Hải Phòng bảo tồn, phát huy tinh hoa các công trình kiến trúc Pháp
Trải qua hơn 100 năm, các công trình kiến trúc Pháp tại Hải Phòng vẫn đang được sử dụng và trở thành di sản có giá trị văn hóa, mang tính thẩm mỹ cao, phản ánh sự giao thoa văn hóa Pháp-Việt.
Nhà hát thành phố Hải Phòng mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp. (Nguồn: Nhà hát thành phố Hải Phòng) |
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, thành phố hiện có 300 biệt thự kiểu Pháp; trong đó, hơn 100 công trình có kiến trúc độc đáo và có giá trị văn hóa, lịch sử, tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm thành phố.
Để bảo tồn, phát huy giá trị của những công trình kiến trúc tiêu biểu này, thành phố Hải Phòng có nhiều giải pháp cụ thể.
Những công trình tiêu biểu
Đô thị Hải Phòng đã tồn tại và phát triển hơn 100 năm, cùng với các di sản kiến trúc tiêu biểu là các khu phố cũ quy hoạch theo ô bàn cờ với kênh đào Bonnal được xây dựng từ thời Pháp thuộc (nay là dải công viên trung tâm) đã tạo nên bản sắc riêng của thành phố cảng biển mà không một đô thị nào ở Việt Nam có được.
Kiến trúc tại khu phố Pháp tồn tại đến ngày nay có thể định dạng làm hai loại. Thứ nhất, đó là dạng nhà phố, biệt thự, dinh thự, trường học được thiết kế theo phong cách địa phương Pháp và sau này là phong cách kiến trúc Đông Dương.
Thứ hai, đó là các công trình công cộng mang phong cách cổ điển, tân cổ điển châu Âu như Nhà hát thành phố và quảng trường Nhà hát, Ngân hàng Pháp-Hoa (nay là Bảo tàng thành phố), Bưu điện Hải Phòng.
Các công trình này hầu hết tập trung tại các khu phố nằm trên địa bàn quận Hồng Bàng như các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, Hồ Xuân Hương, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, một phần nhỏ khác nằm trên địa bàn quận Ngô Quyền và Lê Chân.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Thọ, thành phố Hải Phòng thành lập năm 1888 đã có bề dày phát triển. Một trong những điểm nhấn rất quan trọng tạo nên bộ mặt của thành phố chính là khu đô thị trung tâm, nơi hội tụ nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu, rất có giá trị về kiến trúc, văn hóa và nghệ thuật, thể hiện sự hòa trộn của các nền văn hóa đa dạng, phong phú, trong đó nhiều công trình mang đậm dấu ấn kiến tạo thuở ban đầu của kiến trúc Pháp.
Trải qua hơn 100 năm, các công trình này vẫn đang được sử dụng và trở thành di sản có giá trị về văn hóa, mang tính thẩm mỹ cao, góp phần tạo nên một diện mạo đô thị Hải Phòng vừa cổ kính, vừa hiện đại, phản ánh sự giao thoa của hai nền văn hóa Pháp-Việt Nam tại Hải Phòng.
Đó cũng chính là một trong những tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để Hải Phòng phát triển kinh tế, xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa.
Gìn giữ tinh hoa kiến trúc
Việc gìn giữ, phát huy giá trị của những công trình xây dựng từ thời Pháp thuộc nói riêng, các công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử nói chung được thành phố, các sở, ngành, đơn vị tại Hải Phòng đặc biệt quan tâm.
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng giới thiệu với ông Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam các kiến trúc Pháp tiêu biểu tại Hải Phòng. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN) |
Theo ông Nguyễn Đức Thọ, ngày 13/7/2021, thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 1981 về việc thành lập Hội đồng xác định Danh mục nhà ở, công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật, giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử cần giữ gìn, tôn tạo và bảo vệ trên địa bàn thành phố, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình này trên địa bàn.
Để gìn giữ, bảo tồn những công trình này, đã có nhiều hội thảo, tọa đàm được tổ chức nhằm tìm ra hướng đi trong việc gìn giữ, phát huy giá trị về quy hoạch, kiến trúc Pháp trong lòng thành phố Hải Phòng.
Đáng chú ý, trước nguy cơ biệt thự Pháp dần bị xuống cấp, mai một, thời gian qua thành phố đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn, lưu giữ những công trình tạo điểm nhấn cho kiến trúc đô thị Hải Phòng.
Các công trình có giá trị văn hóa hiện đang là trụ sở của các cơ quan trên địa bàn thành phố được quan tâm cải tạo, sửa chữa trên cơ sở giữ nguyên vẹn kiến trúc đã có.
Trong tọa đàm khoa học “ Bảo tồn và phát huy giá trị khu đô thị trung tâm thành phố: Cơ hội, thách thức và giải pháp” do Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng phối hợp với Sở Xây dựng Hải Phòng vừa tổ chức vào trung tuần tháng 11, bà Đồng Thị Vân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thành phố sẽ nghiên cứu lập và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hải Phòng, trong đó sẽ có những quy định cụ thể về quản lý kiến trúc đối với trung tâm đô thị lịch sử (khu phố cũ có giá trị về lịch sử, kiến trúc).
Trước mắt, thành phố Hải Phòng đã triển khai một số giải pháp cụ thể như xây dựng “Đề án quản lý các công trình kiến trúc có giá trị cần được giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ tại thành phố Hải Phòng;” lập kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm và các cơ sở khác không còn phù hợp với quy hoạch toàn thành phố, trong đó có khu vực đô thị lõi trung tâm thành phố cũng như tiếp tục nghiên cứu các giải pháp và bố trí nguồn lực để triển khai các dự án góp phần cải thiện hạ tầng kỹ thuật của khu vực trung tâm…
Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đã có nhiều giải pháp thiết thực để giữ gìn, phát huy giá trị của những công trình kiến trúc Pháp.
Trong tháng 11, Sở đã tham mưu để Ủy ban Nhân dân thành phố phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức thành công khai mạc Triển lãm “Hải Phòng-Pháp Heritage” với chủ đề “Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai.”
Tiếp ngay sau đó, Sở chỉ đạo Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan biểu diễn vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” của Đại văn hào người Pháp Victor Hugo.
Đến tham quan triển lãm “Hải Phòng-Pháp Heritage,” sinh viên Hoàng Bảo Lâm, Trường Đại học Hải Phòng bày tỏ khi được xem tổng thể tư liệu, hình ảnh trưng bày, em hình dung rõ nét hơn về quá trình hình thành của những công trình kiến trúc nổi bật của thành phố. Qua triển lãm, em thêm yêu, thêm tự hào về những giá trị kiến trúc, nghệ thuật độc đáo, riêng có của thành phố nơi mình sinh ra, lớn lên.
Lần đầu tiên vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” được biểu diễn tại Hải Phòng. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN) |
Chia sẻ sau khi xem vở nhạc kịch “Những người khốn khổ,” bà Bùi Thanh Nhàn ở phố Cát Dài cho biết, bà đã sinh sống ở châu Âu trong 30 năm. Dịp về thăm quê hương đợt này, bà thấy Hải Phòng đổi thay thực sự, đặc biệt là sự thay đổi trong đời sống văn hóa nghệ thuật.
Khi xem kịch, trong không gian đặc trưng của Nhà hát thành phố, với bộ môn nghệ thuật đặc trưng của châu Âu và sự tham gia diễn xuất của cả diễn viên trong và ngoài nước, bà Nhàn cảm nhận một không gian châu Âu ngay trong lòng đất Cảng./.
Nguồn: Báo xây dựng