Hai xu hướng, một niềm tin

Những năm trước, nhà giàu, nhà thu nhập thấp cũng đều chung quỹ đạo, ngoài học ở trường con em phải đi học thêm rất nhiều. Đặc biệt các môn Toán, Ngoại ngữ, Văn. Lên cấp 3, thêm các môn (tùy khối) như Vật lý, Sinh, Hóa… Nhà có điều kiện tìm đến trung tâm lớn, thầy, cô có tiếng; nhà ít điều kiện thì “liệu cơm gắp mắm” nhưng kiểu gì cũng phải cho con học thêm.

Lý do thật đơn giản: Nếu không học thêm, con mình sẽ không theo kịp bạn bè trong lớp, sợ con “tự kỷ” chán học. Thứ nữa, chỉ có học thêm mới “nâng” bảng thành tích học tập, một trong những điều kiện cần để xét tuyển lên cấp 3 (công lập) và hơn nữa học thêm để sau thi vào các trường có tiếng hoặc săn học bổng nước ngoài, đầu ra, thu nhập sau này tốt hơn. Nhìn chung, lý do nào cũng chính đáng.

Hai xu hướng, một niềm tin
Ảnh minh họa.

Nhưng thời gian gần đây cũng đã xuất hiện xu hướng không quá quan tâm đến việc học thêm mà chú trọng đến kỹ năng mềm để các con sau khi ra đời sẽ tiếp cận hơi thở cuộc sống tốt hơn. Tôi có chị bạn, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, ra trường làm cho doanh nghiệp một thời gian rồi ra làm ngoài. Hiện thu nhập rất khá, xếp vào hàng giàu có.

Sinh cháu bé đầu lòng, anh chị rất kỳ vọng và đã cho bé học thêm đủ loại từ cấp 1 đến cấp 3. Đến năm con gái chị vào lớp 11, nhận thấy cái sự học, trong đó có học thêm không vào, lúc đầu anh chị khá buồn. Vì đã đặt khá nhiều kỳ vọng vào cháu. Nhưng cũng vì thương con, gia đình chị đành để cháu học với đúng năng lực của mình, không ép buộc việc học thêm. Lên lớp 12, theo đúng khả năng cháu, chỉ thi đỗ vào trường đại học “cấp bậc” trung bình ở Hà Nội.

Nhưng bù lại, “ngấm” dòng máu kinh doanh của bố mẹ, ngay trong trường đại học cháu đã làm thêm nghề kinh doanh và thu nhập hàng tháng còn hơn cả lương của một nhân viên thu nhập khá khá ở doanh nghiệp. Còn hiện tại, cháu đã cùng một vài người bạn thân lập công ty chuyên về lĩnh vực thuê nhà để cho thuê lại. Thu nhập một tháng rất cao.

Nhìn tấm gương cô chị, hai cô, cậu tiếp theo sau gia đình anh chị chọn cách tiếp cận mềm, đó là hạn chế tối đa việc học thêm, chỉ học thêm một buổi tiếng Anh, còn lại dành thời gian cho tư duy, vui chơi và giao lưu với bên ngoài. “Kinh nghiệm sống, thực lực và tư duy mới là nhân tố thành công sau này cho các con” chị tâm sự.

Còn hôm nọ, trong lúc chờ đợi đón con ở sân trường, một phụ huynh có con học cùng lớp hỏi: “Anh cho cháu đi học thêm ở đâu chưa?” Tôi trả lời: Chưa! Tưởng nhận được câu cảm thán từ phụ huynh nọ “sao lại thế”, song anh cũng cùng quan điểm rằng, con anh cũng chưa đi học thêm ở đâu. Có lẽ tới đây, chỉ cho cháu đi học thêm tuần một buổi tiếng Anh ở trung tâm. Anh cũng có tư duy về cách giáo dục con như gia đình chị bạn mà người viết đề cập ở trên, nghĩa là giáo dục các con thế nào để sau này ra trường, vừa có trình độ, vừa tiếp cận với hơi thở cuộc sống chứ không phải là “chiếc máy”!

Bố mẹ nào sinh con ra mà chẳng muốn con mình học giỏi, thi, tuyển được vào những trường đại học danh tiếng, danh giá và ra trường có công việc tốt, thu nhập tốt. Tuy nhiên, mấu chốt phải phụ thuộc vào năng lực của chính con cái mình. Sau thời gian “căng mình” vì áp lực học thêm, rất may hiện tại đã xuất hiện những quan điểm cởi mở hơn về chuyện học cho con. Dù học thêm bằng bất cứ giá nào, hãy để cho các cháu tiếp cận thật chắc kiến thức học ở nhà trường, hạn chế học thêm để tăng kỹ năng sống… âu cũng vì mục tiêu chung: Vì tương lai con em chúng ta mà thôi.

L.Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích