Hải Hậu (Nam Định): Xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu từ khai thác nội lực
(Xây dựng) – Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Hải Hậu (Nam Định) ngày càng đi vào chiều sâu với nhiều cách làm hay sáng tạo của mỗi địa phương, xã, thôn, xóm.
Hải Hậu xây dựng thí điểm Nông thôn mới kiểu mẫu về “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp”. |
Huyện đầu tiên có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn Nông thôn mới
Năm 2009, huyện Hải Hậu được Ban Chỉ đạo Trung ương lựa chọn làm huyện điểm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Chỉ đến tháng 12/2014, Hải Hậu có 35/35 xã, thị trấn được UBND tỉnh Nam Định công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Ngày 23/6/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận huyện Hải Hậu đạt chuẩn Nông thôn mới, là huyện thứ 5 của cả nước và là huyện đầu tiên có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn Nông thôn mới.
Theo Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hải Hậu cho biết: “Xác định xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng, ngay sau khi trở thành huyện thứ 5 của cả nước đạt chuẩn Nông thôn mới, Hải Hậu đã chuyển trọng tâm sang xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu”. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hải Hậu ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2016-2020 với chủ đề “Đường có điện, có hoa, nhà có tên, sông không rác, cán bộ chuyên cần, nhân dân đồng thuận”.
Năm 2018, huyện Hải Hậu tiếp tục được Trung ương chọn là một trong 4 huyện xây dựng mô hình thí điểm huyện Nông thôn mới kiểu mẫu với nội dung “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp để phát triển bền vững” giai đoạn 2019-2025. Phong trào thi đua được tuyên truyền và triển khai tới tất cả các cấp, các ngành, các thôn/xóm và toàn thể nhân dân. Cùng với đó là việc thường xuyên kiểm tra, giám sát và phân cấp quản lý, sử dụng các nguồn lực xây dựng Nông thôn mới trong toàn huyện. Do đó, xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu ở cấp huyện, cấp xã và thôn, xóm được thực hiện đồng bộ, không phát sinh khiếu kiện trong quản lý, sử dụng các nguồn lực hỗ trợ.
Hết năm 2021 toàn huyện có 34/34 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đạt Nông thôn mới nâng cao năm 2020; 332/546 xóm đạt và cơ bản đạt Nông thôn mới kiểu mẫu. Trung tâm văn hóa, thể thao huyện đạt chuẩn quốc gia; Trung tâm y tế huyện đạt chuẩn hạng III; Bệnh viện đa khoa huyện Hải Hậu duy trì đạt tiêu chuẩn hạng 2 và đang nâng cấp trở thành bệnh viện thân thiện và bệnh viện kiểu mẫu; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giao dục thường xuyên huyện đạt cấp độ I; có 6/8 trường phổ thông trung học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 lần đầu.
Hải Hậu cũng đã hình thành 4 cụm công nghiệp và 1 cụm làng nghề thu hút trên 25.000 lao động; các vùng sản xuất tập trung về lúa chất lượng, nuôi trồng thủy sản, cây dược liệu. Tổng số sản phẩm OCOP của huyện là 78, trong đó 10 sản phẩm đạt 4 sao và 68 sản phẩm đạt 3 sao.
Xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu từ nội lực
Cũng theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hải Hậu, để đạt được những kết quả nhất định đó, phương châm của huyện là xây dựng Nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu trước hết phải xuất phát từ việc khai thác nội lực, từ chính cộng đồng dân cư. Yếu tố mang tính quyết định là thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nội dung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Khai thác có hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư để xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, phát triển nhanh công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
Hải Hậu quyết tâm xây dựng Nông thôn mới bền vững. |
Năm 2022, toàn huyện phấn đấu có 75% số đơn vị cấp xóm đạt Nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 20 đơn vị cấp xã đạt Nông thôn mới kiểu mẫu. Để hướng tới đạt được mục tiêu trên, Hải Hậu đề ra các nhóm giải pháp quan trọng, đồng bộ, trong đó, tiếp tục chuyển đổi nhanh, hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch. Xây dựng và nhân rộng nhanh mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, an toàn. Ứng dụng nhanh, đồng bộ cơ giới hóa vào các khâu sản xuất chủ yếu. Tổ chức lại các vùng nuôi ven biển theo quy hoạch, lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp. Lập quy hoạch phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển…
Nguồn: Báo xây dựng