Hài hòa với dòng chảy cội nguồn
Hà Nội gắn liền với sông Hồng từ muôn đời nay, tiếp nhận món quà từ sông để làm nên bản sắc, ngàn năm dựa vào sông mà vẫn thường trực một nỗi e ngại trước sự hung dữ của dòng sông.
Chế ngự dòng lũ để sinh tồn… rồi quay lưng vào sông khi nào chẳng hay! Thế nhưng, khát vọng chung sống hài hòa với dòng chảy cội người để tạo dựng thành phố bên sông vẫn luôn là đích đến của Thủ đô trong hiện tại và tương lai.
Ảnh: Nhật Nam |
Thành phố sinh ra từ nước
Bản giao hưởng của đất và nước hàng ngàn năm đã kiến tạo nên miền Hà Nội cổ có địa hình độc đáo với rất nhiều sông và hồ. Khi biển tiến, bề mặt địa hình được san phẳng, bồi tụ bởi những trầm tích được dòng nước mang tới. Khi biển thoái, để lại những dòng sông cổ ôm quanh các dải đồng bằng tích tụ phù sa màu mỡ.
Những sông Hồng, sông Thiếp, sông Đáy, sông Tích… uốn lượn trên các bãi bồi hình thành sau khi biển rút ra xa, tạo nên sự dịch chuyển của các lòng sông cổ và để lại rất nhiều hồ, đầm rải rác khắp miền Hà Nội cổ. Những dòng chảy hàng trăm năm đã bồi đắp cho các vùng đất cổ trở nên trù phú và mang sức phát triển mới với những khu rừng rậm rạp cùng hệ động thực vật càng ngày càng trở nên phong phú.
Cư dân Việt cổ men theo dòng chảy của nước, từ vùng trung du tìm về khai phá những địa vực hai bên sông Hồng trên hai sườn Tam Đảo; hai bên bờ sông Đáy khu vực Đan Phượng, Hoài Đức; Tây Vu trên sông Thiếp – vùng Cổ Loa ngày nay biến Hà Nội thành miền đất cư dân trù mật với đời sống kinh tế – xã hội – văn hóa phát triển ngày càng rực rỡ.
Thục An Dương Vương, sau khi lập quốc, cũng theo dòng nước về miền Hà Nội mà định đô rồi lại lấy sông làm hào, dựa vào gò đồi mà xây thành đắp lũy, xây dựng nên thành Cổ Loa – vừa là kinh đô cổ nhất Đông Nam Á vừa là quân thành với cả bộ binh và thủy quân. Ngàn năm sau, Lý Thái Tổ cũng theo dòng nước đến miền đất “Nhị Hà quanh bắc sang đông/ Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này”, “nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” để định đô an quốc.
Những dòng chảy cứ thế mà quấn quýt với miền đất nơi đây, mang đến nguồn sống dồi dào qua bao năm tháng. Vị phù sa trong từng làn nước luồn lách qua từng bãi lúa, nương ngô, từng đồng cái, ruộng ngô… để bồi đắp cho hoa màu, cây cối phát triển, tốt tươi. Những nheo, ngạnh, trắm, chép… không chỉ là thức ngon, mà còn là món quà quý giá mà sông nước ban tặng cho cư dân của “thành phố trong sông”.
Nhưng, có lẽ món hồi môn quý giá nhất mà những dòng sông tặng cho Hà Nội chính là những hồ đầm sót lại sau những cuộc lột xác – chuyển mình. Những hồ Tây, hồ Gươm, hồ Linh Đàm, đầm Vân Trì… không chỉ mang lại cảnh quan sinh thái, điều hòa không khí, điều tiết nước mặt, mà còn mang bao huyền tích kỳ bí, bao câu chuyện, bài thơ lãng mạn góp phần không nhỏ làm nên một Thăng Long nghệ thuật và huyền thoại.
Cũng chính những dòng sông đã kết nối mọi miền, đem tinh hoa hội tụ về với miền đất trung tâm châu thổ. Cũng là những dòng sông với vô số bến chợ tiếp nhận nông sản hàng hóa từ khắp miền xuôi ngược và cũng thuận lợi trung chuyển hàng hóa đi khắp nơi, làm nên cái tên Kẻ Chợ lưu truyền cho đến ngày nay.
Khát vọng chung sống hài hòa
Nhưng “sông cũng như người ấy/ có khi vui buồn có khi hờn ghen” mà cuộn trào mỗi mùa nước về. Hàng ngàn năm chung sống, ước vọng chế ngự dòng nước giận dữ mùa mưa lũ đã có từ bao đời và được gửi gắm vào truyền thuyết. Sơn Tinh đánh thắng Thủy Tinh, để huyền thoại ấy trở thành hiện thực, từ thời Đại La đến thành Thăng Long rồi nay là Hà Nội, những “thế hệ Sơn Tinh” nối tiếp đắp đê ngăn nước. Nước lũ cao đến đâu, đê đắp cao đến đó, có nơi cao tới 15m.
Hàng ngàn năm thiết lập và nỗ lực không ngừng nghỉ, hệ thống đê điều và hồ đập thủy lợi giờ đây đã đảm bảo an toàn cho Thủ đô trước áp lực tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm của hệ thống sông Hồng lên tới 10,7 tỷ mét khối. Đồng thời, khai thác hiệu quả nguồn năng lượng thủy điện to lớn; cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp vào mùa khô ở hạ lưu.
Kể từ năm 1971, trên hệ thống sông Hồng chúng ta đã xây dựng các hồ thủy điện lớn như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình trên sông Đà; Huội Quảng, Bản Chát trên sông Nậm Mu; Thác Bà trên sông Chảy, Tuyên Quang trên sông Gâm. Một hệ thống hồ chứa hoàn chỉnh, trong phạm vi rộng 87.760km2, chiếm 52% diện tích lưu vực sông Hồng, một quy trình vận hành liên hồ khoa học đã đảm bảo giữ mực nước sông Hồng tại Hà Nội không vượt quá cao trình 13,4m, với chu kỳ lên đến 500 năm.
Bài toán thoát lũ không còn là vấn đề, đặc biệt với sự trợ giúp của tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay. Siêu bão số 3 (Yagi) vừa qua gây hậu quả nghiêm trọng cho nhiều địa phương miền Bắc, nhưng cũng là “phép thử” cho tính hiệu quả của hệ thống hồ chứa đã xây dựng hơn 50 năm qua: Mực nước sông Hồng tại Hà Nội lên cao nhất trong vòng 20 năm qua, nhưng cũng không vượt quá báo động 3 (11,5m).
Nhưng khát vọng của một thành phố sinh ra từ nước không phải là tách rời, cô lập, khống chế dòng sông. Bởi nước là cội nguồn sự sống, bởi dòng nước sinh ra và ôm ấp miền đất Hà Nội; bởi dòng nước cũng đã bao năm cong mình “gánh” nước qua phố mà nuôi dưỡng đất đai; bởi dòng nước bồi đắp văn hóa, đời sống tinh thần của bao thế hệ. Và, cũng dòng nước ấy là chứng nhân lịch sử của những thăng trầm đất Thăng Long.
Bởi thế nên dù cho có đê cao, dù cho quy định hành lang thoát lũ ven sông hạn chế xây dựng, nhưng những ngôi nhà ven sông vẫn thu hút không chỉ người lao động nhập cư tìm về cư ngụ. Dường như truyền thống văn hóa của nền văn minh lúa nước đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người Việt Nam, khiến cho sự gắn bó với những con nước trở thành bản thể.
Không thể vì sợ ảnh hưởng thoát lũ mà để thành phố tiếp tục “quay lưng” lại với sông Hồng, Hà Nội đang thận trọng – khoa học, với tư tưởng hài hòa cho một chiến lược quy hoạch thành phố bên sông. Với ý tưởng tạo dựng các thiết chế văn hóa ở các trục không gian như hệ thống trung tâm văn hóa dọc bờ Bắc và bờ Nam sông Hồng; trục kết nối không gian Thành cổ Hà Nội và trục Tây Hồ Tây – Hồ Tây – Cổ Loa; tổ chức các không gian lễ hội văn hóa, các sự kiện văn hóa lớn của Thủ đô; công trình văn hóa cấp thành phố, đào tạo chuyên ngành nghệ thuật, công viên vui chơi, giải trí, quảng trường lớn kết hợp với tượng đài, công viên chuyên đề; không gian sinh hoạt văn hóa được xây dựng mới kết hợp với tổ hợp công trình công cộng, đa chức năng…
Bên cạnh đó hình thành những không gian sáng tạo mang bản sắc riêng gắn với thiên nhiên ở bãi sông Hồng. Để sau này, những con nước lên xuống hay dòng lũ dâng cao không còn là nỗi sợ hãi mà trở thành cảm hứng sáng tạo vô tận. Hành lang thoát lũ cùng hành lang tái hiện lịch sử văn hóa và sáng tạo nghệ thuật có thể song hành tương hỗ với nhau tạo nên một Hà Nội bên sông độc đáo và lãng mạn. Rào cản “thoát lũ” hoàn toàn có thể được giải quyết với những biện pháp kỹ thuật căn cốt dựa trên tư duy thích ứng và cách tiếp cận bền vững để hiện thực hóa khát vọng một thành phố soi bóng dòng sông, mở đầu cho một vòng cung xanh ôm ấp Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Nguồn: Báo xây dựng