Hạn chế thiệt hại, biến mưa lũ thành tiền

Hạn chế thiệt hại, biến mưa lũ thành tiền

MTĐT –  Thứ tư, 05/01/2022 14:09 (GMT+7)

Mỗi năm tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp nhận khoảng 7-8 tỷ m3 nước mưa và mới giữ được 2 tỷ m3 phục vụ phát điện, tưới tiêu, sinh hoạt, số còn lại đổ ra biển.

Là tâm mưa của cả nước, trung bình mỗi năm khoảng 3.000 mm, Thừa Thiên Huế sở hữu nguồn nước mặt dồi dào. Tỉnh có 5 sông chính là Ô Lâu, Hương, Nông, Truồi và Bù Lu, trong đó hệ thống sông Hương (gồm sông Hương và Bồ) quan trọng nhất với diện tích lưu vực 2.800 km2, chiếm 3/5 diện tích toàn tỉnh.

Các sông có đặc điểm ngắn, dốc và hầu như không có vùng đệm nên truyền lũ từ thượng lưu xuống hạ lưu rất nhanh. Nước lũ đổ về các sông, chảy ra phá Tam Giang – Cầu Hai rồi đổ ra cửa biển Thuận An, Tư Hiền.

Sông Hương chảy qua TP Huế có vị trí quan trọng đối với Thừa Thiên Huế. Ảnh: Võ Thạnh
Sông Hương chảy qua TP Huế có vị trí quan trọng đối với Thừa Thiên Huế. Ảnh: Võ Thạnh

Mưa lũ nhiều nhưng Thừa Thiên Huế cũng đối diện tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là năm có El Nino. Ông Lê Bá Phúc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết hạn hán năm 1993-1994 đã làm sông suối khô cạn, cây lưu niên chết khô. Nước mặn xâm nhập sâu vào sông Hương tới 30 km, làm mất trắng 12.710 ha lúa hè thu, ước tính mất 20.000 tấn thóc.

Đợt hạn năm 2002 nước mặn vượt quá nhà máy nước Vạn Niên lên tới phà Tuần làm nhiều nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa. Không làm chết người, nhưng xâm nhập mặn gây hậu quả nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và môi trường sinh thái ở vùng đất thấp ven sông Hương, sông Bồ. Diện tích bị ảnh hưởng khoảng 2.000-2.500 ha.

Từ nghịch lý mưa nhiều vẫn hạn mặn, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư công trình đập ngăn mặn Thảo Long ở hạ nguồn sông Hương, đưa vào sử dụng năm 2006, bảo vệ nguồn nước sạch cho dòng sông Hương. “Nhờ có đập, tình hình xâm nhập mặn đến nay đã được khống chế triệt để”, ông Phúc nói.

Hồ Tả Trạch ở thượng nguồn sông Hương. Ảnh: Võ Thạnh
Hồ Tả Trạch ở thượng nguồn sông Hương. Ảnh: Võ Thạnh

Đặc biệt, sau trận lũ lịch sử năm 1999 làm 352 người chết, 21 người mất tích, hàng loạt thủy điện và hồ thủy lợi được xây dựng. Đến nay, có 13 hồ ở thượng nguồn sông Hương, sông Bồ, sông A Lin. Trong đó, hồ thủy lợi Tả Trạch ở xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy và hồ thủy điện Hương Điền ở phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, có dung tích lớn nhất.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên Huế nhìn nhận những năm qua, tỉnh đã tận dụng triệt để nguồn nước do mưa lũ để phát triển kinh tế. Ngoài 13 nhà máy thủy điện với công suất lắp máy 459,3 MW ở thượng nguồn, nước còn được tận dụng vào việc cung cấp tưới tiêu, phục vụ sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản. Các sông đều được lắp đặt hệ thống công trình thủy lợi, máy bơm.

Hiện lưu vực sông Hương có khoảng 80 công trình thủy lợi với tổng năng lực thiết kế tưới 3.940 ha, thực tưới hơn 3.000 ha. Lưu vực sông Ô Lâu có 89 công trình lớn nhỏ trong đó có 17 hồ chứa, 34 đập dâng và 38 trạm bơm. Tổng diện tích thiết kế tưới là 3.800 ha, thực tưới đạt 2.530 ha. Chính các công trình này đã giúp các cánh đồng ở Thừa Thiên Huế ít khi hạn hán.

Hồ thủy điện Bình Điền ở lưu vực sông Hữu Trạch. Ảnh: Võ Thạnh
Hồ thủy điện Bình Điền ở lưu vực sông Hữu Trạch. Ảnh: Võ Thạnh

Công ty Cấp nước Thừa Thiên Huế đã khai thác nước mặt từ hệ thống sông để cấp nước sinh hoạt cho người dân với công suất 147.900 m3/ngày đêm. Hệ thống trạm bơm lấy nước được lắp tại nhiều địa điểm như trạm cấp 1 Vạn Niên, trạm cấp 1 Dã Viên, Nhà máy xử lý nước Quảng Tế 1. Hiện nhà máy nước Vạn Niên trên sông Hương được mở rộng, nâng công suất.

Theo tính toán của ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, mỗi năm mưa lũ cung cấp khoảng 7-8 tỷ m3 nước cho tỉnh và đều đổ ra biển. Hơn 10 năm trở lại đây, các hồ thủy điện, thủy lợi ở thượng nguồn đã giữ lại khoảng 2 tỷ m3 phục vụ tưới tiêu, phát điện và sinh hoạt.

Khẳng định tài nguyên nước mặt đã mang lại lợi ích to lớn, nhưng để quy ra tiền thì các nhà quản lý chưa thể thống kê. Riêng ông Phan Thanh Hùng nhìn nhận việc mới tận dụng 2 tỷ m3 nước thực sự chưa tương xứng với nguồn tài nguyên nước dồi dào của địa phương.

Để bảo vệ nguồn nước tự nhiên, ngoài việc hạn chế xây dựng nhà máy ở thượng nguồn các sông, chính quyền Thừa Thiên Huế đã tăng cường quản lý, nâng cao năng lực sử dụng nguồn nước của các hồ thủy điện, thủy lợi ở thượng nguồn, hướng đến sử dụng nước tuần hoàn, tránh lãng phí.

Thừa Thiên Huế là một trong những nơi mưa nhiều nhất cả nước. Tổng lượng mưa mỗi năm 2.700-3.800 mm. Riêng Vườn quốc gia Bạch Mã mưa lớn nhất cả nước, trung bình năm 7.000-8.000 mm, riêng năm 2011 tới 8.660 mm, cao gấp 5,4 lần so với nơi mưa ít nhất nhì cả nước là La Gi (Bình Thuận), chỉ 1.600 mm.

tm-img-alt

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích