Hải Phòng: Đô thị thông minh

(Xây dựng) – Hải Phòng là thành phố cảng quan trọng, là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ thuộc Vùng duyên hải Bắc Bộ. Là đô thị loại I, đồng thời là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, việc nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được ngành Xây dựng TP Hải Phòng đặc biệt chú trọng.

Hải Phòng: Đô thị thông minh

Hải Phòng xác định công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch là một trong những giải pháp then chốt, có vai trò quyết định đối với sự phát triển của thành phố. Cụ thể, triển khai Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 15/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố, TP Hải Phòng đã trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là đồ án quy hoạch có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để định hướng phát triển đô thị thành phố trong tương lai.

Thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục đẩy nhanh phát triển đô thị theo 3 hướng đột phá; nhanh chóng hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I, hướng tới tiêu chí của đô thị loại đặc biệt, đô thị thông minh. Xây dựng NTM kiểu mẫu theo hướng hiện đại, văn minh, với tiêu chí, chất lượng nâng cao; đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa, đặc biệt là chuẩn bị điều kiện chuyển một số huyện thành quận; bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của người dân, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhằm nâng cao chất lượng sống của Nhân dân, tăng tỷ lệ đất cây xanh đô thị, thời gian qua, các cấp chính quyền thành phố đã tập trung triển khai các chương trình như Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 của HĐND Thành phố về cơ chế hỗ trợ vật tư, cải tạo một số công viên, vườn hoa và trồng mới cây xanh trên địa bàn các quận, trồng mới thêm 3.302 cây xanh; Chương trình đầu tư xây dựng công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn các quận, giai đoạn 2021 – 2025 theo Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 12/4/2022 của HĐND Thành phố, với mục tiêu chỉnh trang, nâng cấp đô thị, tạo cảnh quan, nâng cao chỉ tiêu cây xanh, công viên, vườn hoa.

Dự kiến đầu tư tiếp 54 công viên, vườn hoa, với mục tiêu xanh hóa đô thị, nâng cao chất lượng sống của Nhân dân, góp phần hoàn thiện tiêu chí đô thị loại I, hướng tới mục tiêu đô thị loại đặc biệt vào năm 2030, theo yêu cầu Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng.

Đáng chú ý, trên địa bàn thành phố có khoảng 205 chung cư cũ, trong đó đã hoàn thành đầu tư xây dựng 7 tòa chung cư mới trên nền hiện trạng 31 chung cư cũ và hiện đang tiếp tục hoàn thiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ theo quy định. HĐND Thành phố đã thông qua Đề án xây dựng NƠXH kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ còn lại trên địa bàn thành phố tại Nghị quyết số 04/NQ-HDND ngày 12/4/2022 về xây dựng NƠXH, kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố, góp phần phát triển quỹ NƠXH trên địa bàn thành phố, kết hợp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, góp phần ổn định đời sống dân sinh.

Nhằm phát triển đô thị thành phố bứt phá về kinh tế – xã hội, phát triển, mở rộng đô thị, đáp ứng vai trò, vị trí của thành phố trong tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, trong các năm tiếp theo, TP Hải Phòng sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về phát triển đô thị TP Hải Phòng, trong đó tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế.

Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng và triển khai xây dựng Đề án thành lập khu thương mại tự do tại TP Hải Phòng.

Quy hoạch mở rộng quỹ đất để thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, trọng tâm là kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Ưu tiên quỹ đất để phát triển các ngành kinh tế chủ lực, có lợi thế để phát triển bứt phá 3 trụ cột chủ yếu: Công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao; thương mại, dịch vụ cảng biển và logistics; du lịch.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đang thực hiện lập Đề án số hóa cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng sử dụng chung trên địa bàn thành phố, nhằm phục vụ nhu cầu quản lý, thiết lập hệ thống dữ liệu và công cụ phục vụ công khai thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, nhằm đảm bảo sự thống nhất và phù hợp quy hoạch giữa các ngành, khớp nối giữa các quy hoạch liền kề.

Cuối cùng là chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Phấn đấu triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hóa và Nhà ga hành khách số 2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, thành phố xác định các giải pháp đột phá trong những năm tới: Xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng mang bản sắc đặc trưng riêng của thành phố cảng biển; tập trung cao cho công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Đẩy nhanh tốc độ phát triển, mở rộng không gian đô thị. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, triển khai quyết liệt các thủ tục đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng. Phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước, với trọng tâm là phát triển hạ tầng du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố, gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa.

Với cơ chế đặc thù được thông qua và những giải pháp tổng thể, đồng bộ, TP Hải Phòng hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm kết nối vùng, liên kết vùng, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển phồn thịnh của đất nước.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích