Hải Phòng: Phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu Rào 1 trước ngày 25/01/2022
(Xây dựng) – Ông Nguyễn Đức Thọ – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng và các ngành chức năng, đơn vị và địa phương vừa thực địa kiểm tra tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Rào 1.
Lãnh đạo thành phố kiểm tra tiến độ dự án cầu Rào 1. |
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, về công tác giải phóng mặt bằng hiện còn một số vướng mắc, trên địa bàn quận Dương Kinh còn vướng Công ty Cổ phần xây dựng công trình đường bộ Hải Phòng hiện vẫn chưa di chuyển; các quận Hải An, Ngô Quyền và Lê Chân đang khẩn trương tập trung xử lý dứt điểm, tuyên truyền vận động, đôn đốc bàn giao mặt bằng.
Về công tác thi công cầu và nút giao, đến nay liên danh nhà thầu thực hiện 22/28 trụ, mố cầu; đang thi công 6 trụ, mố còn lại. Công tác đúc dầm bê tông cầu chính, hoàn thành 3/10 nhịp trái phải, đang thi công 5 nhịp. Tại nhánh cầu xuống phía bên phải hoàn thành 5/8 nhịp; nhánh bên trái hoàn thành 3/8 nhịp; nhịp chính vòm thép với khối lượng gần 3.000 tấn hiện đang chế tạo tại các nhà máy; giá trị thực hiện ước đạt 510 tỷ đồng (bằng 51% hợp đồng).
Qua thực địa kiểm tra dự án, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng ghi nhận, đến thời điểm này công tác giải phóng mặt bằng dự án cơ bản đạt được các mốc thời gian theo chỉ đạo của thành phố. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng phối hợp với các địa phương, đơn vị tư vấn, chỉ đạo nhà thầu vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 triển khai thi công dự án. Mặc dù gặp khó khăn, ảnh hưởng do nguyên liệu thép ở nước ngoài về chậm, việc phá dỡ cầu Rào cũ thi công trụ chính T2 gặp các chướng ngại vật, việc di dời hệ thống đường dây điện, ống nước, một số vướng mắc trong giải phóng mặt bằng… Tuy nhiên, trên công trường, các mũi thi công vẫn đang tập trung rất cao.
Các đơn vị triển khai thi công công trình. |
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nhấn mạnh chỉ đạo, dự án phải hoàn thành và đưa vào sử dụng trước ngày 25/01/2022. Đề nghị các sở, ngành, địa phương và Ban Quản lý dự án tập trung cao công tác giải phóng mặt bằng, khẩn trương di chuyển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi, nhanh chóng bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu phục vụ công tác thi công.
Ban Quản lý dự án phối hợp với nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát tổ chức thi công hợp lý, bù tiến độ những hạng mục bị chậm để hoàn thành theo đúng tiến độ chung của dự án. Trong quá trình thi công phải kiểm soát chất lượng, các vấn đề về an toàn lao động, tổ chức điều tiết phân luồng để đảm bảo an toàn giao thông, các quy định về phòng chống dịch bệnh…
Nguồn: Báo xây dựng