Hải Phòng ban hành Công điện tập trung ứng phó mưa lũ
Hiện nay mực nước trên các sông Luộc và sông Văn Úc đang lên. Các sông Lạch Tray, Bạch Đằng, Cấm dao động theo thủy triều và ảnh hưởng mực nước lũ thượng nguồn đang lên. Mực nước cao nhất lúc 07h ngày 11/9 trên sông Luộc (tại trạm Chanh Chử) là 3,16m, trên báo động BĐ2 là 0,16m; trên sông Văn Úc (tại trạm Trung Trang) là 2,29m, dưới BĐ2 0,01m; trên các sông Cấm, Lạch Tray, Bạch Đằng mực nước đang lên dần và ở dưới mức báo động 1. Do đó, TP.Hải Phòng cảnh báo nguy cơ ngập lụt tại các vùng vũng thấp ven sông, gây sạt lở đất khu vực ven các sông Luộc, Cấm, Lạch Tray, Bạch Đằng và sông Văn Úc. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Công điện 06/CĐ-CT
Theo bản tin dự báo vào lúc 13h ngày 11/9, cho biết, trong 6-12h tới: Mực nước trên sông Luộc (tại trạm Chanh Chử) tiếp tục lên và duy trì ở mức báo động 3; Mực nước trên sông Văn Úc (tại trạm Trung Trang) tiếp tục lên và duy trì ở mức trên báo động 3; Mực nước trên sông Lạch Tray (tại trạm Kiến An) tiếp tục lên đến báo động 3 sau đó đến chiều tối nay xuống chậm (diễn biến xu thế mực nước vẫn lên xuống theo thủy triều); Mực nước trên sông Cấm (tại trạm Cửa Cấm) và sông Bạch Đằng (tại trạm Do Nghi) lên dần đạt mức trên báo động 1 đến báo động 2 sau đó chiều tối nay xuống chậm (diễn biến xu thế mực nước vẫn lên xuống theo thủy triều).
Các lực lượng vẫn đang khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Trong 12 – 24h tới: Mực nước trên sông Luộc (tại trạm Chanh Chử) tiếp tục lên và duy trì ở mức trên báo động 3; Mực nước trên sông Văn Úc (tại trạm Trung Trang) tiếp tục lên và duy trì ở mức trên báo động 3; Mực nước trên sông Lạch Tray (tại trạm Kiến An) xuống chậm theo thủy triều sau đó lên đến báo động 3 vào sáng mai (diễn biến xu thế mực nước vẫn lên xuống theo thủy triều); Mực nước trên sông Cấm (tại trạm Cửa Cấm) và sông Bạch Đằng (tại trạm Do Nghi) xuống chậm theo thủy triều sau đó lên đến báo động 2 đến báo động 3 vào sáng mai.
Hải Phòng huy động mọi nguồn lực khắc phục hậu quả bão số 3
Trước tình hình đó, TP. Hải Phòng ban hành Công điện số 06/CĐ-CT với nội dung: yêu cầu UBND các quận, huyện thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến và tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến các tổ chức và người dân có hoạt động trên sông, ven sông, bão sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy, các bến đò ngang, đò dọc biết để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn; Nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu vào mái đê, kè mái đê, cột điện trên bãi sông gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều và lưới điện. Nghiêm cấm xe vượt quá tải trọng cho phép chạy trên đê.
Tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê; Phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các vị trí đã xảy ra sự cố; Các công trình đang thi công dở dang theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; Chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; Hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán, đảm bảo không bỏ sót người dân; Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống ngay từ giờ đầu.; Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trên địa bàn; Rà soát, có phương án đảm bảo tiêu thoát nước đô thị, khu dân cư và vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các công trình đang thi công ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước; Sẵn sàng phương án tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.
Chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa lớn, dông, lốc, sét, gió giật mạnh và sạt lở đất để giảm thiểu thiệt hại.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn và các địa phương tổ chức kiểm tra triển khai các biện pháp an toàn đê điều, công trình thi công dở dang, rà soát quy trình vận hành đảm bảo chủ động khi có sự cố xảy ra. Hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho lúa và hoa màu, thực hiện xử lý sự cố về đê điều.
Giao các đơn vị: Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng phương án hỗ trợ sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; Tổ chức, cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xảy ra; Công an thành phố chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường tuần tra, yêu cầu các chủ phương tiện tổ chức neo đậu đúng nơi quy định, đảm bảo hành lang thoát lũ, an toàn giao thông đường thủy trên các tuyến sông; …
Giao Sở Du lịch bảo đảm an toàn cho phương tiện, du khách và dân cư ở các điểm, khu du lịch; Sở Y tế phối hợp với các địa phương xử lý các vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường, nguồn nước sinh hoạt, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, … do mưa lũ gây ra; Sở Giao thông vận tải chủ động phối hợp Công an thành phố bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại tuyến giao thông ngập, úng.
Các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng vận hành tối đa các công trình đầu mối tiêu để hạ thấp mực nước hệ thống thuỷ lợi, tiêu thoát nước; Bố trí nhân lực kiểm tra, giải toả các điểm ách tắc cục bộ; Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thực hiện các phương án đảm bảo an toàn các cống dưới đê; Chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống úng đối với các công trình trọng điểm, vùng úng trọng điểm; Tổ chức khơi thông dòng chảy, vớt bèo, rác, giải tỏa các đăng, đó, vật cản trên các tuyến kênh, cống thoát nước trên các tuyến phố, khu dân cư; Khẩn trương kiểm tra, khắc phục các sự cố do công trình bị hư hỏng, đảm bảo tiêu úng;…
Nguồn: hoanhap.vn