Hàn Quốc thử nghiệm thuốc kéo dài tuổi thọ mang lại kết quả hứa hẹn

Theo SciTech Daily, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi GS Seogang Hyun từ Đại học Chung-Ang (Hàn Quốc) đã phát triển một loại thuốc có tác dụng làm chậm sự lão hóa và giảm thiểu tác động của lão hóa lên cơ thể con người, từ đó giúp kéo dài tuổi thọ. Loại thuốc đó được đặt tên là IU1, có thể ngăn ngừa sự gián đoạn của cơ chế gọi là “proteostasis”.

Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Autophagy, mặc dù lão hóa dẫn đến sự suy giảm dần dần của tất cả các hệ thống trong cơ thể, nhưng một trong những yếu tố chính góp phần là sự gián đoạn của các hệ thống cân bằng protein, còn được gọi là “proteostasis”.

Proteostasis là quá trình mà cơ thể tự kiểm tra, phát hiện các protein bị hư hỏng hoặc gấp sai và phá vỡ chúng. Điều này giúp ngăn chặn việc tồn đọng các protein lỗi, điều sẽ gây căng thẳng cho tế bào.

Theo các nhà nghiên cứu, khi chúng ta già đi, các hệ thống kiểm soát chất lượng protein này hoạt động kém hiệu quả hơn, các protein lỗi tích tụ, tạo điều kiện cho nhiều bệnh thoái hóa liên quan đến tuổi tác và các tình trạng mạn tính. Do vậy, ngăn ngừa sự gián đoạn của các hệ thống proteostasis là chìa khóa để tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống ở người lớn tuổi.

Nhiều nghiên cứu về thuốc kéo dài tuổi thọ con người hứa hẹn kết quả kinh ngạc. Ảnh minh họa

Nhóm của GS Hyun đã nhắm vào 2 hệ thống proteostasis gọi là proteasome và autophagy và tìm ra một hợp chất thú vị có thể giúp 2 hệ thống này duy trì hoạt động hiệu quả ở người cao tuổi. Từ đó, họ điều chế ra loại thuốc mang tên IU1.

Mới đây, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm loại thuốc kéo dài tuổi thọ mới này lên ruồi giấm và tế bào người. Cả hai thử nghiệm đều thành công. Ngoài việc kéo dài tuổi thọ, loại thuốc này cũng hứa hẹn trở thành công cụ hiệu quả để đẩy lùi các bệnh mạn tính liên quan đến quá trình proteostasis kém hiệu quả, ví dụ Alzheimer và Parkinson.

Liên quan tới việc nghiên cứu thuốc kéo dài tuổi thọ, trước đó bằng cách ngăn chặn hoạt động của một loại protein duy nhất, các nhà khoa học tại Anh đã kéo dài tuổi thọ trung bình của những con chuột trong phòng thí nghiệm thêm khoảng 25%. Phát hiện này đã đặt ra câu hỏi liệu phương pháp điều trị như vậy có hiệu quả đối với con người hay không và cho đến nay, có một số gợi ý ban đầu đầy hứa hẹn rằng nó có thể. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã tiêm cho những con chuột trung niên một loại kháng thể có tác dụng ngăn chặn hoạt động của interleukin-11, một loại protein kích thích tình trạng viêm và có liên quan đến quá trình lão hóa ở tế bào người.

Vào lúc bắt đầu thí nghiệm, những con chuột này khoảng 17 tháng tuổi, tương đương với 55 tuổi ở người. Những con chuột này được tiêm thuốc ba tuần một lần cho đến khi chết, trong khi một nhóm chuột so sánh không được điều trị.

Những loài gặm nhấm được điều trị cũng duy trì sức khỏe tốt hơn khi về già. Ví dụ, chúng gầy hơn và khỏe hơn những con chuột không được điều trị, và chúng cho thấy chức năng gan và quá trình trao đổi chất tốt hơn. Hơn nữa, chỉ có 16% số chuột được điều trị phát triển ung thư, so với 61% số chuột không được tiêm kháng thể. Những phát hiện này cho thấy việc nhắm mục tiêu vào IL-11 có thể là một phương pháp đầy hứa hẹn để chống lại những tác động tiêu cực của lão hóa đến sức khỏe.

Joao Pedro de Magalhaes, Giáo sư về sinh học lão khoa phân tử tại Đại học Birmingham ở Anh, cho biết: “Mặc dù vai trò của hệ miễn dịch trong quá trình lão hóa và mục tiêu tiềm năng của nó trong việc làm chậm quá trình lão hóa đã được xác định rõ ràng , nhưng IL-11 là một yếu tố mới quan trọng giúp hiểu được tác động của hệ thống miễn dịch và tình trạng viêm trong quá trình lão hóa”.

Vân Thảo (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích