Hải Phòng: Ưu tiên phát triển công nghiệp xanh nhằm giảm phát thải khí nhà kính
Một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển
Thành phố Hải Phòng được biết đến là đô thị cảng biển đã hình thành đến nay được trên 130 năm, với hơn 126 km bờ biển, hơn 4.000 km2 diện tích mặt biển, nơi hội tụ đủ 05 loại hình giao thông: Hàng hải, hàng không, đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa.
Thành phố Hải Phòng có vị trí trọng yếu trong vùng Duyên hải Bắc Bộ, là giao điểm của 02 hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng và tuyến hành lang ven biển phía Bắc, là đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc và được xác định là đô thị trung tâm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, đồng thời là đô thị trung tâm gắn kết hoạt động kinh tế trong hệ thống đô thị của Vùng Duyên hải Bắc Bộ và Vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Cảng container Quốc tế Hải Phòng. Ảnh: Đỗ Trọng Luân.
Theo ông Vũ Chí Trung – Phó Trưởng phòng Quản lý đầu tư và Hợp tác quốc tế – Sở Công thương TP.Hải Phòng, những năm gần đây, Hải Phòng đang được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược (gồm cả đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường thủy – hàng hải quốc tế), hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị. Trong đó:
Về quy mô kinh tế: Quy mô kinh tế của thành phố Hải Phòng không ngừng mở rộng, luôn duy trì vị trí thứ hai tại Vùng đồng bằng Sông Hồng, sau thủ đô Hà Nội. Năm 2023, GRDP của thành phố theo giá hiện hành ước đạt 402.504,70 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm 2018 và chiếm khoảng 12,8% GRDP của Vùng đồng bằng Sông Hồng.
Về phát triển công nghiệp: Phát triển Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải với diện tích 22.540 ha và 14 khu công nghiệp đang triển khai hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng với tổng diện tích hơn 6.000 ha; 13 cụm công nghiệp đã được thành lập và đi vào hoạt động. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 13%, gấp hơn 8 lần bình quân chung cả nước. Công nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.
Về cảng biển, logistics và xuất nhập khẩu: Hệ thống cảng biển của thành phố gồm 05 khu bến với 50 bến cảng thuộc hệ thống các Cảng biển Việt Nam, trong đó nổi bật là khu bến cảng Lạch Huyện với chức năng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, đã được hoàn thành và đưa vào khai thác 02 bến khởi động từ tháng 5/2018, có thể tiếp nhận tàu lên tới 200.000 DWT (Dead weight).
Hệ thống kho, bãi phục vụ cho dịch vụ logistics đạt hơn 700 ha với khoảng hơn 60 kho bãi chính bao gồm hệ thống kho bãi tại các cảng biển; kho ngoại quan; hệ thống kho bãi tại các điểm thu gom hàng lẻ, địa điểm kiểm tra tập trung và hệ thống kho chứa hàng hóa thông thường và kho lạnh khác.
Sản lượng hàng hóa qua cảng tăng nhanh, bình quân giai đoạn 2005 – 2021 tăng 15,1%. Năm 2023, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 170 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2005 – 2021 tăng trung bình trên 23,7%/năm, đứng thứ 5 cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đứng thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng.
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Trong năm 2023, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,5 tỷ đô la Mỹ. Lũy kế đến nay, tổng thu hút FDI toàn thành phố có hơn 960 dự án đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký là hơn 31 tỷ USD. Môi trường đầu tư kinh doanh tại Hải Phòng tiếp tục được cải thiện; năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính được xếp thứ 02/63 tỉnh thành phố; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xếp thứ 03/63 tỉnh, thành phố.
Tập trung phát triển công nghiệp xanh hướng đến phát triển bền vững
Hiện nay, biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đã và đang tác động đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu. Với vị trí là thành phố ven biển, nhận thức được Hải Phòng là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu trong 60-70 năm tới theo đánh giá của tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nên bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế – xã hội nêu trên, trong những năm qua thành phố Hải Phòng cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và giảm phát thải khí nhà kính nói riêng.
“Hải Phòng là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh từ năm 2014 và hiện vẫn đang từng bước thực hiện. Trong đó, ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, mô hình các khu công nghiệp sinh thái đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, Hải Phòng luôn khuyến khích nhà đầu tư tập trung phát triển các dự án có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, khuyến khích nhà đầu tư tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời áp mái, sử dụng các công nghệ sản xuất bảo vệ môi trường”, ông Vũ Chí Trung thông tin.
Đến nay, thành phố Hải Phòng đã ban hành 18 văn bản, gồm 11 Quyết định, 04 Chỉ thị và trình HĐND thành phố ban hành 04 Nghị quyết về bảo vệ môi trường. Trong đó có Kế hoạch số 565/QĐ-UBND ngày 05/3/2020 của UBND thành phố về việc ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có 7 nhiệm vụ về giảm phát thải khí nhà kính; Quyết định số 2740/QĐ-UBND ngày 07/01/2016 của UBND thành phố về việc ban hành Kế hoạch hành động quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; triển khai Đề án kiểm kê khí nhà kính và đề xuất giải pháp quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố Hải Phòng; phối hợp với Viện Chiến lược chính sách Tài Nguyên và Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nhóm Mô hình tích hợp châu Á – Thái Bình Dương tại Nhật Bản nghiên cứu xây dựng kịch bản carbon thấp cho thành phố Hải Phòng; thực hiện yêu cầu 68 cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với một số cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường…
Ngoài ra, Hải Phòng cũng thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ về chống biến đổi khí hậu, kiểm kê khí nhà kính trong các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế, xã hội của thành phố như Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; các thỏa thuận hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng, trục kinh tế cao tốc phía Đông; kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững; Danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư và không khuyến khích đầu tư trên địa bàn thành phố…
Ngày 24/01/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định mục tiêu tổng quát là “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu trong cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững…” và một trong những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện là phải “Đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng”.
Nghị quyết nêu trên thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với thành phố, là mục tiêu đồng thời cũng là nhiệm vụ để phát triển kinh tế – xã hội của thành phố trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ các cuộc xung đột địa chính trị, xung đột thương mại và việc nước ta tham gia ngày càng sâu vào kinh tế khu vực và thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng gặp không ít các khó khăn, thách thức.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu thể hiện rõ rệt thông qua diễn biến phức tạp của khí hậu, thời tiết như sự phân bổ không đồng đều của lượng mưa gây nên hạn hán, lũ lụt hay tình trạng nước biển dâng cao cũng có thể đe dọa trực tiếp tiềm năng của sản xuất, làm ô nhiễm và suy thoái. Biến đổi khí hậu bất thường làm mực nước biển dâng dẫn đến tình trạng xâm ngập mặn, tập trung tại các quận, huyện ven biển của thành phố như huyện Thủy Nguyên, quận Hải An, huyện Kiến Thụy và quận Đồ Sơn…
Để tạo đà cho Hải Phòng phát triển nhanh, bền vững, tiếp tục là một trong những cực tăng trưởng kinh tế, có sức hấp dẫn nhất cả nước, đòi hỏi phải có sự chung sức, đồng lòng giữa cơ quan quản lý nhà nước của thành phố và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác chống biến đổi khí hậu nói chung và kiểm kê khí nhà kính nói riêng trong thời gian tới.
Thanh Tùng