Hàn Quốc: Seoul ghi nhận chuỗi ‘đêm nhiệt đới’ dài nhất trong 118 năm

Hàn Quốc: Seoul ghi nhận chuỗi ‘đêm nhiệt đới’ dài nhất trong 118 năm

Thủ đô Hàn Quốc phá vỡ kỷ lục trong hơn 100 năm qua khi ghi nhận 26 “đêm nhiệt đới” liên tiếp – những đêm nhiệt độ duy trì ở ngưỡng trên 25 độ C.

Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho biết nhiệt độ tại Seoul đã không giảm xuống dưới mức 26,8 độ C trong thời gian từ 18h01′ ngày 15/8 đến sáng sớm 16/8, kéo dài chuỗi đêm nhiệt đới bắt đầu từ ngày 21/7. 

Hiện tượng đêm nhiệt đới xảy ra khi nhiệt độ được duy trì ở mức 25 độ C trở lên từ 18h01′ hôm trước đến 9h sáng hôm sau. Chuỗi đêm nhiệt đới trên tương đương kỷ lục trước đó về chuỗi đêm này được thiết lập hồi năm 2018 và vẫn là chuỗi đêm nhiệt đới dài nhất kể từ khi các hoạt động quan trắc khí tượng hiện đại bắt đầu tại Seoul năm 1907.

Trong năm 2018, chuỗi đêm nhiệt đới bắt đầu vào ngày 21/7 và kết thúc vào ngày 15/8. Chuỗi đêm nhiệt đới năm nay dự kiến sẽ tiếp diễn với nhiệt độ qua đêm có thể duy trì trên 26 độ C ít nhất đến hết ngày 21/8.  

tm-img-alt
Thủ đô Seoul của Hàn Quốc về ban đêm. Ảnh: IT

Ngoài Seoul, thành phố cảng Busan, phía Đông Nam Hàn Quốc ngày 16/8 cũng ghi nhận đêm nhiệt đới thứ 22 liên tiếp – chuỗi đêm nhiệt đới dài nhất kể từ khi các hoạt động quan trắc khí tượng hiện đại bắt đầu tại thành phố này năm 1904, trong khi thành phố Incheon trải qua đêm nhiệt đới thứ 24 liên tiếp. Tại đảo Jeju, phía Nam Hàn Quốc, hiện tượng đêm nhiệt đới kéo dài 32 ngày liên tiếp.

Hàn Quốc, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, đang trải qua một mùa hè nắng nóng gay gắt trong năm 2024 và tình hình được dự đoán sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nữa trong tương lai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu. Tháng 7 vừa qua, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã đưa ra cảnh báo về một “đại dịch nắng nóng cực độ” và kêu gọi hành động nhằm hạn chế tác động của các đợt nắng nóng tăng cường do biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đó, các nhà hoạt động khí hậu ở Hàn Quốc đang kêu gọi chính phủ hành động tích cực hơn nữa. AFP dẫn lời ông Youn Se-jong, một luật sư môi trường, cho biết: “Không có khả năng tình hình sẽ tốt hơn mà ngược lại, mọi chuyện chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn”. Việc tăng cường mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, do đó, được ông nhấn mạnh “phải trở thành ưu tiên hàng đầu”.

Hàn Quốc hiện có tỷ lệ năng lượng tái tạo thấp nhất trong cơ cấu năng lượng trong số tất cả các nước OECD. Quốc gia này cũng đồng thời là nước phát thải carbon từ than bình quân đầu người cao thứ 2 trong nhóm G-20, theo tổ chức tư vấn năng lượng Ember.

Thiên Bảo (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích