Hải Dương: Nhiều góp ý về thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hải Dương: Nhiều góp ý về thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Theo dõi MTĐT trên
Ngày 27/2, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Hội nghị đã ghi nhận 32 ý kiến đề cập những vấn đề cụ thể; trong đó có 12 địa phương cấp huyện, 3 ý kiến xã, phường, thị trấn và 17 sở, ngành có liên quan. Từ khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013, các địa phương đã đề xuất điều chỉnh một số nội dung trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nội dung về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư n
Về cơ bản, các ý kiến đánh giá Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã kế thừa Luật Đất đai hiện hành; quy định cụ thể hơn, rõ hơn, sát tình hình thực tế, đảm bảo nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Dự thảo đã mở rộng quyền của chủ thể sử dụng đất nông nghiệp.
Tham gia ý kiến về nội dung bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, lãnh đạo huyện Tứ Kỳ đề nghị bổ sung điểm b, khoản 2, Điều 85, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, nguồn gốc, thời điểm hình thành tài sản.
Với điểm b, khoản 5, Điều 87, đề nghị bổ sung thành: “Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm chủ trì lập phương án cưỡng chế và dự toán kinh phí cho hoạt động cưỡng chế trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt; bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trường hợp trên đất thu hồi có tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải bảo quản tài sản trong điều kiện bình thường; đối với tài sản dễ hư hỏng, phải bảo quản có điều kiện, vật nuôi thì được phép thanh lý ngay; chi phí bảo quản tài sản đó do chủ sở hữu chịu trách nhiệm thanh toán”; cần quy định cụ thể hơn về số ngày công khai, niêm yết phương án bồi thường, hỗ trợ và các quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc, quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất.
Ý kiến của đại biểu huyện Tứ Kỳ cũng cho rằng cần quy định cụ thể hơn về từ “địa phương” được nêu trong khoản 1, Điều 92 của Dự thảo Luật; địa phương là cấp xã, cấp huyện hay cấp tỉnh? Tương tự, các điều khác của Luật cần quy định cụ thể hơn về từ “địa phương”. Còn ở Điều 97, đề nghị bổ sung thêm khoản 5 quy định “các trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái quy định của pháp luật tại thời điểm cấp giấy, việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện theo hồ sơ, giấy tờ giấy tờ, hồ sơ gốc được lưu trữ tại địa phương”.
Tham gia góp ý tại điểm b, khoản 4, Điều 85, đại biểu thành phố Hải Dương nêu: Dự thảo ghi “quyết định nêu rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian chi trả tiền bồi thường hỗ trợ, thời gian bố trí nhà đất tái định cư và thời gian bàn giao đất” là quá chi tiết và không khả thi trong thực hiện. Về cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc và cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất, đây là việc thường xuyên phải thực hiện, nhạy cảm, cần có chế tài cụ thể để các cơ quan Nhà nước thực hiện và đề nghị nên thêm một khoản mở “Chính phủ quy định chi tiết điều này”. Việc giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường giải phóng mặt bằng là không phù hợp, nhất là những dự án có sử dụng đất ở hai hoặc nhiều huyện, nhiều địa phương khác nhau.
Về bồi thường hỗ trợ tái định cư, đại biểu huyện Thanh Miện nêu ý kiến, ở Điều 94 nên quy định dự án nào được bồi thường bằng đất có mục đích khác đất thu hồi. Đại diện huyện Thanh Hà đề nghị bổ sung thêm ở khoản 4, Điều 87 về trường hợp khi người bị cưỡng chế, thu hồi đất từ chối nhận lại tài sản.
Góp ý về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại diện huyện Kim Thành cho rằng khoản d, Điều 78 nên quy định cụ thể các loại chợ vì thực tế có nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để triển khai dự án. Về giá đất khi thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng, đề nghị quy định rõ hơn đối với vùng giáp ranh giữa nông thôn và thành thị.
Ý kiến của đại diện Huyện Kinh Môn đề nghị, về nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, cần quy định cụ thể hơn về trường hợp trong quá trình giải phóng mặt bằng, người có đất thu hồi không có mặt ở địa phương, không liên lạc được. Đối với nội dung bố trí tái định cư, Dự thảo cần cụ thể hơn để tránh khiếu kiện trong triển khai; nêu rõ hơn về việc “đảm bảo điều kiện tốt hơn nơi ở cũ” cho người dân cụ thể ra sao để đảm bảo lợi ích của người dân.
Hội nghị cũng chỉ ra một bất cập hiện nay là khi thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng giữa các dự án của hai địa phương giáp nhau có sự chênh lệch giá đền bù, gây khó khăn cho giải phóng mặt bằng; đề nghị xem xét để có sự điều chỉnh tháo gỡ vướng mắc này. Quy định về hỗ trợ tái định cư cho người có đất bị thu hồi thời gian qua có điểm chưa thỏa đáng, đề nghị cần thể chế hóa các quy định để bảo đảm lợi ích cho người dân.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cần nghiên cứu yếu tố về giới trong quy định bồi thường thu hồi đất để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp; cần cụ thể hóa các quy định, tiêu chí để thực hiện bồi thường tái định cư, tiêu chí về đất cho các cơ sở tôn giáo. Khi Nhà nước thu hồi đất gây thiệt hại đến vật nuôi, đề nghị bồi thường theo giá thực tế. Ngoài ra, cần quy định việc xử lý đối với dự án đầu tư chậm triển khai. Các ý kiến cũng cho rằng việc thỏa thuận chuyển nhượng trong thực hiện dự án, việc giải quyết nhà ở cho người dân khi giải phóng mặt bằng, thu hồi đất cần được làm rõ hơn.
Về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, theo đại diện huyện Gia Lộc, Dự thảo cần sửa đổi cho phù hợp giữa Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014; đề nghị xem xét về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của các hộ gia đình để đảm bảo thống nhất trong thực hiện các luật có liên quan.
Tham gia ý kiến về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lãnh đạo thị xã Kinh Môn đề nghị cần điều chỉnh “quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của cấp trên”.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản yêu cầu, sau hội nghị, các địa phương tiếp tục tham gia sâu thêm các nhóm vấn đề: đất lâm trường, nông trường; đất cho cơ sở tôn giáo; đất cho đồng bào dân tộc thiểu số; đất di tích lịch sử, di sản thiên nhiên; đất gắn với đường sắt; đất xâm canh xâm cư… Các Sở: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng cần xuất phát từ những vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật Đất đai năm 2013, gửi đề xuất bằng văn bản. Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tham mưu cho tỉnh để tỉnh hoàn thành việc góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trước ngày 10/3.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị