Hàm lượng thực phẩm siêu chế biến trong mì ăn liền có hại cho sức khỏe?

Thực phẩm siêu chế biến thường có hàm lượng đường, muối cao và được làm từ những thành phần mà “chúng ta thường không tìm thấy trong bếp”, Jinan Banna, chuyên gia dinh dưỡng, đồng thời là Giáo sư dinh dưỡng tại Đại học Hawaii chia sẻ.

Nếu phải chọn loại thực phẩm siêu chế biến có hại cho sức khỏe hàng đầu để tránh sử dụng, Banna nói, đó là mỳ ăn liền. “Tôi thường không ăn mỳ ăn liền. Nếu tôi thèm mỳ tôi sẽ tự nấu riêng”. 

Banna cho biết, mỳ ăn liền thường chứa mỳ và gói gia vị, với hàm lượng natri và chất béo bão hòa cao. Chúng cũng thường ít chất xơ. “Nhìn chung, tôi không coi mỳ ăn liền là thực phẩm lành mạnh”, cô nói.

Theo Banna, thực phẩm có hàm lượng natri hoặc chất béo bão hòa cao có thể góp phần gây ra bệnh mãn tính như bệnh tim. “Tất nhiên, chúng ta cần một ít natri. Nhưng tiêu thụ quá nhiều lại là vấn đề”. Nhắc đến hàm lượng natri và chất béo bão hòa, một cách tốt để hiểu sản phẩm có hàm lượng chất dinh dưỡng này thấp hay cao là sử dụng quy tắc 5/20. Theo đó, nếu giá trị hằng ngày của sản phẩm là 5% trở xuống, đó là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng thấp. Nếu con số từ 20% trở lên, đó là dấu hiệu cho thấy lượng natri và chất béo bão hòa khá cao.

Mỳ ăn liền thường chứa mỳ và gói gia vị, với hàm lượng natri và chất béo bão hòa cao.

Banna nói, bạn cũng có thể tự nấu mỳ tại nhà, thường sẽ có ít natri hơn nhiều, đồng thời có thể chủ động thêm rau và các loại đậu để có chất xơ. Hầu hết người Mỹ không nạp đủ chất xơ, trong khi thành phần này rất quan trọng để duy trì hệ tiêu hóa và cân nặng khỏe mạnh.

Nhưng nếu mỳ ăn liền là một trong những món ăn yêu thích, thỉnh thoảng bạn vẫn có thể ăn, bởi tất cả các loại thực phẩm đều có thể phù hợp với chế độ ăn uống ở mức độ vừa phải.

Chuyên gia khuyến cáo, mỳ tôm là thực phẩm tiện lợi nhưng bản thân nó không đủ chất dinh dưỡng nên nếu dùng thay thế bữa chính, ăn liên tục sẽ rơi vào tình trạng thiếu dinh dưỡng.

Đặc biệt, với trẻ nhỏ đang tuổi phát triển, việc lạm dụng mỳ tôm dễ dẫn tới suy dinh dưỡng. Mỳ tôm là sản phẩm công nghiệp, có rất nhiều chất phụ gia, đặc biệt là muối. Việc cho trẻ ăn quá mặn sẽ tạo nên thói quen ăn mặn, gây các hệ lụy về tim mạch, huyết áp sau này.

TS. BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cũng nói rằng cho tới nay chưa ai khẳng định ăn mỳ tôm sinh bệnh, cũng không có khuyến cáo đừng ăn sáng bằng mỳ tôm. Ông nói: “Bữa sáng vẫn có thể ăn mỳ tôm, nhưng không nên ăn cả tuần hay trường kỳ cả tháng. Nếu một tuần ăn 1-2 lần hoặc một tháng ăn 3-4 lần vào bữa sáng, tôi khẳng định sẽ không có vấn đề gì”.

Nguyên liệu chính tạo nên mỳ tôm là bột lúa mì, dầu cọ chiên mỳ và một số phụ gia, gia vị khác. Do là thực phẩm khô nên sẽ không có sự đa dạng dinh dưỡng nếu chỉ ăn mỳ. Chuyên gia khuyên, khi ăn mỳ tôm nên cho thêm rau, chất đạm (thịt bò, trứng, tôm, mực) để bữa ăn đa dạng về dinh dưỡng hơn. Tuy nhiên, các thực phẩm thêm vào cũng không nên quá nhiều, tránh dư thừa năng lượng, gây tăng cân.

Thanh Hiền (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích