành đai 3.5 kết nối khu vực Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì và dự án nối dài đường Trần Hữu Dực với Phạm Hùng khiến việc kết nối Khu đô thị Vân Canh và vùng trung tâm được rút ngắn quãng đường, thời gian.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, người mua nhà tại Hinode Royal Park, Hoài Đức chia sẻ, anh đặt mua 3 lô ở dự án này cách đây gần chục năm, giá lúc đó khoảng 50 triệu đồng/m2. Thời gian chậm tiến độ lâu, hàng chục tỷ nằm bất động. Nhiều lúc nản đã muốn bán tháo, nhưng không ngờ từ giữa năm 2020 đến nay dự án tái khởi động, rầm rầm tăng giá. 3 lô đất của anh đã có khách xem và trả giá 65 triệu đồng/m2 nhưng anh không bán vì dự tính giá còn tăng nữa. Tương tự, trên địa bàn quận Hà Đông, cơn sốt đất phía Tây Hà Nội những năm qua kéo theo giá nhà liền kề, biệt thự tại khu vực này tăng dựng đứng.

Theo anh Phạm Văn Cường, trưởng phòng giao dịch của một công ty bất động sản ở Hà Đông, tại Khu đô thị Dương Nội, từ năm 2018 tới nay, giá bất động sản khu vực này trung bình mỗi năm tăng đều từ 25 – 30%.

Ba năm trước giá biệt thự, nhà liền kề ở mặt đường 27m có giá khoảng 55 – 65 triệu đồng/m2, còn ở mặt đường rộng 17,5m có mức giá khoảng 43 – 50 triệu đồng/m2. Đến thời điểm hiện tại, mức giá các căn ở đường 27m là từ 100 – 120 triệu đồng/m2, ở mặt đường 17,5m có giá dao động từ 75 – 90 triệu đồng/m2…

Anh Cường đánh giá, quá trình hình thành tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài nối từ Đại lộ Thăng Long đến Vành đai 4 với 6 làn xe đã kéo theo giá của các căn biệt thự, liền kề tăng cao.

Ngoài những tuyến đường quy hoạch, đang xây dựng kích cầu dự án mới, nhiều tuyến đường nội đô đã hoàn thiện như Trần Duy Hưng, Duy Tân, quận Cầu Giấy cũng đã đẩy bất động sản dân cư lên một mặt bằng giá mới.

Dự án mới được “lên hương”

Bên cạnh những dự án cũ, một số dự án mới nằm ở mặt đường 70 cũng ghi nhận tặng giá 45%. Anh Phạm Đức Hùng (một người dân ở dự án Hateco 6, quận Nam Từ Liêm) cho hay, vào thời điểm giữa năm 2017, anh mua căn chung cư khoảng 50m2, giá cả thuế 1,1 tỷ đồng. Giữa năm 2019 anh nhận bàn giao, đến nay đã tăng giá lên 1,5 t đồng.

hateco-6
Một số dự án như Hateco 6 cũng được tăng giá nhờ những dự án hạ tầng mới

Các dự án ở vùng ngoại thành, trước đây không được nhiều người quan tâm do hạ tầng còn chưa được đầu tư. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, do có quy hoạch, hạ tầng đầu tư và các tuyến đường mới mọc lên nên thúc đẩy người dân ra ngoại thành rất nhiều.

Chị Bùi Thị Thúy (36 tuổi, ở chung cư Gemek1, An Khánh, Hoài Đức) chia sẻ, gia đình chị mua nhà từ năm 2015 nhưng đến đầu năm 2016 mới về ở. Những ngày đầu đi làm trong nội thành về không dám về muộn, bởi đường rất vắng vẻ và heo hút. Tuy nhiên, đi nhiều và do tài chính ít nên đành phải chấp nhận.

Cùng trên địa bàn huyện Hoài Đức, đường vành đai 3.5 nối từ QL32 đến Đại lộ Thăng Long dài 7km với 6 làn xe, hiện nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chưa thông tuyến nhưng thời gian qua, hàng loạt dự án gần kề “ngủ đông” bấy lâu nay chắc chắn sẽ được đánh thức.

Ông Nguyễn Văn Đính – Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản nhận định, hàng loạt dự án hạ tầng được hoàn thành, sẽ tiếp tục cải thiện diện mạo đô thị, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản Thủ đô.

Diện mạo đô thị tiếp tục “thay da đổi thịt”

Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều dự án bất động sản được hồi sinh và khởi sắc nhờ hạ tầng.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, những năm qua, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn thành phố đã có chuyển biến tích cực. Hàng loạt dự án có quy mô lớn đã được hoàn thành: Ðường Lê Trọng Tấn (Hà Ðông) – một đoạn tuyến của đường Vành đai 3,5; đường Phúc La – Văn Phú (Hà Ðông); đường Vành đai 2 (đoạn Nhật Tân – Cầu Giấy); đường Tố Hữu; nút giao trung tâm quận Long Biên; tuyến đường Hà Nội – Hưng Yên (kết nối Khu đô thị Ecopark với đường Vành đai 3); tuyến đường từ đường Lê Ðức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương, Nam Từ Liêm; Bến xe khách Yên Nghĩa…

Theo ông Viện, Sở đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, danh mục đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn này của TP. Hà Nội sẽ có khoảng 460 dự án; Tổng nhu cầu vốn đầu tư các dự án này lên đến hơn 332 nghìn tỷ đồng.

Các chuyên gia bất động sản nhận định, hàng loạt dự án hạ tầng này được hoàn thành, sẽ tiếp tục cải thiện diện mạo đô thị, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản Thủ đô.

Theo nhận định của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, kể từ năm 2014 đến nay, thị trường bất động sản thứ cấp ổn định và tăng trưởng tốt, bình quân tăng trên 10%/năm, nhiều dự án tốt có thể tăng trên 20%/năm. Bất động sản cao cấp cũng tăng mạnh trong 2 năm trở lại đây.

Còn theo Bộ Xây dựng, chỉ tính quý II năm nay, giá giao dịch căn hộ chung cư bình quân, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM tăng khoảng 5 – 7% so với quý trước.

Đất nền sau thời gian tăng “phi mã” 20 – 30% quý I, sang quý II đã “hạ nhiệt”. Giá nhà ở riêng lẻ tăng bình quân khoảng 13% trong cả 2 quý; lượng giao dịch tăng 120% so với thời điểm cuối năm 2020.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) khẳng định, hạ tầng giao thông là “bà đỡ”, là điều kiện tiên quyết, nền tảng phát triển đô thị, khu công nghiệp, dân cư, nhà ở.

Cũng theo ông Châu, ở Việt Nam, hạ tầng giao thông có nhiều loại hình, trong đó, giao thông đường bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định trong phát triển đô thị và thị trường bất động sản.

“Đường sắt, đặc biệt là đường sắt cao tốc có vai trò lớn trong phát triển đô thị, khu dân cư. Nếu có đường cao tốc với vận tốc 300km/h, thì những cư dân ở Vinh, Thanh Hóa có thể sáng ra Hà Nội làm, tối về, vừa đảm bảo công việc vừa phát triển kinh tế, cải thiện mức thu nhập, đời sống ở địa phương. Thế nhưng đường sắt hiện chưa đáp ứng được, do vậy đường bộ vẫn đang là nhân tố quyết định”, ông Châu phân tích.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích