Hải Phòng: Cầu Rào tiếp tục đảm nhiệm vai trò kết nối giao thương

Là cây cầu có lịch sử lâu đời

Cầu Rào được xây dựng lần đầu tiên dưới thời Pháp thuộc, nằm trên tuyến đường từ Hải Phòng đi Đồ Sơn, có tên là đường 14 (còn được gọi là đường 353, tức đường Phạm Văn Đồng ngày nay). Lúc đầu, cầu nằm ở gần cổng khách sạn Chuyên gia hiện nay, làm bằng sắt, dài 174 m. Cầu thuộc địa phận làng Rào (tên nôm của làng An Khê) nên mang tên cầu Rào từ đó. Cuối năm 1946, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, quân Việt Minh đã lột hết ván lát mặt cầu và phá một số thanh giằng ngang. Năm 1947, thực dân Pháp đã sửa lại và đặt lô cốt ở hai đầu cầu để bảo vệ. Năm 1969, cầu lại bị quân đội Mỹ ném bom phá sập. Sau năm 1976, cầu Rào được xây dựng lại ở vị trí hiện nay với chiều dài 174 m, chiều rộng 12 m. Ngày 28/01/1980, cầu được khánh thành. Tuy nhiên, vòa ngày 16/7/1987, cầu bị sập nhịp mố phía Bắc nên phải dỡ bỏ và xây lại bằng sắt với hai làn xe như hiện nay, hoàn thành năm 1989.

40 năm qua, cầu Rào bền bỉ với vai trò kết nối, là cửa ngõ giao thương quan trọng giữa Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển thành phố theo từng giai đoạn cụ thể. Đến nay, cầu đã xuống cấp, mặt cầu phần xe chạy chỉ rộng 7m nên không còn đáp ứng được lưu lượng phương tiện ngày càng tăng và thường xuyên gây ùn tắc giao thông cục bộ trong khu vực. Ngày 13/10/2020, UBND thành phố Hải Phòng quyết định khởi động  xây dựng mới cầu Rào với thiết kế vĩnh cửu để thay thế cầu cũ.

Phối cảnh cầu Rào mới, điểm nhấn về cảnh quan, kiến trúc cửa ngõ phía Nam thành phố Cảng

Đây là công trình mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, kỳ vọng đáp ứng nhu cầu phát triển và góp phần thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, từng bước cụ thể hoá Chương trình hành động thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 45/NQ-TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, sẽ “xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không”.

Được thiết kế mới, vĩnh cửu

Cầu Rào là công trình giao thông cấp đặc biệt với quy mô đầu tư vĩnh cửu bằng thép, bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Cầu chính dài khoảng 456,5m, rộng 30,5m, bố trí theo sơ đồ: ((33+35,2) + 115 + (35,2+3×33) + 4×33)m, gồm 3 vòm thép và 6 nhịp dẫn bằng dầm bản rỗng, quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, dải phân cách, dải an toàn, vỉa hè hai bên. Các cầu nhánh phía đường Lạch Tray gồm 02 nhánh rẽ lên xuống, kết cấu dầm bản bê tông cốt thép, dạng hoa thị đơn trộn dòng, bề rộng mặt cắt ngang Bcn=9m, kết nối với nút giao tầng 1 tạo thành nút giao hình xuyến kết hợp kênh hóa bằng các đảo giao thông ở tầng 1 để đi các hướng đường Ngô Gia Tự, đường Thiên Lôi, đường 353 và đường Lạch Tray. Lắp đặt đồng bộ hệ thống chiếu sáng, chiếu sáng mỹ thuật, biển báo hiệu đường thủy, đường bộ. Xây dựng công viên cảnh quan hai đầu cầu; Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên tuyến đường Lạch Tray, trong đó đảm bảo chiều rộng vỉa hè mỗi bên khoảng 5m; Tổng mức đầu tư: 2.265.197.934.000 đồng (chi phí xây dựng là 1.102.274.415.000 đồng) bằng nguồn ngân sách thành phố.

Thời gian thực hiện dự án từ  2019- 2022 và phấn đấu thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2021 theo đúng tiến độ đề ra. Cầu mới hoàn thành sẽ tiếp tục bền bỉ với vai trò phục vụ đời sống dân sinh và đảm nhiệm vai trò giao thương quan trọng trong quá trình phát triển chung của thành phố.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích