Hải Dương: Xử lý 424 công trình vi phạm trên đất rừng
Hải Dương: Xử lý 424 công trình vi phạm trên đất rừng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, tổng số công trình vi phạm trên đất rừng, đất có nguồn gốc nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh là 424 điểm
Chiều 15/8, đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương chủ trì phiên họp UBND tỉnh tháng 8 (lần 5) để xem xét, giải quyết các nội dung, tờ trình do một số sở, ngành, địa phương báo cáo.
Kết luận về nội dung xử lý công trình xây dựng trái phép trên đất rừng, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản yêu cầu cơ quan tham mưu, chính quyền địa phương đánh giá số lượng công trình được sử dụng với mục đích nhà ở. Từ đó phân loại các vi phạm theo thời kỳ và loại đất để đề xuất phương án xử lý. UBND TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn xây dựng kế hoạch với phương án xử lý cụ thể, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/8. Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng phối hợp với 2 địa phương hướng dẫn việc xử lý công trình nhà ở vi phạm. Trong quá trình xử lý phải căn cứ quy định của pháp luật và tình hình thực tế, không được quá máy móc, cứng nhắc. Việc xử lý công trình nhà ở vi phạm phải hoàn thành trong năm 2024 và bảo đảm không để phát sinh vi phạm mới.
UBND tỉnh thống nhất phương án bàn giao diện tích đất trồng cây ăn quả do Ban Quản lý rừng quản lý sang UBND TP Chí Linh quản lý. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản yêu cầu việc bàn giao phải công khai, minh bạch, lấy ý kiến của người dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng số công trình vi phạm trên đất rừng, đất có nguồn gốc nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh là 424 điểm. Bao gồm 327 công trình nhà, 74 chuồng trại chăn nuôi, 23 miếu mộ. Trong đó có 84 điểm vi phạm xây dựng trên đất lâm nghiệp và 340 điểm xây dựng trên đất trồng cây ăn quả có nguồn gốc nông, lâm trường.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất phương án xử lý vi phạm đối chiếu với quy định tại thời điểm phát sinh vi phạm. Những vi phạm là nhà ở trên đất lâm nghiệp trước ngày 1/1/2019 có diện tích không vượt quá 200 m2 với mục đích trông nom rừng nhận khoán, có thỏa thuận bằng văn bản với UBND cấp xã, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới, sửa chữa.
Công trình nhà có diện tích hơn 200 m2, có thỏa thuận với chính quyền địa phương thì yêu cầu tháo dỡ phần công trình vượt diện tích.
Công trình nhà ở không có thỏa thuận với UBND cấp xã, vận động hộ dân tự nguyện tháo dỡ, nếu không thực hiện thì chính quyền địa phương kiên quyết xử lý cưỡng chế.
Với miếu mộ, chuồng trại chăn nuôi, vận động các hộ dân tự nguyện tháo dỡ, di dời đến các điểm được quy hoạch. Các vi phạm từ ngày 1/1/2019 đến nay phải kiên quyết xử lý.
Những công trình vi phạm là lán trại tạm thời trên đất trồng cây ăn quả có nguồn gốc nông, lâm trường trước ngày 15/2/2017 thì tạm thời giữ nguyên hiện trạng, còn nhà ở kiên cố kiên quyết xử lý. Các công trình xây dựng sau ngày 15/2/2017, chính quyền địa phương phối hợp xử lý dứt điểm vi phạm, hoàn trả hiện trạng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị bàn giao hơn 526 ha đất trồng cây ăn quả lâu năm, ao hồ, phi nông nghiệp có nguồn gốc nông, lâm trường về UBND TP Chí Linh quản lý.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị