Hải Phòng: Giảm phát thải carbon trong sản xuất công nghiệp, tiến tới tới Net-Zero vào 2050.
Hải Phòng: Giảm phát thải carbon trong sản xuất công nghiệp, tiến tới tới Net-Zero vào 2050.
Hội thảo “Đạt mục tiêu Net-Zero: Hoa Kỳ – Việt Nam, giảm phát thải carbon trong sản xuất công nghiệp tại thành phố Hải Phòng” góp phần đẩy nhanh công tác xây dựng hệ thống KCN sinh thái tại Hải Phòng, gắn liền các hoạt động công nghiệp với môi trường.
Sáng 17/1, tại Trung tâm hội nghị thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đạt mục tiêu Net-Zero: Hoa Kỳ – Việt Nam, Giảm phát thải carbon trong sản xuất công nghiệp tại thành phố Hải Phòng”.
Hội thảo “Đạt mục tiêu Net-Zero: Hoa Kỳ – Việt Nam, giảm phát thải carbon trong sản xuất công nghiệp tại thành phố Hải Phòng” thuộc phạm vi Quỹ dự án chiến lược công nghệ sạch (CTSPF) là kết quả của những trao đổi tích cực, cụ thể, có chiều sâu của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng với Thương vụ Hoa Kỳ tại Việt Nam (thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam về kết nối các hoạt động thương mại song phương trong lĩnh vực năng lượng giữa hai quốc gia cũng như các vấn đề về giảm phát thải carbon về “0” và đối phó với biến đổi khí hậu).
Dự Hội thảo, về phía Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam có ông Marc E. Knapper, Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam; ông Stephen L. Green, Tham tán Thương mại; Tiến sĩ Ananth Chikkatur, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID V-LEEP II) và các thành viên thuộc Thương vụ Hoa Kỳ và Văn phòng Năng lượng.
Về phía thành phố Hải Phòng có ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố; ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp, các nhà đầu tư lớn có cam kết hướng tới mục tiêu Net-Zero trên địa bàn thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường khẳng định, đây là hoạt động nhằm tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác, trao đổi nghiên cứu với các cơ quan thuộc Chính phủ Hoa Kỳ về các lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh như công nghệ cao, sản xuất chíp, công nghệ bán dẫn, giảm phát thải carbon. Đặc biệt là hoạt động thương mại song phương trong lĩnh vực năng lượng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, giữa thành phố Hải Phòng với Thương vụ Hoa Kỳ thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; góp phần thực hiện cam kết tại Hội nghị COP 26 trong việc chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, góp phần phát triển xanh, phát triển bền vững, hoàn thành mục tiêu Net-Zero vào năm 2050.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nhấn mạnh, qua Hội thảo sẽ góp phần đẩy nhanh các công tác xây dựng hệ thống KCN sinh thái tại Hải Phòng, gắn liền các hoạt động công nghiệp với môi trường và phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Hội thảo không chỉ có ý nghĩa quan trọng với các KCN đang vận hành mà còn góp phần định hướng, kiến tạo cho các KCN mới, KKT mới phía Nam thành phố.
Tại Hội thảo, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên đã giới thiệu các thông tin tổng quan và định hướng phát triển các Khu công nghiệp, Khu kinh tế (KCN, KKT) trên địa bàn thành phố, cùng việc thích ứng và bắt kịp với xu hướng toàn cầu về chuyển đổi xanh. Hải Phòng hiện có 14 KCN đang hoạt động, các KCN này được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với diện tích 6.080 ha đã tạo ra quỹ đất sản xuất công nghiệp hơn 4.000 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt khoảng 60,5%.
Hiện nay, thành phố đang tập trung nguồn lực, tăng cường các công tác chuyển đổi xanh, giảm phát thải CO2 trong các KCN, tiến tới xây dựng và phát triển mở rộng mô hình KCN sinh thái trên địa bàn thành phố. Tính đến thời điểm này, Hải Phòng đã có 2 KCN sinh thái là Tổ hợp KCN DEEP C và KCN Nam Cầu Kiền.
Hội thảo còn được nghe các diễn giả từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam trao đổi, trình bày và thảo luận nhiều nội dung quan trọng, tập trung vào các chủ đề: Tối ưu hoá sử dụng năng lượng trong các KCN; tối ưu hoá hiệu quả năng lượng thông qua quy hoạch, thiết kế, triển khai lưu trữ năng lượng, cơ sở hạ tầng, liên kết; phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam gắn với sử dụng năng lượng sạch trong việc giảm phát thải carbon từ sản xuất công nghiệp; tiết kiệm năng lượng và tận dụng tín chỉ carbon hướng đến ngành sản xuất công nghiệp bền vững. Đồng thời, các đại biểu Hoa Kỳ cũng đưa tới Hội thảo nhiều sáng kiến của Hoa Kỳ về sản xuất bền vững…
Ông Marc E. Knapper, Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam cho hay, Hội thảo ngày hôm nay là một bước nhảy vọt trong quan hệ của 2 quốc gia. Ông tin tưởng rằng, các bên có thể tiếp tục thu hút đầu tư giữa 2 quốc gia và quan hệ đối tác này thể hiện tầm quan trọng của 2 quốc gia cùng nhau hướng tới tương lai, đặc biệt trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng. “Hôm nay, Hoa Kỳ có măt ở đây để thể hiện sự ủng hộ của Hoa Kỳ, không chỉ đối với Việt Nam mà cả thành phố Hải Phòng. Các bên cùng nhau có thể thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đầy hoài bão về phát thải ròng bằng 0”, ông Marc E. Knapper chia sẻ.
Với mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2025, để đạt được mục tiêu đầy khát vọng này, hoạt động đầu tư vào ngành điện là rất quan trọng. Hoa Kỳ cam kết khử carbon trong các KCN, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo dựng một tương lai bền vững hơn cho người dân Hoa Kỳ.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường đã thông tin, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 15/9/2022 triển khai hành động thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2050. Trong đó thể hiện tầm nhìn và bằng mọi nỗ lực đạt được mục tiêu về lượng khi thải ròng bằng “0” và đến nay, thành phố làm được một số việc.
Trong quản lý Nhà nước, UBND thành phố đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng khi cấp phép đầu tư phải luôn chú trọng thẩm định yếu tố sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, tái sử dụng nước trong sản xuất, cam kết xử lý nước thải đạt, sử dụng hiệu quả các diện tích đất mặt nước, bãi bồi ven sông, bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, bảo đảm duy trì tỷ lệ cây xanh trong KCN ở mức 20%. Các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN, KKT đều bắt buộc phải thực hiện kiểm kê nhà khí nhà kính, từng bước chuyển đổi sử dụng năng lượng truyền thống sang các dạng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện biomass, điện LNG, hydrogen.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, để khởi đầu một khát khao bảo vệ tương lai và hiện thực hóa các cam kết COP26 tại Glasgow, thành phố Hải Phòng đang khẩn trương xây dựng một KKT mới, phía Nam Hải Phòng – một KKT sinh thái, phát triển bền vững tích hợp với các hoạt động kinh tế tuần hoàn với diện tích hơn 20.000 ha. Đây chính là minh chứng rõ nét nhất để khẳng định thành phố Hải Phòng đã hành động trong chiến dịch biến đổi khí hậu.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị