Hải Dương: Nhiều giải pháp ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư

(Xây dựng) – Trong Kế hoạch phòng thủ dân sự về ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Hải Dương vừa được ban hành, UBND tỉnh đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra.

hai duong nhieu giai phap ung pho tham hoa chay lon nha cao tang khu do thi khu cong nghiep khu dan cu
Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại kho xăng dầu Hải Dương.

Trước hết, các Sở, ngành, địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, ứng phó khi có cháy lớn xảy ra nhà cao tầng, khu công nghiệp, khu dân cư. Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều nội dung, hình thức thiết thực, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nhất là đối với các sự cố cháy lớn tại nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư và chủ động thực hiện các biện pháp cứu người, cứu tài sản, biện pháp tự bảo đảm an toàn, phòng tránh và tự thoát nạn khi xảy ra các sự cố cháy lớn.

Căn cứ đặc điểm, tình hình từng địa bàn, lĩnh vực quản lý để xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với sự cố cháy lớn tại nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư trên cơ sở coi trọng phương châm “4 tại chỗ”. Chú trọng tổ chức diễn tập các phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có sự tham gia của nhiều lực lượng do UBND tỉnh, Công an tỉnh chủ trì tại các công trình cao tầng, các cơ sở có nguy cơ xảy ra cháy lớn. Rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng lực lượng, phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của các cơ quan, đơn vị, cơ sở; có kế hoạch huy động ứng phó với thảm hoạ cháy lớn tại nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng thiết bị, phương tiện, dụng cụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phục vụ ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; đầu tư kinh phí mua sắm bổ sung trang thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tế công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Từng bước xã hội hóa công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nhằm huy động các nguồn lực hợp pháp để giảm vốn đầu tư từ ngân sách.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ, nhất là các cơ sở có nguy cơ xảy ra cháy lớn. Thực hiện nghiêm túc công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đối với nhà cao tầng, khu công nghiệp, khu đô thị và khu dân cư khi mới xây dựng hoặc cải tạo theo quy định của pháp luật; thực hiện đầy đủ chế độ kiểm tra toàn diện các điều kiện an toàn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ kịp thời chỉ đạo và đề ra các giải pháp, biện pháp giải quyết những vấn đề nổi lên gây mất an toàn về phòng cháy chữa cháy, phòng ngừa sự cố tai nạn hoặc gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là các nguy cơ có thể dẫn đến thảm hoạ cháy lớn.

Đảm bảo lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng triển khai công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đạt hiệu quả cao nhất, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Theo UBND tỉnh Hải Dương, Kế hoạch phòng thủ dân sự ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Hải Dương nhằm nâng cao tính chủ động và khả năng sẵn sàng chiến đấu, kịp thời xử lý tình huống dập tắt các đám cháy, nổ xảy ra tại các cơ sở nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư theo phương châm “4 tại chỗ. Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và quần chúng nhân dân hiểu và nắm vững quy định của pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nhằm huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân vào công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; kiện toàn tổ chức, biên chế; phân công trách nhiệm cụ thể cho các lực lượng liên quan; xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó với sự cố cháy lớn xảy ra tại nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích