Hàng loạt cây xanh nhô rễ, tiềm ẩn nguy hiểm vào mùa mưa bão

(Xây dựng) – Sau cải tạo vỉa hè, hàng loạt cây xanh tại phố Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhô nguyên bộ rễ khỏi mặt đất hàng chục cm, khiến người dân trong khu vực sống trong tình trạng lo lắng, bất an trước nguy cơ gãy đổ trong mùa mưa bão.

Hàng loạt cây xanh nhô rễ, tiềm ẩn nguy hiểm vào mùa mưa bão
Dù mới được cải tạo vỉa hè nửa năm nhưng hàng loạt cây xanh dọc đường Mễ Trì đang bị biến dạng do lớp đất đá và trồi cao rễ lên so với vỉa hè.

Ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, dọc theo phố Mễ Trì dài khoảng hơn 1km, hàng loạt cây xanh với bộ gốc và rễ nhô cao so với phần vỉa hè vừa được cải tạo. Đặc biệt, nhiều cây cổ thụ lâu năm có bộ rễ lớn nhô cao từ 10 đến 20cm, gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ gãy đổ trong mùa mưa bão.

Hàng loạt cây xanh nhô rễ, tiềm ẩn nguy hiểm vào mùa mưa bão
Qua quan sát bằng mắt thường có thể thấy, hàng loạt cây có bộ rễ nằm cao hơn vỉa hè từ 10-20cm.

Chia sẻ với phóng viên, ông Q.H, bảo vệ một cửa hàng trên phố Mễ Trì cho biết, tình trạng này bắt đầu xuất hiện từ khi tiến hành thi công lát đá vỉa hè. Đến khi hoàn thành việc thi công, nhiều gốc cây trồi hẳn lên mặt đất, gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân. “Trước đây, tôi thường ngồi dưới bóng cây để trông xe. Nhưng từ khi vỉa hè được lát lại, rễ cây trồi lên nhiều, tôi không dám ngồi dưới gốc cây nữa vì sợ cây đổ. Cảnh tượng này thật sự đáng lo ngại,” ông H. chia sẻ.

Hàng loạt cây xanh nhô rễ, tiềm ẩn nguy hiểm vào mùa mưa bão
Rễ cây nhô cao, không bám sâu xuống lòng đất sẽ dễ xảy ra tình trạng gãy, đổ cây, đặc biệt vào những ngày mưa lớn.

Theo phản ánh của nhiều người dân sinh sống tại phố Mễ Trì, nguyên nhân khiến cây trồi rễ là do quá trình thi công lát đá vỉa hè vào đầu năm 2024. Trong quá trình cải tạo, phần đất xung quanh cây đã bị đào xới, dẫn đến nhiều cây bị đứt rễ và gốc cây lộ thiên trong nhiều ngày. Khi hoàn thành việc thi công, nền đất trở nên cứng như đá, cộng với sự hiện diện của nhiều gạch và sỏi, cùng với việc trồng lại cây một cách cẩu thả, đã khiến cho rễ cây khó lòng đâm sâu xuống lòng đất; bộ rễ chỉ quanh quẩn trong một hố nhỏ khoảng 1m2.

Hàng loạt cây xanh nhô rễ, tiềm ẩn nguy hiểm vào mùa mưa bão
Nhiều gốc cây bị bám các mảng bê tông, sỏi, đá… thậm chí trở thành nơi xả rác của người dân.

Ông N.T, một cư dân sống gần khu vực bày tỏ: “Việc cải tạo ảnh hưởng nhiều chứ, vì đây cây đã bị nhô gốc rễ lên hết rồi. Sau khi cải tạo vỉa hè, nếu thực hiện đúng quy trình, cần dọn dẹp toàn bộ rác thải và bổ sung đất mới để cây có thể phát triển tốt. Như vậy, cây sẽ đẹp hơn thay vì để hiện trạng như thế này”.

Hàng loạt cây xanh nhô rễ, tiềm ẩn nguy hiểm vào mùa mưa bão
Một số ít cây được chống bằng những thanh gỗ sơ sài.

Các hộ dân sống trên phố Mễ Trì và những người đi đường luôn cảm thấy bất an và lo sợ trước hình ảnh gốc cây trồi lên mặt đất. Anh T.P, shipper giao hàng tại khu vực này chia sẻ: “Tôi rất lo lắng mỗi khi đi qua những cây xanh này, vì không biết chúng có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Vì vậy, tôi mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp khắc phục tình trạng này”.

Hàng loạt cây xanh nhô rễ, tiềm ẩn nguy hiểm vào mùa mưa bão
Đáng nói, những gốc cây cổ thụ trồi lên cao mặt đất thì lại không có giá chống đỡ khiến người đi đường lo lắng mất an toàn nếu có sự cố xảy ra.

Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS. Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị, trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, việc rễ cây nhô cao trên phố Mễ Trì sau khi cải tạo vỉa hè chủ yếu do hai nguyên nhân: Thứ nhất, việc hạ thấp bo bồn trồng cây so với mặt vỉa hè mới khiến rễ cây bị lộ ra. Thứ hai, việc hạ thấp mặt vỉa hè cũng góp phần làm lộ rễ cây. Việc rễ cây bị lộ ra ngoài không chỉ gây mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cây. Rễ cây sẽ khó hấp thụ nước và dinh dưỡng, dễ bị khô héo và chết. Đặc biệt, phần cổ rễ – bộ phận quan trọng giúp vận chuyển chất dinh dưỡng từ rễ lên thân – sẽ bị tổn thương, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn bộ cây.

Hàng loạt cây xanh nhô rễ, tiềm ẩn nguy hiểm vào mùa mưa bão
Sau khi cải tạo, vỉa hè khang trang và sạch đẹp thế nhưng nhiều cây xanh lại có phần gốc nằm “lộ thiên”

Để khắc phục tình trạng này, PGS.TS. Đặng Văn Hà đề xuất các giải pháp: Trước mắt cần chú ý đến công tác cắt tỉa cành để cây có tán cân đối, giảm tác động của mưa, gió lớn và cũng là để giảm bớt sự bốc hơi nước của tán lá khi khả năng hút nước từ hệ rễ cây đang bị ảnh hưởng. Về lâu dài, nên cải tạo ô đất trồng cây nhằm kích thích sự phát triển của rễ mới, cải thiện độ tơi xốp của tầng đất mặt, mở rộng diện tích ô đất và bảo vệ gốc cây bằng dây chăng. Đồng thời, cần chú ý đến mỹ quan chung của khu vực để đảm bảo sự hài hòa và thẩm mỹ.

Cũng theo vị chuyên gia này, để bảo vệ và duy trì cây xanh đô thị trong các dự án cải tạo hạ tầng, cần các giải pháp kỹ thuật và chính sách cụ thể. Về kỹ thuật, các dự án phải kết hợp đồng bộ giữa thiết kế hạ tầng và bảo vệ cây xanh, với yêu cầu chuyên môn cao. Hiện nay, việc thiết kế cây xanh đô thị thường do người không chuyên thực hiện, dẫn đến nhiều vấn đề. Về chính sách, cần xây dựng một chính sách tổng thể về cây xanh đô thị, bao gồm việc làm rõ thuật ngữ chuyên môn, phân công trách nhiệm, quy định về năng lực chuyên môn, quy trình kỹ thuật và các tiêu chuẩn thiết kế và giám sát. Các chính sách này nên được xây dựng dựa trên sự tham vấn của các chuyên gia có kinh nghiệm và chuyên môn sâu trong lĩnh vực này.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích