Hạn hán kỷ lục, kênh đào Panama hạn chế tàu thuyền qua lại

Hạn hán kỷ lục, kênh đào Panama hạn chế tàu thuyền qua lại

Số lượng tàu đang chờ để đi qua kênh đào Panama đã lên tới 154 và số chỗ mà các hãng vận tải có thể đặt trước đang bị giảm bớt để nỗ lực giải quyết tình trạng tắc nghẽn do hạn hán gây ra từ mùa xuân.

Tình trạng tắc nghẽn

Kênh đào Panama dài 80 km vận chuyển 6% tổng lượng thương mại hàng hải toàn cầu và doanh thu năm 2023 dự kiến đạt 4,9 tỷ USD. Kênh đào khánh thành năm 1914 sau một dự án xây dựng xuyên qua rừng rậm và đồi núi với công nhân phải chống chọi bệnh nhiệt đới, nắng gắt và mưa gió. Từ sau đó, hơn một triệu tàu biển đi qua kênh đào, rút ngắn hành trình quanh mũi Nam Mỹ.

Theo kênh CNBC, kênh đào Panama là một tuyến đường thương mại quan trọng đối với các hãng vận tải Mỹ muốn chở hàng tới các cảng vùng Vịnh và Bờ Đông. Mỹ là quốc gia sử dụng kênh đào Panama nhiều nhất khi tổng số container xuất nhập khẩu hàng hóa của Mỹ chiếm khoảng 73% lưu lượng đi qua kênh đào Panama. 40% lưu lượng container của Mỹ đi qua kênh này hàng năm, chở số hàng hóa trị giá khoảng 270 tỷ USD.

Tình trạng thiếu nước do lượng mưa thấp buộc các nhà vận hành phải hạn chế số lượng tàu đi qua, nhiều khả năng khiến nguồn thu giảm 200 triệu USD vào năm 2024 so với năm nay.

Hiện tượng ấm lên ở Thái Bình Dương mang tên El Nino gây hạn hán ở một số quốc gia và ngập lụt ở những nước khác, đang khiến tình huống tồi tệ hơn, theo các nhà khí tượng học. Bất lợi lớn của kênh đào Panama trong vai trò đường thủy là vận hành bằng nước ngọt, trong khi các nơi khác sử dụng nước biển.

tm-img-alt
Hạn hán kéo dài ảnh hưởng tới hoạt động lưu thông tại kênh đào Panama. Ảnh: AP

Tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng nói trên xảy ra sau khi Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama (PCA) đã triển khai các biện pháp bảo tồn nước vào cuối tháng 7 do hạn hán. PCA đã tạm thời giảm số chỗ đặt trước từ ngày 8/8 đến ngày 21/8 đối với các tàu Panamax. Đây là những tàu lớn nhất có thể đi qua kênh đào này. Các tàu Panamax có thể chở hàng hóa nặng 4.500 TEU (đơn vị đo sức chứa hàng hóa). Số lượng chỗ đặt trước bị giảm xuống còn 14 chỗ/ngày từ ngày 23/8.

Hình ảnh vệ tinh của công ty Planet Labs cho thấy tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng tàu thuyền tại kênh Panama.

Theo các biện pháp bổ sung để bảo vệ mực nước do PCA áp đặt vào tháng 7, các tàu sẽ phải chở hàng nhẹ hơn 40%. Yêu cầu này làm ảnh hưởng đến các tàu đang trên đường di chuyển qua đây. Tàu Ever Max đã buộc phải dỡ 1.400 container tại cảng Balboa để đáp ứng các yêu cầu trên và để được cho qua. Tàu này đang neo đậu tại cảng Savannah.

Thuyền trưởng Adil Ashiq, Giám đốc khu vực Bắc Mỹ của công ty MarineTraffic, cho biết: “Những container còn lại có thể cần một con tàu khác chở để hoàn thành hành trình. Tình hình này sẽ còn tồi tệ hơn nữa rồi mới cải thiện”.

Một âu tàu mất khoảng 19 triệu lít nước khi một con tàu đi qua kênh Panama. Mực nước ở hồ Gatun, nơi cung cấp nước cho con kênh đào này, đang ở mức thấp nhất trong 4 năm.

Ông Ricaurte Vásquez Morales, quản lý Kênh đào Panama, cho biết rằng do hoàn cảnh thay đổi, kênh đào này đang duy trì một đường dây liên lạc mở để thông báo cho khách hàng về tình trạng các chỗ đặt trước. Ông nói: “Thông qua cập nhật thường xuyên, trao đổi minh bạch và hợp tác chặt chẽ với các hãng tàu và các bên liên quan, chúng tôi cố gắng quản lý nhu cầu và cung cấp thông tin theo thời gian thực để giúp khách hàng đưa ra quyết định sáng suốt”.

Ông Ashiq giải thích rằng các tàu phải đợi lâu hơn để đi qua kênh đào Panama hoặc các hãng vận tải biển có thể đi theo các tuyến đường thay thế, làm tăng thêm thời gian và chi phí nhiên liệu cho hành trình. Các hãng vận tải sử dụng nhiều tàu để vận chuyển hàng hóa, làm tăng thêm chi phí vận chuyển và cần nhiều thời gian hơn để đảm bảo đặt được chỗ. Cuối cùng, những chi phí này có thể do doanh nghiệp và người tiêu dùng gánh chịu.

Dữ liệu gần đây do công ty tình báo chuỗi cung ứng Descartes công bố cho thấy, các cảng Bờ Đông tiếp tục là ưu tiên của các hãng vận tải Mỹ. Năm cảng hàng đầu ở Bờ Tây cho thấy mức giảm nhu cầu 4,1% trong tháng 7, còn các cảng hàng đầu ở Bờ Đông và Bờ Vịnh đã xử lý nhu cầu tăng 4,1% trong cùng khung thời gian.

Ông Stephen Lamar, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội May mặc & Giày dép Mỹ, cho biết: “Bây giờ không phải là lúc để gây căng thẳng hơn nữa cho các chuỗi cung ứng vẫn đang căng thẳng dưới áp lực hậu cần liên tục”. Ông cho biết phụ phí và biện pháp hạn chế tàu bè có thể sẽ khiến giá quần áo và giày dép cao hơn đối với người tiêu dùng Mỹ trong mùa lễ này.

Đợt giảm chỗ đặt trước mới nhất này diễn ra sau khi PCA giảm số lượng tàu được phép đi qua kênh đào Panama trong một ngày. Bắt đầu từ ngày 30/7, năng lực phục vụ hàng ngày của kênh đào Panama đã được điều chỉnh thành trung bình 32 tàu mỗi ngày. Trước khi có các biện pháp tiết kiệm nước, số lượt di chuyển qua kênh đào là 34 – 36/ngày.

Chọn hướng đi khác

Ông Alan Baer, Giám đốc điều hành công ty hậu cần OL USA, cho biết các chủ hàng có thể phải bắt đầu xem xét các tuyến đường khác. Ông Baer cho biết: “Do ngày càng khó đến Bờ Đông Mỹ qua kênh đào Panama, các nhà nhập khẩu có thể đang xem xét cho các tàu đi qua kênh đào Suez”. Ông nói thêm rằng đây có thể là một giải pháp hiệu quả cho hàng hóa xuất phát từ khu vực ASEAN và một số điểm xuất phát ở miền Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với miền Bắc Trung Quốc và Bắc Á, việc đi chệch hướng qua Suez có thể kéo dài thêm từ 7 đến 14 ngày thời gian vận chuyển.

Trong thực tế, lĩnh vực năng lượng đã đổi tuyến đường vận chuyển. Theo S&P Global, các tàu chở dầu đã tránh kênh đào Panama, chuyển sang đặt các tuyến đường đến Đại Tây Dương. Trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 7, hoạt động xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ sạch của Bờ Vịnh Mỹ qua kênh đào Panama và đi đến Bờ Tây của Nam Mỹ đã giảm 82% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, xuất khẩu trong tháng 7 đã giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hồi tháng 7, công ty Cheniere Energy cho biết họ sẽ tránh kênh đào Panama khi vận chuyển khí đốt hóa lỏng vì thời gian chờ đợi lâu. Kênh đào này hiện là con đường nhanh nhất để đưa khí đốt hóa lỏng đến châu Á.

Vận chuyển than cũng đang bị ảnh hưởng và thực hiện các điều chỉnh. Ấn Độ là nhà nhập khẩu lớn than của Mỹ và các tàu chở mặt hàng này cũng sử dụng kênh đào Panama.

Kênh đào Panama đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn nước lớn nhất từ trước đến nay do biến đổi khí hậu. Panama thường đón mưa lớn vào tháng 7 và tình trạng thiếu mưa hiện tại được cho là “chưa từng có trong lịch sử”.

Thiên Bảo (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích