Hạn hán kéo dài ở Kenya khiến động vật hoang dã chết hàng loạt
Hạn hán kéo dài ở Kenya khiến động vật hoang dã chết hàng loạt
Hàng trăm động vật, bao gồm cả voi và ngựa vằn Grevy đã chết trong các khu bảo tồn động vật hoang dã của Kenya do đợt hạn hán tồi tệ nhất ở Đông Phi trong nhiều thập kỷ
Cơ quan động vật hoang dã Kenya đã thống kê cái chết của 205 con voi, 512 con linh dương đầu bò, 381 con ngựa vằn thông thường, 51 con trâu, 49 con ngựa vằn Grevy và 12 con hươu cao cổ trong 9 tháng qua.
Các khu vực của Kenya đã trải qua bốn mùa liên tiếp với lượng mưa không đủ trong hai năm qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người và động vật, bao gồm cả gia súc.
Đông Phi đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm. Bộ khí tượng Kenya dự báo lượng mưa dưới mức trung bình cho phần lớn đất nước trong những tháng tới, làm dấy lên lo ngại về mối đe dọa đối với động vật hoang dã của Kenya.
Bộ trưởng du lịch Peninah Malonza cho biết: “Hạn hán đã gây ra cái chết của động vật hoang dã vì nguồn lương thực cạn kiệt cũng như thiếu nước”.
Các hệ sinh thái bị ảnh hưởng nặng nề nhất là nơi có một số vườn quốc gia, khu bảo tồn được ghé thăm nhiều nhất của Kenya, bao gồm các khu vực Amboseli, Tsavo và Laikipia-Samburu.
Họ kêu gọi một cuộc tổng điều tra khẩn cấp về động vật hoang dã ở Amboseli để có cái nhìn rộng hơn về tác động của hạn hán đối với động vật hoang dã ở đó.
Các chuyên gia khác đã khuyến nghị cung cấp ngay lập tức nước và muối ở các vùng bị ảnh hưởng. Ví dụ, loài voi uống 240 lít (63,40 gallon) nước mỗi ngày. Đối với ngựa vằn Grevy, các chuyên gia khuyến khích tăng cường cung cấp cỏ khô.
Động vật hoang dã của Kenya là một điểm thu hút khách du lịch. Du lịch mang lại khoảng 10% sản lượng kinh tế của đất nước.
Các nhà khoa học cho biết hạn hán ngày càng trở nên nghiêm trọng và kéo dài hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu, nguyên nhân là do việc tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Hải Sơn (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị