Hàng chục hộ gia đình ở Thanh Hóa trắng tay sau vụ vỡ “hụi” chục tỷ đồng

Hàng chục hộ gia đình ở Thanh Hóa trắng tay sau vụ vỡ “hụi” chục tỷ đồng

Hàng chục người dân đã kéo đến trước cổng nhà bà Cao Thị Dung (SN 1970) ở thôn Nam Hạc, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) để đòi lại tiền đóng “hụi”. Căn nhà cửa đóng then cài, chủ nhà đã rời khỏi địa phương hơn một tháng nay.

Ông Nguyễn Viết Ngoạn, 64
tuổi ngụ thôn Nam Hạc, đại diện cho các hộ gia đình được xem là nạn nhân của vụ
vỡ “hụi” bức xúc cho biết, từ nhiều năm nay, bà Cao Thị Dung đứng ra làm chủ
“hụi”, huy động mọi người tham gia đóng tiền hàng tháng.

Người dân kéo đến cổng nhà bà Cao Thị Dung đòi lại tiền đóng “hụi”

Ông Ngoạn nói có rất nhiều
người là nạn nhân của vụ vỡ “hụi” nhưng không đứng đơn tố cáo. “Con số chính
xác tôi không nắm được nhưng ở địa phương có khoảng hơn 30 người đóng họ và cho
bà Dung vay tiền hiện chưa lấy lại được. Hộ gia đình nhiều nhất mất hơn 1 tỷ,
còn lại từ vài chục đến vài trăm triệu”, ông Ngoạn cho biết.

Bản thân gia đình
ông Ngoạn có 300 triệu chưa thể đòi lại được từ bà Dung.

Ông Nguyễn Viết Ngoạn cho biết, gia đình có 300 triệu chưa thể đòi lại được từ bà Cao Thị Dung

Bà Cao Thị May, 60 tuổi (em
con dì với bà Dung) cho biết đã đóng 770 triệu đồng, giờ không biết có lấy lại
được hay không vì chủ hụi đã tuyên bố phá sản. Số tiền gom góp nhiều năm từ làm
ruộng, chạy chợ của mình, làm thợ xây của chồng giờ có nguy cơ mất trắng, bà
May ân hận vì đã tin tưởng gửi tiền vào người nhà.

“Khổ nhất là bây giờ không
dám ngồi ăn cơm cùng chồng vì bị la mắng. Tôi chỉ mong nhận lại được tiền gốc
là tốt rồi”, bà Mây khóc lóc.

Cụ bà 95 tuổi, một trong những nạn nhân vụ vỡ “hụi”

Cá biệt có trường hợp như bà
Lường Thị Dưỡng, 95 tuổi cũng dính vào vụ vỡ “hụi” ở xã Hoằng Phong. Gần 30
triệu tiền tiết kiệm tích góp dưỡng già của bà nay rơi vào tình cảnh nợ khó
đòi.

Trong đơn gửi cơ quan chức
năng, người dân xã Hoằng Phong cho biết, đa số các trường hợp đóng họ cho bà
Cao Thị Dung đều là phụ nữ, người cao tuổi. Nguồn tiền đến từ lương công nhân,
công thợ xây, tiền tiết kiệm nhiều năm và một số khác huy động từ con cháu. Có
2 hình thức “góp vốn” cho bà Dung là đóng “hụi” và cho vay lãi. Có người chỉ
chơi hụi, có người chỉ cho vay nhưng cũng có trường hợp cả cho vay và cả đóng
“hụi”.

Nạn nhân vụ vỡ “hụi” ở  xã Hoằng Phong đa số là phụ nữ và người cao tuổi

Bà Lê Thị Hường ở thôn Nam
Hạc nói bà chỉ đóng “hụi” chứ không cho vay. Mới đây, chốt sổ với bà Dung, bà
Hường cho biết, gia đình mình còn 449 triệu chưa được trả.

Căn nhà của gia đình bà Dung
ở thôn Nam Hạc hiện đã đóng kín cửa, cổng chính bị tạt sơn màu đỏ. Người dân
địa phương cho biết, chủ “hụi” đã tuyên bố phá sản và rời khỏi địa phương
khoảng hơn 1 tháng nay.

Một số gia đình có nguy cơ
tán gia bại sản. Tiền mất, vợ chồng nghi kỵ lẫn nhau, nảy sinh mâu thuẫn. Cá
biệt, có gia đình cả vợ lẫn chồng đều chơi “hụi” nhưng không thông báo cho nhau
biết, đến khi “vỡ hụi” mọi chuyện mới vỡ lở.

Căn nhà của gia đình chủ “hụi” Cao Thị Dung ở thôn Nam Hạc, xã Hoằng Phong đã “cửa đóng theo cài”, cổng bị tạt sơn

“Ít nhất đây là vụ vỡ hụi thứ
3 xảy ra tại địa phương”, ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong thông tin.

Ông Hiệp cho biết, vụ việc vỡ
“hụi” liên quan đến bà Cao Thị Dung xã đã nắm được thông tin và tổ chức 4 lần
làm việc với các bên để tìm phương án giải quyết.

Chính quyền địa phương thường
xuyên tuyên truyền, khuyến cáo nâng cao cảnh giác trong việc chơi “hụi” nhưng
chuyển biến về nhận thức của người dân chưa cao. Đến khi vụ việc vỡ lở, nhiều
gia đình điêu đứng, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự tại khu
dân cư.

Trở lại vụ việc liên quan đến
bà Cao Thị Dung, ông Hiệp cho biết, qua xác minh, người phụ nữ này bắt đầu làm
chủ “hụi” từ năm 2007. Cho đến trước thời điểm năm 2021, việc đóng tiền, lấy
tiền của chủ “hụi” và người chơi “hụi” không có điều tiếng gì. Tuy nhiên,
khoảng vài năm trở lại đây, tình hình phức tạp hơn khi phát sinh đơn khiếu
kiện, tố cáo của người dân. Một số người dân chơi “hụi” hoặc cho vay thậm chí không
cần giấy tờ, không có hợp đồng nên đến khi xảy ra tranh chấp rất khó giải
quyết. Trong khi lãi suất chơi “hụi” khá cao, từ 10 – 20%/ tháng nên nhiều
người dân hám lợi.

Về tổng số tiền “vỡ hụi”
trong vụ việc trên, qua xác minh ban đầu từ đơn của người dân địa phương là
khoảng gần 10 tỷ đồng. Trong đó tiền chơi “hụi” khoảng hơn 6 tỷ, còn lại là
tiền cho vay.

“Hiện công an đã vào cuộc xác
minh. Nếu có dấu hiệu hình sự sẽ xử lý nghiêm. Trường hợp là quan hệ dân sự,
người dân có thể khởi kiện ra tòa để được giải quyết, đảm bảo quyền lợi”, ông
Hiệp thông tin.

Bạn cũng có thể thích